Phận nữ lao động K’Long

02:03, 08/03/2011

Mùa khô đang đến sớm hơn trên cao nguyên Lâm Viên. Dong xe theo quốc lộ 20 từ TP Đà Lạt về Phi Nôm (Đức Trọng) sẽ thấy một không khí khẩn trương, nhộn nhịp dưới chân núi Voi (K’Long, Hiệp An, Đức Trọng). Ớ đấy, những bóng nón chập chùng đang miệt mài mưu sinh bên những khóm rau xanh ngút ngàn thẳng tắp.

Mùa khô đang đến sớm hơn trên cao nguyên Lâm Viên. Dong xe theo quốc lộ 20 từ TP Đà Lạt về Phi Nôm (Đức Trọng) sẽ thấy một không khí khẩn trương, nhộn nhịp dưới chân núi Voi (K’Long, Hiệp An, Đức Trọng). Ớ đấy, những bóng nón chập chùng đang miệt mài mưu sinh bên những khóm rau xanh ngút ngàn thẳng tắp.

Xứ K’Long từ lâu được mệnh danh là nơi “đất lành, chim đậu’ cho những cô gái, chàng trai vì nghèo mà bỏ học, những người mẹ xa con, bà xa cháu…vào đây mưu sinh. Họ về đây bên những căn trọ xập xệ nằm khuất sau những luống rau màu mỡ hai bên đường.

Không khí “í ới” gọi nhau ra đồng từ sáng sớm rồi làm việc đến tận chiều mới tan. Đang lên luống cho vườn rau gần làng Darahoa, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hòa (22 tuổi) quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh nói “Em vào đây làm cũng 3 năm rồi. Năm nay, em không về mà ở lại cùng với mấy chị, làm thêm ít tiền để qua mùa khô này về cho rẻ”. Từ ngày rời ghế nhà trường, Hòa không học tiếp như những người bạn mà theo anh chị họ vào đây mưu sinh. Năm vừa rồi, hai cơn lũ chồng chất đi qua khiến ngôi nhà của gia đình không còn thứ gì, ngẫm thương cho mấy đứa em mà gắn làm. “Tết vừa rồi em tằn tiện được 3 triệu gửi về cho ba mẹ mua sắm tết, ở xứ lao động nghèo này ai ai chỉ mong cho chân cứng đá mềm, quyết chí mà làm ăn thôi” Hòa bộc bạch.

Bóng nón chập chùng của những cô gái tha hương ở xứ K’Long.
Bóng nón chập chùng của những cô gái tha hương ở xứ K’Long.
Chiều K’Long nhạt nắng, khi những phận đời lao công “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trở về nhà trọ cũng là lúc cảnh một mình cô đơn quán chiếc hiện lên trong những bà mẹ xa con. Chị Nguyễn Thị Sang, quê Hải Dương vào với vùng đất nay đã cũng được 5 mùa xuân. Năm 2005, gia đình nghèo khó nên chị quyết vào K’Long để thử vận trời. Cứ ngày ngày ra vườn làm rau, nhổ hành, thu hoạch hoa…rồi đến tối về phòng một mình lại ngủ. Chị nói “Nhà nghèo không có cái ăn mới vào đây, tiền công được bao nhiêu thì cũng tích góp để gửi về nhà cho mấy đứa nhỏ ăn học”. Những ngày gần tết, khi người quen gần về, chị lại đi chợ chọn mua những bộ quần áo đẹp gửi về cho 3 đứa con. 5 mùa xuân qua, người phụ nữ tảo tần ấy điều ở lại chỉ vì “giá xe cao”.

Ở bên cạnh phòng chị Sang là cụ Nguyễn Thị Định 69 tuổi, quê ở Thái Nguyên. Ngày đi làm công như bao thanh niên trai trẻ khác, tối về cụ lại tự nấu ăn rồi mai lại đi làm tiếp. Bên nồi canh rau là thức ăn duy nhất, cụ trầm ngâm “Ngày nào cũng như ngày nào thôi cháu, 8 năm nay không bên cạnh con cháu đã quen rồi, giờ chỉ mong sao năm mới cho cái sức khỏe để đi làm nuôi thân chứ cũng chẳng mong gì”.

Cụ Định được xem là người có thâm niên ở xứ lao động K’Long. Dù có con đồng cháu đống đàng hoàng, song lâu nay cụ vẫn ở một mình tại nơi đất khách quê người mà tự lao động. Cụ bảo “Còn sức thì cố gắng đi làm, còn dành dụng ít tiền lỡ may đau ốm không đi làm, còn có cái thuốc thang”. Trong căn trọ xập xệ, những đôi mắt bùi ngùi nhìn ra phía quốc lộ 20. Buổi chiều dòng người vẫn đi qua hối hả, phận đời tha hương K’Long đang ngóng vọng một ngày đoàn tụ từ những cô gái trẻ, người mẹ, người bà trên đất cao nguyên này.

Thiên Phúc