Chị đã theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu về Linh chi ngay từ thời sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội bắt đầu từ sự tò mò tìm hiểu về vị thuốc “trường sinh bất lão” có tác dụng chữa bệnh được ghi chép trong các thư tịch cổ.
TS-BS Phạm Thị Bạch Yến hiện là Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng. Chị đã theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu về Linh chi ngay từ thời sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội bắt đầu từ sự tò mò tìm hiểu về vị thuốc “trường sinh bất lão” có tác dụng chữa bệnh được ghi chép trong các thư tịch cổ. Hơn 20 năm công tác trong ngành y tế Lâm Đồng, qua nhiều năm triển khai các đề tài nghiên cứu về Linh chi trong ứng dụng chữa bệnh được mở rộng về quy mô và phạm vi nghiên cứu đã giúp cho chị hoàn thành xuất sắc Luận án Tiến sĩ Y học vào năm 2009. Đến bây giờ, chị vẫn tiếp tục ấp ủ dự định tương lai sẽ tiếp tục dành một khoảng thời gian cho việc nghiên cứu về tác dụng chữa các loại bệnh của nấm Linh chi Đà Lạt và sẽ phối hợp với công ty dược để sản xuất thuốc từ nấm Hồng chi Đà Lạt.
PV: Được biết Tiến sĩ –Bác sĩ vừa mới cho ra mắt độc giả cuốn sách “Linh chi và ứng dụng của Linh chi trong y học”, chị có thể cho biết tâm huyết mà chị gởi gắm trong cuốn sách y học này?
TS-BS Phạm Thị Bạch Yến: Trong các thư tịch cổ đã ghi chép về tác dụng chữa bệnh của nấm Linh chi như là vị thuốc trường sinh bất tử bởi giá trị siêu dược liệu của chúng. Lịch sử nghiên cứu nấm Linh chi trên thế giới đã có hơn 200 năm, nhưng đến nay Linh chi vẫn đang là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Các nhà dược học, thực vật học và sinh học đã tìm thấy nấm Linh chi, Cổ Linh chi mọc tự nhiên tại vùng Đà Lạt và ở các khu rừng Lâm Đồng. Hiện nay loại nấm này đang được nhân dân nuôi trồng và sử dụng rộng rãi để chữa “bách bệnh”, nhưng vẫn chưa được hiểu biết một cách đầy đủ. Vì vậy, cuốn sách “Linh chi và ứng dụng của Linh chi trong y học” nhằm giới thiệu các loài nấm Linh chi và tác dụng chữa bệnh của chúng để giúp cho người dân hiểu biết rõ hơn về một loại thảo dược quý hiếm.
PV: Chị có “duyên nợ” với Linh chi như thế nào?
TS-BS Phạm Thị Bạch Yến nghiên cứu thu thập mẫu nấm Linh chi ở rừng Bidoup -Núi Bà (Lạc Dương). |
TS-BS Phạm Thị Bạch Yến: Trong 8 công trình nghiên cứu tiêu biểu của tôi phần lớn tập trung nghiên cứu vào Linh chi, ứng dụng loại thảo dược này trong điều trị bệnh tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu. Thời gian mới ra trường về công tác ở Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt từ năm 1989, tôi đã xác định hướng nghiên cứu của mình tập trung vào Linh chi, đó là niềm đam mê đi sâu khám phá về một loại dược liệu quý của địa phương. Tôi tìm đọc các tài liệu nước ngoài, sau đó đã 2 lần tham gia trong đoàn của Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, GS. Hoàng Bảo Châu sang Trung Quốc, Hàn Quốc nghiên cứu về Linh chi; đã tìm đọc các nghiên cứu về nấm Linh chi của tác giả Lê Xuân Thám ở Lâm Đồng có những phát hiện thú vị về Linh chi mọc tự nhiên trong rừng và nuôi trồng; điều này đã khẳng định Lâm Đồng có tiềm năng dược liệu quý Linh chi. Tôi thấy nhu cầu người dân đem nấm Linh chi đến bệnh viện nhờ hướng dẫn sắc, tán bột về uống chữa bệnh với niềm tin Linh chi chữa được bách bệnh. Câu hỏi đặt ra là giá trị của Linh chi Đà Lạt -Lâm Đồng đến đâu khiến tôi tò mò. Tôi lấy một ít Linh chi Đà Lạt mang ra bộ môn Dược liệu của Trường ĐH Y Hà Nội để nhờ nghiên cứu xem có nhóm chất gì. Khi định tính được hoạt chất có trong Linh chi và tiến hành thử thuốc trên chuột không thấy có độc tính, tôi mạnh dạn thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về “Nghiên cứu tác dụng hạ lipid máu của nấm Hồng chi Đà Lạt (Ganoderma lucidum) trên lâm sàng” năm 2007.
Những năm trước đó, tôi có tiến hành đề tài “Nghiên cứu nấm Hồng chi Đà Lạt Ganoderma lucidum chủng DL1, họ Ganodermatacea” đã xác định thành phần hoá học của nấm Hồng chi Đà Lạt chủng DL1 có 6 nhóm chất: Saponin, Sterol, Flavonoid, Acid amin, Polysaccharid, Alcaloid. Tuy đã thử trên chuột, nhưng quá trình nghiên cứu tôi vẫn hồi hộp, lo lắng vì thử thuốc trên thực nghiệm và ứng dụng chữa bệnh trên người là cả một quá trình dài thắc thỏm hơn 5 năm nghiên cứu. Từ đề tài nghiên cứu cấp tỉnh đánh giá tốt, tôi đã tiếp tục phát triển nghiên cứu đề tài là công trình Luận án Tiến sĩ Y học “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả điều trị hội chứng rối loạn lipid máu của nấm Hồng chi Đà Lạt (Ganoderma lucidum)” được Hội đồng khoa học cấp nhà nước đánh giá xuất sắc. Đề tài nghiên cứu theo hướng tìm ra các hoạt chất, cơ chế, tác dụng và liều dùng nấm Hồng chi Đà Lạt để chữa bệnh rối loạn lipid máu.
PV: Kỳ công nghiên cứu của chị về nấm Linh chi qua nhiều năm đã có kết quả?
TS-BS Phạm Thị Bạch Yến: Với 46 loài Linh chi khác nhau, với nhiều chủng khác nhau ở nước ta thì việc sử dụng liều lượng của nấm Hồng chi Đà Lạt chủng DL1 như thế nào để có hiệu quả trong điều trị rối loạn lipid máu, đây là một vấn đề đặt ra khi nghiên cứu. Qua quá trình thử độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, đánh giá ảnh hưởng của thuốc nghiên cứu trên mô hình gây tăng lipid máu trên chuột cống trắng và thực tế trong dân gian đã tự sử dụng với liều cao hơn sách chỉ dẫn về liều thuốc Linh chi Việt Nam sử dụng trên lâm sàng (thuốc sắc dùng từ 3-10g/24h, thuốc bột dùng từ 2-5g/24h), cùng kết quả nghiên cứu trên 64 bệnh nhân rối loạn lipid máu đã xác định khoảng liều thích hợp có tác dụng điều trị rối loạn lipid máu trên người của nấm Hồng chi Đà Lạt chủng DL1 là từ 4-15g/24h. Kết quả nghiên cứu trên lâm sàng, cụ thể là 64 bệnh nhân đã cho thấy: nấm Hồng chi Đà Lạt với liều dùng 15g/24h đã có tác dụng hạn chế rõ rệt sự rối loạn 4 chỉ số lipid máu cao hơn nấm Hồng chi với liều 4g/24h sau 40 ngày điều trị liên tục và không làm thay đổi enzym gan và thận, không gây độc cho gan, thận.
PV: Những kết quả nghiên cứu mới đang làm cho nấm Linh chi càng trở nên hấp dẫn hơn với người sử dụng và với các nhà nghiên cứu y dược học. Định hướng phát triển nghiên cứu Linh chi ứng dụng trong thực tiễn sản xuất thuốc chữa bệnh nhằm đánh thức tiềm năng dược liệu quý này ở Lâm Đồng?
TS-BS Phạm Thị Bạch Yến: Tôi vẫn nghĩ việc nghiên cứu cần tiếp tục và quan tâm nghiên cứu sâu hơn nữa, nhằm mục đích khẳng định thương hiệu của Linh chi Đà Lạt -Lâm Đồng. Hiện nay Linh chi Trung Quốc bán trên thị trường 1-2 triệu đồng/kg, nhưng Linh chi Lâm Đồng chỉ có giá 200-300.000 đồng/kg, vì nguyên nhân chính là Linh chi Đà Lạt -Lâm Đồng chưa có nhiều các công trình nghiên cứu khẳng định được giá trị chữa bệnh. Từ kết quả nghiên cứu đã tìm ra nhóm hoạt chất chính trong Hồng chi Đà Lạt chủng DL1, cơ chế thuốc, liều dùng để chữa hội chứng rối loạn lipid máu, dự kiến trong tương lai tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu giá trị chữa bệnh của Linh Chi, sẽ phối hợp với Sở Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn và Công ty Dược Lâm Đồng (Ladophar) để phát triển nuôi trồng, sản xuất thuốc điều trị bệnh từ Hồng chi Đà Lạt để phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân địa phương, mở rộng ở các tỉnh khác và để góp phần tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương.
PV: Cám ơn TS-BS về thành quả nghiên cứu Linh chi và dự định tốt đẹp!