Những năm gần đây, vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em Lâm Đồng có chiều hướng khá phức tạp, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em. Năm 2010, sau khi ký cam kết với các bộ, ngành Trung ương để giảm thiểu tình trạng này, tỷ lệ trẻ em bị chết đuối có giảm. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả, dài hơi, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và ngành chức năng. Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Thu – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xoay quanh vấn đề này.
Những năm gần đây, vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em Lâm Đồng có chiều hướng khá phức tạp, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em. Năm 2010, sau khi ký cam kết với các bộ, ngành Trung ương để giảm thiểu tình trạng này, tỷ lệ trẻ em bị chết đuối có giảm. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả, dài hơi, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và ngành chức năng. Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Trương Văn Thu – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xoay quanh vấn đề này.
PV: Lâm Đồng mặc dù là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, song lại là một trong 16 tỉnh của cả nước có tỷ lệ đuối nước rất cao. Về Vấn đề này Ông nhận định ra sao?
Ông Trương Văn Thu: Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, địa hình phức tạp gồm rừng núi, nhiều sông, suối, thác nước, ao hồ…là những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước cao, nhất là trong dịp hè và mùa mưa lũ; đặc biệt là hồ và đập ngăn nước dùng để tưới tiêu của các lâm, nông trường và của các hộ gia đình có diện tích trồng cà phê lớn đều sâu và lòng chảo; trong khi đó hệ thống biển cấm, biển báo, rào chắn bảo vệ...hầu như không có do đó nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em là điều không tránh khỏi. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh nhà đã có sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương; tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước ở trẻ em còn cao tuy nhiên đã giảm tỷ lệ hàng năm.
Theo thống kê của ngành chức năng, trong hai năm 2009-2010 toàn tỉnh có 136 trường hợp tai nạn đuối nước và đã có 27 trẻ bị tử vong. Qua đó nhận thấy rằng công tác phối hợp với các ngành chưa chặt chẽ đồng bộ; gia đình và bản thân trẻ em còn xem nhẹ vấn đề tử vong do đuối nước ở trẻ em; chưa chú trọng và thiếu các biện pháp phòng ngừa. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương chưa thật sự thường xuyên và phong phú. Nhận thức của gia đình và các em còn hạn chế trong việc phòng chống tai nạn đuối nước, thiếu sự giám sát, quan tâm đến con cái đặc biệt là trong thời gian các em được nghỉ hè.
PV: Để giảm thiểu tình trạng này, UBND tỉnh sẽ có sự chỉ đạo như thế nào?
Ông Trương Văn Thu: Trước hết, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ngành LĐ - TB & XH, Y tế, Giáo dục, Công an... là hết sức quan trọng để làm tốt công tác bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em, nhất là vấn đề tai nạn thương tích, đuối nước như hiện nay.
UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và giao Sở LĐ - TB&XH chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành về công tác phòng chống tai nạn thương tích- đuối nước trẻ em tại văn bản số 5233/UBND-VX ngày 24/8/2010 và uỷ quyền giao cho Sở LĐ - TB&XH chủ trì xây dựng Kế hoạch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và hoàn thiện được hệ thống Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã. Hằng năm, ban chỉ đạo các cấp đều ban hành các chỉ thị, văn bản và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình; thiết lập hệ thống thống kê, giám sát chương trình từ tỉnh đến cơ sở, và đội ngũ cộng tác viên thôn, bản. Hệ thống này đã thu thập số liệu tai nạn đuối nước trẻ em, kịp thời báo cáo, đánh giá các hoạt động tại địa phương.
PV: Vấn đề sân chơi trẻ em hiện nay đang còn rất thiếu và bất cập, nhưng đây lại là một giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ vấn đề trên. Vậy Tỉnh có định hướng gì trong vấn đề này nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em?
Ông Trương Văn Thu: Đúng là thực trạng vấn đề sân chơi cho trẻ em hiện nay trên địa bàn tỉnh đang rất thiếu. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên lĩnh vực này chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Đã có rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thành phố Đà Lạt được triển khai, mỗi dự án khi thẩm duyệt đều có phần thiết kế dành cho trẻ em vui chơi; tuy nhiên, khi các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì phần này hầu như không có hoặc bị thu hẹp lại rất nhiều. Chúng tôi cũng có định hướng, trong thời gian tới cần thiết phải kêu gọi xã hội hoá về đầu tư sân chơi cho trẻ em. Đầu tư một cách có bài bản, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích. Nhất là tạo sự phong phú, hấp dẫn, sinh động và đa dạng cho loại hình vui chơi giải trí này dành cho trẻ em. Giải quyết được vấn đề này, sẽ khắc phục được nhiều vấn đề bất cập như báo chí đã phản ánh. Trẻ em đúng là đối tượng cần phải được quan tâm hàng đầu, bên cạnh việc phải bảo vệ - chăm sóc - giáo dục cho trẻ thì vấn đề vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm, nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước đáng tiếc có thể xảy ra. Việc các em được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, đóng góp những lợi ích cho xã hội.
Nguyệt Thu (thực hiện)