Nỗ lực tăng số lượng phụ nữ vào các cơ quan dân cử là một mục tiêu trong tiến trình bình đẳng giới. Xung quanh vấn đề này, PV Báo LĐ có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Ủy viên Ủy ban bầu cử, thành viên Tổ giới thiệu nhân sự tham gia Quốc hội, HĐND và phụ trách nhân sự giới nữ.
Tiến tới xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ thì người phụ nữ không thể bị lùi lại phía sau của dòng chảy phát triển. Vì vậy, nỗ lực tăng số lượng phụ nữ vào các cơ quan dân cử là một mục tiêu trong tiến trình bình đẳng giới. Xung quanh vấn đề này, PV Báo LĐ có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hằng Nga –Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Ủy viên Ủy ban bầu cử, thành viên Tổ giới thiệu nhân sự tham gia Quốc hội, HĐND và phụ trách nhân sự giới nữ.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga |
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Sau hội nghị trực tuyến triển khai công tác tham gia bầu cử của TW Hội LHPNVN xác định rõ mục đích, yêu cầu của cuộc bầu cử, trên cở sở chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN, Ban Thường vụ Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch số 30 hướng dẫn các huyện, thành hội về nội dung tham gia công tác bầu cử của Hội LHPN cấp huyện –thành phố và cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh hội cử lãnh đạo chủ chốt của hội tham gia vào Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành ủy phải phân công cán bộ chủ chốt của hội phụ nữ cấp huyện - thành và cơ sở tham gia Ủy ban bầu cử cấp địa phương, nhằm đảm bảo vai trò tham gia của các cấp hội phụ nữ đối với công tác bầu cử.
Cấp tỉnh chủ động rà soát cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở, trong các thành phần kinh tế, các lĩnh vực khác để lựa chọn, giới thiệu ứng cử viên nữ phù hợp với cơ cấu, thành phần và địa bàn ứng cử được phân bổ. Hội phụ nữ các huyện –thành và cơ sở chủ động trong việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ nữ tham gia ứng cử cấp huyện và cấp cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND, nhằm vận động đông đảo hội viên phụ nữ tham gia bầu cử đầy đủ, không nhờ người đi bầu thay như các cuộc bầu cử nhiệm kỳ trước.
PV: Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong công tác bầu cử, việc chuẩn bị nguồn nhân sự nữ và chủ động đề xuất, giới thiệu nhân sự nữ ứng cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016) ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Với vai trò tập hợp đông hội viên phụ nữ, đặc biệt nắm được danh sách cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở, nên Hội thuận lợi trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự nữ. Mạng lưới chân rết từ Trung ương đến cơ sở cũng là điều kiện tốt cho việc tuyên truyền vận động chị em tham gia bầu cử, tiếp xúc cử tri… TW Hội LHPNVN vừa kiểm tra đã đánh giá cao việc tham gia tích cực của Hội LHPN Lâm Đồng trong công tác bầu cử tại địa phương. Đến nay, Đảng Đoàn Hội LHPN tỉnh đã thống nhất danh sách giới thiệu cán bộ nữ tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016). Cụ thể: giới thiệu 4 đại biểu nữ ứng cử vào Quốc hội khóa XIII, trong đó 2 nữ dân tộc thiểu số; 34 chị ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2011-2016) để đảm bảo cơ cấu bầu 22 nữ trúng cử đạt 30% theo chỉ tiêu.
PV: Để đảm bảo đạt kết quả mong muốn với tỉ lệ 30% nữ trúng cử ĐBQH và HĐND các cấp ở nhiệm kỳ này có những thuận lợi, khó khăn gì?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Theo danh sách giới thiệu đại biểu nữ ứng cử QH và HĐND các cấp, cán bộ nữ có năng lực, trình độ tốt và mong muốn trưởng thành, cầu tiến. 4 chị ứng cử ĐBQH đều có trình độ đại học thuộc các lĩnh vực như: xã hội, y tế, giáo dục, nông nghiệp, trong đó 1 chị người dân tộc thiểu số còn rất trẻ, sinh năm 1986. Tất cả 34 nữ ứng cử vào HĐND các cấp đang độ tuổi sinh năm 1961 - 1983, đều có trình độ đại học (trong đó có 4 thạc sĩ - tiến sĩ), 5 nữ DTTS. Đó là các yếu tố thuận lợi để lựa chọn người đại biểu đủ phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện, khả năng đại diện cho tiếng nói của nhân dân ở diễn đàn Quốc hội và HĐND, đồng thời còn đại diện cho tầng lớp phụ nữ trong tỉnh.
Trong thực tế tỉ lệ nữ tham gia ĐBQH, HĐND các cấp chưa đạt theo quy định. Nhiều nguyên nhân, trong đó định kiến về giới vẫn còn trong xã hội và một bộ phận không nhỏ trong nhân dân còn tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”. Nhiệm kỳ 2004-2011, toàn tỉnh có 796 nữ đại biểu HĐND các cấp (chiếm 18,5% tổng số đại biểu), trong đó cấp tỉnh có 16 nữ (22,5%), cấp huyện - thành phố có 78 nữ (18,8%) và cấp xã - phường - thị trấn có 702 nữ (18,4%). Để phấn đấu và đạt được tỉ lệ 30% nữ trúng cử ĐBQH khóa XII và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011-2016) là một bước tiến lớn của xã hội về thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo cơ cấu phân bổ, đại biểu nữ gánh quá nhiều cơ cấu như: nữ - trẻ - DTTS - ngoài Đảng, với một đại biểu hội đủ tất cả các tiêu chuẩn trong cơ cấu này thì kinh nghiệm, sự tự tin, vị thế để bình đẳng với nam giới còn hạn chế. Chính vì vậy, Hội LHPN đã chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ nữ lần đầu tiên tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Dự kiến mở 5 lớp (3 cụm cấp cơ sở, 1 lớp cấp huyện - thị, 1 lớp cấp tỉnh) để hướng dẫn cho đại biểu nữ xây dựng chương trình hành động, cách trao đổi vận động bầu cử… Bên cạnh đó, Hội LHPN tham gia vào việc sắp xếp nhân sự nữ trong các đơn vị bầu cử để đảm bảo bình đẳng giới. Tăng cường các hoạt động truyền thông, nhằm hỗ trợ nữ ứng cử viên tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri và vận động hội viên phụ nữ đi bầu đầy đủ, mục tiêu đạt 97% hội viên phụ nữ trực tiếp đi bầu cử.
PV: Xin cám ơn bà!
Diệu Hiền (thực hiện)