Những góc học tập không nguội lạnh…

03:03, 15/03/2011

Dù thiếu vắng hơi ấm của cả cha lẫn mẹ, nhưng 5 anh em trai trong gia đình Lại Thế Quang (phường Lộc Sơn, Bảo Lộc) vẫn cùng nhau đi qua những chặng đường khó khăn nhất để đến ngưỡng cửa trung cấp, đại học. Năm anh em cùng học, cùng làm và chắt chiu học tập từ nguồn vốn được vay của Chương trình tín dụng học sinh sinh viên…

Dù thiếu vắng hơi ấm của cả cha lẫn mẹ, nhưng 5 anh em trai trong gia đình Lại Thế Quang (phường Lộc Sơn, Bảo Lộc) vẫn cùng nhau đi qua những chặng đường khó khăn nhất để đến ngưỡng cửa trung cấp, đại học. Năm anh em cùng học, cùng làm và chắt chiu học tập từ nguồn vốn được vay của Chương trình tín dụng học sinh sinh viên…

Bất ngờ khi gặp Lại Thế Quang tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình tín dụng cho vay học sinh sinh viên, trái với sự suy đoán của nhiều người rằng sẽ gặp một gương mặt khắc khổ, cam chịu, Quang đến dự hội nghị cùng vẻ ngoài cao lớn, gương mặt cương nghị và không kém tự tin. Nhìn Quang, người ta nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất. Cõ lẽ, vẻ ngoài ấy thể hiện một tinh thần vững chãi, lạc quan, dù đời Quang đã phải gánh chịu nhiều giai đoạn buồn đến nao lòng.

Lãi Thế Quang.
Lãi Thế Quang.
Chúng tôi đã từng gặp mẹ Quang - cô Kim Anh, khi cô còn sống và tham dự hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình tín dụng cho vay học sinh sinh viên vào năm ngoái. Cô là trụ cột duy nhất nuôi 5 người con trai ăn học sau khi chồng cô bị bệnh và mất khi Lại Thế Quang - con trai đầu mới bước vào học kỳ 1 Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Chắt chiu nuôi con bằng thu nhập kiếm được từ việc đi lựa trà khô ở Bảo Lộc, cô tiếp tục nuôi Lại Anh Huy học Đại học Sư phạm kỹ thuật, Lại Anh Khoa học hệ trung cấp nhà hàng khách sạn - Đại học dân lập Hùng Vương, Lại Xuân Hiển học ngành kiến trúc xây dựng - Đại học Văn Lang, Lại Xuân Thiện - sinh viên ngành thể thao giải trí - Đại học Thể dục thể thao TPHCM. Sức vóc của một người mẹ gầy gò nhưng ý chí rất lớn như thúc đẩy cô làm hết mình vì việc học của các con. Cho đến khi học hết năm 2 đại học, vì quá khó khăn, Quang xin bảo lưu điểm để đi bốc vác tại cảng trong suốt một năm, cố gắng giành dụm tiền sau đó tiếp tục quay lại trường. Trong một gia đình mà chỉ có 1 lao động phổ thông nuôi 5 con ăn học, cô Kim Anh vật lộn với các khoản học phí, sinh hoạt phí cho 5 con. Đến năm 2008, khi Chương trình tín dụng ưu đãi học sinh sinh viên được thực hiện, cả gia đình như gỡ bỏ được một gánh nặng. Hạn mức được duyệt lên đến 137 triệu đồng đã mở ra ánh sáng trên con đường học vấn cho những ý chí hiếu học trong  hoàn cảnh có nhiều gập ghềnh, hoạn nạn.

Sau nhiều năm bôn ba, sức lực của cô Kim Anh suy kiệt. Đến năm 2010, khi Quang đang trong giai đoạn làm báo cáo tốt nghiệp, mẹ Quang trở bệnh nặng. Quang vay mượn bạn bè để chữa chạy cho mẹ nhưng cô đã không qua khỏi. Quang trở thành trụ cột chính còn lại trong gia đình. Hoàn thành báo cáo tốt nghiệp, Quang quay về giải quyết các khoản nợ đã vay bạn bè, người thân, chòm xóm… Không để các em mình bỏ học, người anh cả quyết định bán đất nhà bố mẹ để lại để trả nợ, phần vốn nhỏ còn lại sẽ đầu tư duy nhất cho việc học của các em. Chút vốn ấy coi như tất cả niềm tin và hy vọng mà bố mẹ giành lại cho 5 anh em. Cùng với nguồn vốn học sinh sinh viên được vay, cả 5 anh em sẽ chắt chiu để giành lấy tri thức. Quang tự tin nói rằng, thời nay cơ hội không hề thiếu, chỉ cần phấn đấu để có được nền tảng học thức tốt nhất, bản lĩnh vững vàng thì sẽ thể hiện được mình. Vừa bước qua những ngày vất vả nhất, thiếu thốn và nhiều nỗi buồn, nhiều sức ép nhất, câu nói ấy của Quang khiến tôi lại nhớ về hình ảnh cô Kim Anh - mẹ Quang – một nhân vật tôi  gặp chưa lâu mà chưa kịp viết…
Hải Yến