Đại học Đà Lạt đào tạo kỹ sư kỹ thuật hạt nhân

02:04, 06/04/2011

(LĐ online) - Thực hiện Quyết định 1558 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2011 Trường Đại học Đà Lạt sẽ đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật hạt nhân. Bộ GD&ĐT đã thẩm định và đánh giá trường hội đủ 6 tiêu chí để mở ngành học này.

(LĐ online) - Thực hiện Quyết định 1558 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2011 Trường Đại học Đà Lạt sẽ đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật hạt nhân. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã vào thẩm định và đánh giá trường hội đủ 6 tiêu chí để mở ngành học này.
 
Sinh viên ĐHĐL thực hành tại phòng thí nghiệm Nông - Hóa thổ nhưỡng
Sinh viên ĐHĐL thực hành tại phòng thí nghiệm Nông - Hóa thổ nhưỡng

Từ nền tảng truyền thống

Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) ra đời từ năm 1976 và ngay từ đầu đã được giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học 3 chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực hạt nhân: Vật lý hạt nhân, Hóa phóng xạ và Sinh học phóng xạ. Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực hạt nhân cho các cơ sở như Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện có khoa Y học hạt nhân…Hiện, trường đang đào tạo đại học chuyên ngành Vật lý hạt nhân, cao học chuyên ngành Vật lý kỹ thuật, trong đó phần quan trọng là kỹ thuật hạt nhân; sinh viên các chuyên ngành Hóa học, Sinh học và Môi trường được trang bị một số học phần liên quan đến hạt nhân.

Để đạt được hiệu quả thực, ĐHĐL đã có đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về lĩnh vực hạt nhân bên cạnh đội ngũ giáo sư, tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia giảng dạy. Đây là ưu thế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng không phải cơ sở đào tạo nào cũng có được. Mặt khác, ngoài các phòng thực hành-thí nghiệm giai đoạn đầu và Trung tâm thông tin-thư viện hiện đại, ĐHĐL đang sử dụng cơ sở thực hành tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt với các phòng thí nghiệm, thư viện chuyên ngành và đặc biệt có Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam.
  
Đến thực lực đào tạo

Theo hồ sơ mở ngành, từ năm 2011, Trường ĐHĐL sẽ đào tạo 30 kỹ sư kỹ thuật hạt nhân, trình độ đào tạo đại học chính quy trong thời gian 4 năm rưỡi, chia làm 9 học kỳ với khối lượng kiến thức tối thiểu là 150 tín chỉ.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, để giảng dạy các học phần đại cương và cơ sở ngành, hiện trường có 15 giảng viên (9 tiến sĩ, 6 thạc sĩ); đảm nhận các học phần chuyên ngành cũng như chuyên đề trường có 1 PGS.TS, 3 TS, 4 ThS đang làm NCS, 6 ThS. Họ đều được đào tạo, thực tập từ các nước có thế mạnh về lĩnh vực hạt nhân như Cộng hòa Liên Bang Nga, Tiệp Khắc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đội ngũ cơ hữu này đảm nhận được trên 70 % nội dung chương trình đào tạo ngành. Bên cạnh đó, trường đã mời thỉnh giảng 17 giảng viên (2 PGS.TS, 4 TS, 5 ThS-NCS và 6 ThS chuyên ngành hạt nhân) từ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt…

Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nói chung, hệ thống phòng thí nghiệm-thực hành như phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân, phòng Đo đạc bức xạ hạt nhân với nhiều thiết bị hiện đại. Đặc biệt trong quá trình đạo tạo, sinh viên sẽ được tham quan và thực tập-sử dụng các thiết bị như Lò phản ứng hạt nhân, nguồn chiếu gamma, hệ thống dây chuyền sản xuất đồng vị phóng xạ, hệ phân tích kích hoạt neutron và các thiết bị chuyên biệt khác về kỹ thuật hạt nhân…

Cũng theo lãnh đạo Trường ĐHĐL, chương trình đào tạo kỹ thuật hạt nhân của nhà trường được soạn khảo qua tham khảo các chương trình đào tạo của các trường nước ngoài có thế mạnh và kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành hạt nhân và một số trường trong nước. Đó là các trường ĐH Hàn Quốc như: Hanyang, Kyung Hee; các trường ĐH Hoa Kỳ: California-Berkeley, Missouri-Columbia, Floria, Texas; ĐH Wollongong (Úc), ĐH Kyoto (Nhật Bản), Viện KAIST (Hàn Quốc) và ĐH KHTN, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nhiệm vụ nặng nề

PGS.TS Lê Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐHĐL nói: “Chúng tôi mở ngành đào tạo kỹ thuật hạt nhân nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân của Việt Nam và xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Sự cố hạt nhân là một thảm họa lớn, vì vậy việc phòng tránh nó phải xuất phát không chỉ dừng lại sự an toàn về thiết bị mà còn ở những con người làm trong nhà máy điện hạt nhân, những con người này phải có kiến thức, kỹ năng về chuyên môn tốt, phải có được văn hóa công nghiệp. Với ý thức đó, Trường ĐHĐL trong suốt quá trình đào tạo về lĩnh vực hạt nhân, sinh viên của trường không chỉ thực hành tại các phòng thí nghiệm ở trường mà còn được làm việc, làm luận án tại Lò phản ứng Hạt nhân Đà Lạt”.
  
Theo đề án, bắt đầu từ năm 2011, Trường ĐHĐL sẽ đào tạo 30 sinh viên chuyên ngành Vật lý hạt nhân, các năm tiếp theo dự kiến tuyển 50 sinh viên/năm và đến năm 2016 sẽ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân. Theo PGS.TS Lê Bá Dũng, ngoài những chế độ ưu tiên của nhà nước và Bộ GD&ĐT, trường sẽ có thêm các chế độ hỗ trợ cho người học như miễn và giảm học phí, chi phí nơi ăn, ở, đi lại thực tập, nâng học bổng, hỗ trợ trang thiết bị học tập, nghiên cứu,…

Với xu thế hội nhập, ngành kỹ thuật hạt nhân sẽ ngày càng góp phần to lớn trong sự phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân chắc chắn cần một nguồn nhân lực mạnh về chất và lượng. Vì vậy, sự  hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng phải là hướng đi hết sức cần thiết. 

Minh Đạo