Đời võ, đời người

03:04, 21/04/2011

Họ là những võ sư, huấn luyện viên võ thuật, những người  hết sức tâm nguyện mong học trò của mình có một cơ thể khỏe mạnh, làm điểm tựa cho một tinh thần lành mạnh. Những thế hệ võ sư, huấn luyện viên võ thuật Lâm Đồng luôn xứng đáng với chữ “thầy” cao quý.

Xã hội vẫn quen nhìn những người dạy văn hóa mới là thầy. Còn họ, cũng rút ruột trao cho học trò những tinh túy của cuộc đời mình, có điều không phải trên bục giảng mà trên sàn tập, trên võ đường. Họ là những võ sư, huấn luyện viên võ thuật, những người  hết sức tâm nguyện mong học trò của mình có một cơ thể khỏe mạnh, làm điểm tựa cho một tinh thần lành mạnh. Những thế hệ võ sư, huấn luyện viên võ thuật Lâm Đồng luôn xứng đáng với chữ “thầy” cao quý.

Võ sư Lê Văn Luyện: 60 năm gắn bó với nghiệp võ:

 
Ở tuổi 78, võ sư Lê Văn Luyện là võ sư có thời gian gắn bó với nghiệp “thầy võ” lâu nhất  phố núi: 60 năm. Từ khi còn là một cậu bé, thầy theo học môn võ Judo với các huấn luyện viên người Pháp ở nơi mà sau này người ta xây Thao trường Đà Lạt.  Tới khi 18 tuổi, võ sư Lê Văn Luyện bắt đầu sự nghiệp đứng sân dạy học trò ròng rã suốt 60 năm cho tới tận bây giờ, đã qua tuổi “thất thập cổ la hi” từ lâu nhưng thầy vẫn trực tiếp chỉ dạy học trò từng đòn tấn công, thế phòng thủ. Trong xếp hạng của môn Judo, thầy là một trong những người Việt có thứ hạng cao-võ sư 7 đẳng quốc tế do Liên đoàn Judo thế giới công nhận. Nhưng thành tích cá nhân không được thầy coi trọng bằng việc suốt đời làm thầy, võ sư Lê Văn Luyện đã cho ra đời hàng vạn môn sinh judo mạnh mẽ và thành đạt. Môn Judo (Thái Cực Đạo) có nguồn gốc từ Nhật Bản với tôn chỉ “nhu thắng cương”, nên mọi võ sinh đều phải lấy hai chữ “đạo đức” là trọng. Với võ sinh của võ đường, thầy Luyện luôn dạy đạo đức, tư cách người học võ song song suốt quá trình truyền dạy võ thuật. Võ đường của thầy cũng là nơi tập hợp của rất nhiều lứa võ sinh nghèo, võ sinh là trẻ em đường phố học  miễn phí. Bởi vậy, niềm tự hào của võ sư Lê Văn Luyện chính là suốt cuộc đời dạy võ, tất cả môn sinh của thầy đều trở thành người có ích cho xã hội, là những công dân tốt của đất nước. Và với niềm tự hào ấy, võ sư vẫn miệt mài trên con đường truyền dạy võ thuật.                    

Võ sư Nguyễn Công Hóa: Võ cũng là một triết lí sống

 
Võ sư Nguyễn Công Hóa nổi tiếng không chỉ là vì người đứng đầu môn phái Vôvinam (Võ Việt Nam) tại Lâm Đồng, ông còn là người chuyên trồng hoa hồng, ướp khô hoa hồng và làm tranh từ hoa độc đáo của thành phố Đà Lạt. Theo học Vôvinam từ khi 16 tuổi tại quê nhà, tới năm 33 tuổi ông mở “lò” Vôvinam đầu tiên của Đà Lạt với khát vọng mang môn võ thuần Việt phổ biến rộng rãi tới những người yêu võ thuật. Dạy võ, trồng hoa, cuộc sống của võ sư Hóa êm đềm giữa hai thái cực sức mạnh và tinh thần. Nhưng với ông, võ hay hoa cũng là những triết lí sống đẹp. Hoa mang vẻ đẹp của đất còn võ mang vẻ đẹp của người, võ thuật cũng là một triết lí sống đòi hỏi con người phải cố gắng rất nhiều, “thắng tất cả không bằng chiến thắng chính mình”. Môn Vôvinam có điểm độc đáo là võ sinh không thượng đài, học võ chỉ dùng để tự vệ và bảo vệ người khác chứ không được phô bày tài năng trên sàn đấu. Chính vì vậy, khi dạy học trò, võ sư Hóa luôn đặt nặng vấn đề dạy đức tính khiêm tốn, nhường nhịn, phục vụ người khác trước khi dạy võ. Từ võ đường Vôvinam đầu tiên của võ sư Nguyễn Công Hóa, những võ đường Vôvinam khác tiếp tục được nhân rộng, mang môn võ thuật Việt đến với đông đảo bạn trẻ yêu võ trên đất cao nguyên.

Huấn luyện viên Mạch Bỉnh Tường: dạy võ cũng là dạy kỹ năng sống

 
31 tuổi, Mạch Bỉnh Tường đang là giáo viên dạy lý của trường THCS&THPT Phi Liêng của huyện vùng sâu Đam Rông đồng thời là huấn luyện viên 2 đẳng của môn Karatédo. Cuộc đời người giáo viên vùng sâu còn lắm khó khăn nhưng thầy vẫn đủ niềm say mê tạo thêm một sân chơi cho học sinh của mình: một sân tập karatédo cho học trò. Học trò vùng sâu nên rất thiệt thòi, các em hầu như không có chỗ sinh hoạt vui chơi sau giờ học, giờ làm phụ gia đình. Vì thế, lớp võ của thầy là một trong những điểm sinh hoạt đầy bổ ích. Hơn thế nữa, học trò của thầy hầu hết là người dân tộc ít người bản địa, kỹ năng sống còn yếu, vừa dạy võ, thầy vừa dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho học trò, giúp học trò bắt kịp với các bạn ở trung tâm.

Lớp võ của thầy Mạch Bỉnh Tường thực sự trở thành nơi các em tập luyện võ thuật và nâng cao kỹ năng sống. Thầy tâm sự, dạy và học võ vùng sâu rất thiệt thòi do khó khăn về sân bãi nhưng thầy vẫn quyết duy trì vì thấy rõ lợi ích của sân tập. Rất nhiều học trò học chưa giỏi, sau khi tới lớp võ một thời gian khả năng tiếp thu bài trên lớp được cải tiến, nhiều em có ý định thôi học đã tiếp tục tới trường sau khi được thầy và bạn cùng tập võ thuyết phục. Quả thật, trong cái thiếu thốn chung về sân chơi tại vùng sâu, những sân tập võ như thế này giúp học sinh rất nhiều sau giờ học giờ làm.
 
Diệp Quỳnh