Dư âm một chuyến đi

03:04, 13/04/2011

Thôn 5, xã Liêng Srôn (huyện Đam Rông) là thôn đồng bào dân tộc H’Mông, với khoảng 150 hộ và 600 khẩu (trong đó có gần 150 em ở độ tuổi đến trường). Mặc dù nằm gần quốc lộ 27, nhưng đường vào thôn lại rất khó khăn, hiểm trở. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây còn nghèo nàn.

Thôn 5, xã Liêng Srôn (huyện Đam Rông) là thôn đồng bào dân tộc H’Mông, với khoảng 150 hộ và 600 khẩu (trong đó có gần 150 em ở độ tuổi đến trường). Mặc dù nằm gần quốc lộ 27, nhưng đường vào thôn lại rất khó khăn, hiểm trở. Do vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây còn nghèo nàn. Thực hiện mục tiêu đưa văn hóa - thông tin về cơ sở, đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vùng sâu, vùng xa, Đội chiếu phim lưu động miền núi số 3 của tỉnh đã không quản ngại gian nan, vất vả, đem đến cho bà con những thước phim thật ý nghĩa và bổ ích.
 
Khám bệnh cho ba con dân tộc thiểu số
Khám bệnh cho bà con dân tộc thiểu số

Cho đến bây giờ, dư âm về chuyến đi Liêng Srôn vẫn còn đầy ắp trong tôi những ấn tượng và cảm xúc thật khó tả!.

Đây là lần đầu tiên tôi theo chân Đội chiếu phim miền núi tỉnh lẻ đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.

Trên đoạn đường hơn 10 cây số từ trung tâm xã Liêng Srôn đến với Thôn 5 - trước đây còn là khu căn cứ Đạm Bô - tôi đã được nếm trải những cảm giác... trên cả trò chơi "cảm giác mạnh" tại các khu vui chơi giải trí như Suối Tiên, Đầm Sen (thành phố Hồ Chí Minh)... Bởi trò chơi thì được đảm bảo về độ an toàn, còn ở đây lại phụ thuộc hoàn toàn vào tay lái của người cùng đi... Đó là khi chiếc xe máy phải băng qua những đoạn đường đất bazan nứt nẻ, lồi lõm, ngoằn ngoèo, nhỏ xíu, một bên là triền đồi, một bên là bìa rừng, không có chỗ chống chân nếu có sự cố xảy ra... Những đoạn đường dốc ngược, quanh co, sau đó lại chúi xuống như muốn lao xuống vực thẳm, thỉnh thoảng có một con suối vắt ngang với sỏi đá gập ghềnh hoặc bùn lầy. Có đoạn người dân phải "tự chế" bằng cách bắc qua một mảnh gỗ mong manh, chênh vênh, thật đáng sợ... Ngồi sau lưng anh lái xe mà người tôi cứ căng lên như dây đàn, có lúc tim thót lên, lúc lại như ngừng đập. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã vượt qua được đoạn đường gian khó, hiểm nguy để đặt chân lên vùng đất mang tên Thôn 5 - Liêng Srôn này.

Trước mắt tôi là những quả đồi nhấp nhô, cõng trên lưng nó những ngôi nhà tranh, vách nứa hoặc vách ván. Những ngôi nhà - đúng hơn là những túp lều thưa thớt, ẩn mình giữa những lùm cây, vạt đồi trồng cà phê, xa xa thấp thoáng ruộng lúa... Khung cảnh thanh bình nhưng sao quá đìu hiu!?

Xe máy dừng lại trước căn nhà ván nhỏ - mà sau đó chúng tôi được biết đó là "nhà công vụ" - nơi "tập kết" của những con người có tâm huyết với bà con Thôn 5, ngày ngày đến chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ học chữ...

Một dãy nhà ván dài với 3 phòng học mới được khai trương cách đây chưa lâu, đang bi bô tiếng trẻ con đánh vần o, a, ă, â... Khung cảnh thật dễ thương và cảm động: Các em nhỏ không đồng tuổi, nhỏ xíu (khoảng 3 tuổi) đến 10, 11 tuổi đang ngồi xin xít (có dãy bàn từ 5 đến 6 em), ngước nhìn lên bảng và đọc từng chữ cái... Thấy chúng tôi đến, các em ngơ ngác như bầy chim non... Sau ít lời chào hỏi, giới thiệu, chúng tôi phát quà làm quen với các em. Đó là những cây kẹo mút xinh xắn - được coi là món quà "xa xỉ" đối với trẻ em nơi đây, có lẽ lâu lắc rồi chúng mới được thấy và thưởng thức. Đôi lần, khi Đội chiếu phim lưu động tỉnh có dịp vào chiếu phim, tuyên truyền, chúng cũng được các anh cho bánh kẹo, quần áo cũ, sách vở nhưng đâu có tiền mà mua bánh kẹo "cao cấp"...

Vợ chồng anh Nguyễn Đăng Biện - người dựng nên "ngôi trường tự phát", cùng với các anh trong Đội chiếu phim đã đưa tôi và chị Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi thăm một số nhà dân trong thôn. Dân nơi đây ở rải rác theo từng cụm, từ "bản" này qua "bản" kia cách nhau khoảng 5-7 cây số, đường đi có đoạn khó khăn như quãng đường từ ngoài xã vào thôn vậy, chủ yếu dành cho đi bộ là an toàn, thoải mái hơn.

Đến với từng nhà dân, chúng tôi mới thấy, anh em Đội chiếu phim lưu động được chào đón như những người thân trở về nhà... Những viên kẹo, viên đông sương được làm quà cho trẻ em và người già... chân tình, mộc mạc và ngọt ngào như tình cảm của các anh đối với người dân Thôn 5 vậy.

Mặt trời dần khuất sau rừng lồ ô xa xa... Chúng tôi trở về điểm tập kết của Đội chiếu phim.

Trên mảnh sân bằng phẳng, màn ảnh 100 inch đã được dựng lên, sẵn sàng cho buổi chiếu. Ánh chiều chập choạng, những em nhỏ đã dắt díu, bồng địu nhau đến đợi xem phim... Đĩa ca nhạc bật lên, mời gọi... Từng đám em nhỏ ngồi bệt xuống đất, mắt ngước lên màn ảnh... Sự khát khao ánh lên trong từng ánh mắt và cử chỉ... "thấy mà thương!" - Đó là câu nói cửa miệng của chị Phó Giám đốc Sở thường thốt lên từ khi gặp những đứa trẻ ở một vùng đất chắc còn lâu mới có "điện, đường, trường, trạm"!

Buổi chiếu chính thức bắt đầu khi mảnh sân trống trải đã đầy ắp người. Đĩa DVD tuyên truyền được bật lên, bắt đầu là chuyên mục Văn hóa, Sức khỏe, đến Kỹ thuật trồng cây, trồng rừng, rồi phóng sự mang tên "Mái trường vùng sâu" - nói về chính con người và cuộc sống của nhân dân trên mảnh đất nhỏ bé này, cuối cùng là phim truyện về đồng bào dân tộc H’Mông: "Rừng không lặng gió"... Tất cả được trình chiếu "hoàn hảo", mang đầy chủ đích và dụng công của người tuyên truyền. Phóng sự "tự biên tự diễn" của Đội tái hiện cuộc sống hiện hữu của bà con Thôn 5 thật cảm động... Bên cạnh sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần thì "cái chữ" đối với trẻ em nơi đây cứ "chòng chành, xa lắc" như chính con đường đến thôn vậy!

Hẳn không ít người đã nghĩ: đi chiếu phim vùng sâu đơn giản chỉ là đến nơi, dựng màn hình, bấm máy chiếu... thế là xong; chương trình tuyên truyền cũng có sẵn, nội dung băng đĩa cấp sao thì tuyên truyền vậy... Nhưng thực tế chuyến đi đã cho ta hiểu: Để có một buổi tuyên truyền và chiếu phim thành công theo đúng nghĩa, anh em trong đội không chỉ vượt qua những chặng đường khó khăn mà quan trọng hơn là làm sao "thâm nhập", nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, thấu hiểu phong tục, tập quán của đồng bào để đáp ứng những điều họ đang khao khát, mong chờ...

Với tinh thần trách nhiệm cao, sự năng động, sáng tạo trong chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là tấm lòng đối với bà con, Đội đã chủ động dàn dựng, giới thiệu chương trình tuyên truyền một cách lôgic, dễ hiểu, phù hợp với từng vùng đất, từng dân tộc. Điều đó mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đáp ứng một phần nhu cầu thiết thực của bà con...

Màn hình khép lại, bà con lục tục ra về mà âm hưởng buổi chiếu như vẫn còn lưu luyến...

Ngày mai, chuyến đi chiếu phim lưu động lại tiếp tục, khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng chúng tôi tin tưởng rằng các anh luôn có nghị lực, sẵn sàng vượt qua tất cả gian khó để mang văn hóa đến với bà con vùng sâu, vùng đồng bào các dân tộc ít người.

Bằng sự phấn đấu nỗ lực, lòng nhiệt tình và trách nhiệm, Đội chiếu phim lưu động miền núi tỉnh đã thực hiện thành công mục tiêu xóa các "điểm trắng" về văn hóa. Tuy nhiên, để mang lại đời sống văn hóa toàn diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cần có sự quan tâm thiết thực hơn nữa của các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cơ sở... tại các địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh. Đó cũng chính là nhiệm vụ và trách nhiệm chung nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của tỉnh, với chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2015 là: 50% số thôn, buôn, khu phố có nhà văn hóa; được trang bị các thiết chế văn hóa; nhân dân được hưởng thụ thường xuyên các loại hình văn hóa phong phú như phim màn ảnh rộng, biểu diễn nghệ thuật, sách, báo, tạp chí...
UYÊN NHI