Cô gái tàn tật và những bức tranh khát vọng vươn lên trong cuộc sống

03:04, 05/04/2011

Loanh quanh hoài trên con đường mới đầy đất, đá lô nhô, lổm nhổm và bụi mù mịt, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được ngôi nhà nhỏ, khiêm nhường cuối con đường hẻm của “nghệ sĩ “ làm tranh bằng len vụn - Bùi Xuân Thy Phụng (1980) ở phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc. Đang bận rộn giữa nhiều tranh vẽ, “nghệ sĩ” niềm nở mời chúng tôi vào nhà và dùng nạng đứng lên, định đi lấy nước mời khách, chúng tôi ngăn lại. Thế là cuộc chuyện trò giữa chủ và khách diễn ra ngay bên chiếc bàn nhỏ dùng làm nơi vẽ tranh hàng ngày của Phụng.

Loanh quanh hoài trên con đường mới đầy đất, đá lô nhô, lổm nhổm và bụi mù mịt, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được ngôi nhà nhỏ, khiêm nhường cuối con đường hẻm của “nghệ sĩ “ làm tranh bằng len vụn - Bùi Xuân Thy Phụng (1980) ở phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc. Đang bận rộn giữa nhiều tranh vẽ, “nghệ sĩ” niềm nở mời chúng tôi vào nhà và dùng nạng đứng lên, định đi lấy nước mời khách, chúng tôi ngăn lại. Thế là cuộc chuyện trò giữa chủ và khách diễn ra ngay bên chiếc bàn nhỏ dùng làm nơi vẽ tranh hàng ngày của Phụng.

 
Thy Phụng kể “Năm lên 3 tuổi, sau một ca phẫu thuật u bướu ở ổ bụng, bị sốt cao, rồi bị di chứng liệt cả 2 chân. Thế là tuổi thơ cùng giấc mơ đến trường “học hành đến nơi đến chốn” của cháu đành dang dở. Ở nhà, nhìn bạn bè cùng trang lứa ngày hai buổi đến trường, hoặc vui chơi hồn nhiên, trong sáng, Phụng buồn trong nổi khát khao được hòa nhập với bạn bè, cuộc sống. Khát khao và trăn trở, Phụng học đan len với quyết tâm”tàn mà không phế” để đỡ phần nào sự khốn khó của gia đình, cũng như sự cưu mang của cha mẹ, anh chị em. Từ sách dạy, Phụng học được nhiều kiểu đan len, móc len và nhờ khéo tay nên sản phẩm đan len, móc len của Phụng được nhiều người trong thôn xóm ưa thích, đặt hàng. Không thỏa mãn dừng lại, năm 1997, Phụng tham gia lớp học may ở trường dạy nghề khuyết tật TW II TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Phụng được trang bị bài bản kỹ thuật cắt may, tạo một sản phẩm hoàn hảo. Trở về nhà, từ những kiến thức nghề may học được, Phụng áp dụng vào nghề đan len để tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công bằng len như: áo, mũ, khăn quàng cổ, khăn choàng, búp bê, móc khóa… Sản phẩm làm ra, phần bán tại nhà, phần ký gửi ở những nơi bán hàng lưu niệm. Rồi “tiếng lành đồn xa”, những sản phẩm đan len của Phụng được nhiều người biết đến và theo lời động viên của gia đình, bạn bè, Phụng mang sản phẩm của mình đến tham gia các hội chợ thương mại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tham gia hội thi sáng tạo sản phẩm thủ công phục vụ du lịch do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng và TP Hà Nội tổ chức vào các năm 2005, 2006. Trong các lần tham gia Hội chợ, Hội thi nói trên các sản phẩm đan len của Phụng đều được BTC trao giải, được khách hàng ưa chuộng, nên số lượng bán ra ngày một tăng đã giúp Phụng có thêm thu nhập để không những trang trải đủ chi phí cho bản thân, mà còn phụ giúp gia đình chi tiêu trong cuộc sống. Điều đáng nói là: Trong quá trình đan len, thấy lượng len vụn bỏ đi quá phí, Phụng nghĩ cần phải tận dụng để tạo ra sản phẩm gì đó có ích cho cuộc sống và góp phần bảo vệ môi trường. Sau nhiều ngày trăn trở, tìm tòi sáng tạo, Phụng đi đến quyết định, dùng len vụn làm tranh. Thế là cùng với sự sáng tạo, tỉ mỉ của bản thân và sự động viên của gia đình, bạn bè, những bức tranh làm từ len vụn của Phụng lần lượt ra đời và được những người yêu tranh “trầm trồ khen ngợi”. Những bức tranh làm bằng len vụn của Phụng cũng lấy nguyên mẫu từ cuộc sống như cảnh thiên nhiên, con người, sông nước quê hương, đất nước… như bao bức tranh khác mà người nghệ sĩ đã chọn làm đề tài khi sáng tạo nghệ thuật, nhưng chiêm ngưỡng tranh của Phụng, mọi người đều cảm nhận được một điều hết sức mạnh mẽ, đó là người “nghệ sĩ tàn tật” đã thổi vào tranh khát vọng cháy bỏng muốn vươn lên trong cuộc sống. Chính “cái hồn thấm đẫm tính nhân văn này” trong tranh của Phụng đã thu hút những người yêu thích nghệ thuật, những khách hàng giàu lòng nhân ái, biết cảm thông với những số phận không may trong cuộc đời đã tìm đến tranh của Phụng, mua tranh và quảng bá tranh cho Phụng. Vì thế, ngay khi mới “trình làng”, tranh của Phụng đã bán được khá nhiều trên thị trường trong - ngoài tỉnh.

Không chỉ biết vươn lên trong cuộc sống để “tàn mà không phế”, Phụng còn là cô gái nghị lực khi cùng những người khuyết tật khác ở TP Bảo Lộc đứng ra vận động thành lập Hội người khuyết tật TP Bảo Lộc. Từ những ngày gian khó ban đầu, đến nay Hội người khuyết tật TP Bảo Lộc đã đi vào hoạt động bài bản, được các cấp, các ngành và mọi người trong-ngoài địa phương hỗ trợ mạnh mẽ, nhiệt tình. Cũng qua quá trình tham gia hoạt động Hội người khuyết tật, Phụng đã mạnh dạn tham gia dự thi sản phẩm thủ công do người khuyết tật làm ra tại hội thi: “Từ trái tim đến trái tim” do chương trình khuyết tật và tổ chức phát triển DRD tổ chức. Tại cuộc thi này, sản phẩm đan len và tranh làm bằng len vụn của Phụng lọt vào top 10 sản phẩm độc đáo, hấp dẫn nhất, được đưa ra bán đấu giá lấy tiền xây dựng quỹ Hội người khuyết tật Việt Nam.

Sau khi gặt hái được thành công trong hội thi “Từ trái tim đến trái tim”, Phụng được tổ chức DRD tập huấn khởi sự doanh nghiệp. Từ những kiến thức được tập huấn này, cộng với kiến thức nghề nghiệp và tin học đã được học trước đó, Phụng ấp ủ một ước mơ thành lập một cơ sở sản xuất kinh doanh nho nhỏ vừa để có thu nhập ổn định cho bản thân, vừa để giúp đỡ những người tàn tật khác có công ăn việc làm, vươn lên hòa nhập với cuộc sống của cộng đồng. Phụng nói “Ước gì em có được một mặt bằng vừa phải vừa để dùng làm nơi dạy nghề đan len, làm tranh từ len vụn, vừa làm nơi trưng bày sản phẩm. Biết đâu, từ cơ sở khiêm tốn ban đầu này là cơ hội để những người khuyết tật như em làm điểm tựa vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống, thực hiện được trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “tàn mà không phế!”.

HOÀNG KIẾN GIANG