(LĐ online) - Thành lập từ cuối năm 2008, ban nhạc Mimoza (thuộc Hội người mù tỉnh Lâm Đồng) gồm 4 nhạc công và 3 ca sỹ chính, tất cả đều là người dân tộc thiểu số bị khiếm thị nhưng lại là những tay chơi và hát nhạc khá điêu luyện.
Cũng như mọi khi, cứ vào chiều chủ nhật, trong căn phòng tập nhạc của hội người mù bỗng nhộn nhịp hẳn. Tiếng trống, tiếng đàn… và tiếng ca lại hòa vang theo những giai điệu lúc sâu lắng, mượt mà, lúc lại đầy dữ dội, khát khao. Từng câu hát vang vọng, những ca từ của bài “Lòng mẹ”, “Ôi cuộc sống mến thương” đến “Giấc mơ Chapi”, “Nụ cười thiên thần”… qua giọng hát của những người khiếm thị càng thêm tràn đầy cảm xúc.
Ban nhạc đang tập dượt với bộ nhạc cụ được các nhà từ thiện mua tặng (Ảnh: Huy Phan) |
Từ 20 người theo học ban đầu, do khó quá nên con số ấy rơi rụng dần, chỉ còn gần 10 người như hiện nay. Trong đó, có 4 chàng trai đặc biệt năng khiếu, chơi nhạc và hát hay nhất nay trở thành trụ cột của ban nhạc. Ban nhạc Mimoza nay đã dần trở nên chuyên nghiệp và tự tin đi biểu diễn ở nhiều nơi. Chị Mai cho biết: “Các em trong nhóm cũng thường xuyên đi diễn, đệm nhạc ở các buổi giao lưu, những ngày lễ kỷ niệm của người khuyết tật… Ngoài ra, một số em trong nhóm cũng đi chơi nhạc cho các đám cưới, quán bar, nhà hàng… để kiếm thêm tiền đi học”.
Anh K’Cường (chơi ghita thùng và là giọng “chuyên trị” những bài hát về Tây Nguyên), khoe: “Ban nhạc của tụi mình chơi được tất cả các thể loại nhưng trừ nhạc vọng cổ vì khó đánh lắm”.
Cường bị khiếm thị từ nhỏ, mới vào Hội từ năm 2005. Mới đầu chưa có lớp nhạc, Cường học chữ nổi, tham gia làm tăm, làm chổi… cùng các thành viên khác. Khi có thầy về dạy nhạc, Cường bắt đầu theo học ghita, organ, trống nhưng món ghita là có năng khiếu nhất. “Lúc đầu học vì yêu thích, rồi thấy mình có thể chơi nhạc thành thạo được lúc ấy thấy vui lắm, ngày nào cũng ngồi đàn hát cho vơi đi nỗi buồn” – Cường kể.
Nhớ nhất là những lần đầu đi diễn trên sân khấu. Do chưa quen nên đôi khi cũng bị sai nhịp, mỗi lần như vậy, họ về tập lại thật nhuần nhuyễn và cùng nhau bàn bạc rút ra kinh nghiệm để khắc phục. Cô bé K’Hẻm (17 tuổi, nhà ở Đạ Huoai), một trong những ca sỹ chính của ban nhạc, kể lại: “Em nhớ nhất lần hát chung với các cô chú ở sân khấu ngoài khu Hòa Bình, do hồi hộp nên tự nhiên bị sai nhịp và phải một lúc sau mới chỉnh lại được. Sau lần đó về nhà em tự rút kinh nghiệm và tập hát kỹ hơn trước khi lên sân khấu”.
“Ca sỹ” K’Cường đang phiêu với tình khúc “Giấc mơ Chapi” (Ảnh: Huy Phan) |
Là một tay organ nên mỗi khi được mời, Đài lại mày mò đi diễn. Mỗi lần như vậy em được trả công từ 150.000 – 300.000đ. Số tiền này Đài dành giụm để tiếp tục đi học nhạc nâng cao và chi phí cho bản thân. Tuy nhiên, một tháng cũng chỉ có vài lần được gọi. “Mới đầu em cũng học trống và ghita nhưng sau thấy mình có năng khiếu chơi organ hơn nên mới theo đuổi.” – K’ Đài cho biết thêm.
Mặc dù hiện nay ban nhạc chơi khá hay nhưng việc định hướng cho ban nhạc đi diễn chuyên nghiệp vẫn còn khá nhiều trở ngại. Bởi theo các thành viên thì, việc đi diễn còn nhiều khó khăn lắm, nhất là rào cản về nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, cả ban nhạc đều đang rất quyết tâm theo đuổi để chứng tỏ cho mọi người biết rằng, người khiếm thị cũng có thể thành công trên bất cứ lĩnh vực vào nếu có niềm tin, sự nỗ lực và đam mê. Chị Lê Thị Mai cũng bảo: “Chúng tôi cũng đang định hướng cho các em và luôn động viên các em xóa bỏ mặc cảm. Theo kế hoạch thì hè này ban nhạc được nhóm Giai Điệu Xanh (ở TP.HCM) mời đi diễn giao lưu ở dưới đó đấy, đây sẽ là cơ hội lớn cho các em thể hiện mình”.