Câu chuyện của “Người đi mở đất”

01:04, 28/04/2011

Đó là câu chuyện của Trưởng ban kinh tế mới huyện Cát Tiên, Bí thư Chi bộ thôn 5, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng, ông Nguyễn Văn Quy (60 tuổi, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên).

Hơn 40 năm làm công tác cơ sở, hoạt động cách mạng, Phó ban tiền phương - đưa dân đi xây dựng kinh tế mới tại Phù Mỹ (huyện Cát Tiên), Trưởng ban kinh tế mới huyện Cát Tiên, Bí thư Chi bộ thôn 5, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng, 40 tuổi đảng… Đó là những dòng lý lịch tóm tắt của ông Nguyễn Văn Quy (60 tuổi, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên) suốt cuộc đời theo Đảng, phục vụ nhân dân.

Chúng tôi ghé thăm căn nhà nằm bên sườn đồi rợp bóng điều cũng vừa lúc ông Quy từ rẫy trở về. Câu chuyện về cuộc đời của ông và những chiến sĩ cách mạng với những tháng ngày gian khó “bám làng”… bỗng ùa về trong ký ức của người chiến sĩ cụ Hồ cao tuổi.
 
Người lính cụ Hồ - ông Nguyễn Vãn Quy và tác giả
Người lính cụ Hồ - ông Nguyễn Vãn Quy và tác giả

Vừa rót chén trà mời khách, ông nói: “Dẫu đã cao tuổi nhưng tôi vẫn đi vào nương rẫy, cuốc xới, thăm vườn điều cho vui thú tuổi già”. Những danh hiệu, bằng khen suốt cuộc đời hoạt động của ông được treo những nơi trang trọng nhất. Tất cả hồ sơ, giấy tờ hoạt động cùng nhiều kỷ vật trong quân đội của ông được xếp ngay ngắn trong chiếc tủ nhỏ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Quy bắt đầu từ những ngày tuổi thơ của mình đầy gian khó, cơ cực. Ông sinh ra từ vùng Chánh Thạch, Mỹ Thọ, Phù Mỹ - tỉnh Bình Định. Tuổi niên thiếu, ông theo cha hoạt động cách mạng (cha ông là đảng viên Đảng Lao Động từ năm 1945 - đến năm 1954). Chiến tranh với bất công và phi lý với những trận càn quét đã cướp đi những người đồng đội và người cha, lúc ông vừa 16 tuổi. Ông Quy tâm sự: “Suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên lời cha răn dạy rằng: “Con làm gì thì luôn phải nhớ việc đó có ích cho đồng bào, cho nhân dân và những người nghèo, người đồng bào dân tộc được ấm no thì con nên làm!” - Ông Nguyễn Văn Quy nói mà đôi mắt sáng ngời nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ, từ đó ông bắt đầu “dấn thân” theo lời dạy của người cha với những ngày hoạt động đầy gian khó.

Năm 1962, ông làm giao liên cơ sở cách mạng bí mật tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (Bình Định), rồi làm cán bộ tuyên huấn, sau đó công tác thông tin tuyên truyền binh vận (năm 1968) tại huyện Phù Mỹ. Từ năm 1977 - 1980, ông được đi học lớp trung cấp kế hoạch tại Trường kinh tế Nghĩa Bình. Từ năm 1982 - năm 1983, đưa dân đi xây dựng kinh tế mới tại huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, với chức vụ Phó ban Tiền phương. Bước đường công tác của ông được đánh dấu “mốc son” khi ông đưa dân xây dựng kinh tế mới ở thôn 5 (nay là xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên). Ông biết đến là người tiên phong đưa cây điều lên vùng núi rừng, nơi có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số người Mạ, K’Ho, M’Nông, S Tiêng , Tày…

Tuy đất nước được giải phóng nhưng Đồng Nai Thượng những năm 1990 vẫn là xã khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Ông kể lại: Những ngày đến vùng đất mới ông phải tự làm lán tạm ở suối Đạï La (nằm giữa xã Đồng Nai Thượng), vận động thanh niên thành lập đội du kích của xã. Lúc đó cả xã chỉ có 35 hộ gia đình, sống tập trung trong những căn nhà dài, nên khó khăn trong vận động sản xuất. Với quyết tâm bám làng, ông cùng thanh niên làng bản phát nương rẫy, “gieo” 30ha cây điều đầu tiên lên vùng đất đỏ. Kết quả thành công ngoài sự mong đợi, những cây điều đầu tiên ra trái bói (năm1993) là nguồn động viên lớn đối với ông và chính quyền xã Đồng Nai Thượng. Từ đó, phong trào trồng điều đã lan rộng ra toàn xã, bà con không còn lo cái đói ăn mỗi khi đến mùa giáp hạt. Cùng với việc vận động bà con trồng điều, xây dựng đời sống vãn hóa mới, ông cũng là người thầy “gieo cái chữ” cho người dân nơi đây, trong phong trào “bình dân học vụ”… “Lớp học đặc biệt lắm, già có, trẻ có, khoảng 30 học sinh tập trung một lớp” - ông Quy kể lại.

Đến bây giờ, cây điều được xem là cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã Đồng Nai Thượng với diện tích điều đã được mở rộng lên 815ha, trong đó 775 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 610 kg/ha, sản lượng hơn 4.700 tấn.

Câu chuyện của “người đi mở đất” lại ùa về với những ngày lạc giữa rừng thiêng nước độc. Mân mê chiếc võng đã nhiều năm gắn bó với cuộc đời kháng chiến, ông Quy nhớ lại “Lúc đó, tôi phải chiến đấu với sự đói khát và sốt rét, học cách tiết kiệm lương thực, nước uống”. Có lẽ chỉ có bản lĩnh của người lính cụ Hồ mới chiến thắng tất cả. Bây giờ ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, đồng thời là người bồi dưỡng, giúp thanh niên trong làng hiểu thêm về Đảng, về Bác Hồ. Ngýời dân trong xã Đồng Nai Thượng rất quý mến và xem ông là một thành viên của đồng bào, ông được gọi bằng cái tên thân mật “K’ Quy” như những cái tên “đứa con của làng” làm nên xã anh hùng.

Ông Điểu K’ Giắc - Bí thứ xã Đồng Nai Thượng, vui mừng: “Cây điều ra hoa, đơm trái đã hé mở những tín hiệu vui làm cuộc sống thay đổi, bởi cái đói, cái nghèo không còn đeo bám…”. Cũng theo ông K’ Giắc, vượt qua những ngày gian khổ, quyết tâm bám làng, bám rừng gieo những mầm xanh cho Đồng Nai Thượng, nhưng trên hết đó là sự đổi thay nhận thức của bà con, cùng sự đổi mới đi lên thoát nghèo của vùng đất này là có một phần không nhỏ của người lão thành cách mạng Nguyễn Vãn Quy.

ĐẶNG TUẤN