Gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

02:04, 19/04/2011

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng, không chỉ đánh dấu kết quả của một cấp học mà còn là kỳ thi có tính chất quyết định đến tương lai của các em HS sau này. Chính vì vậy mà càng đến gần ngày thi, tiến độ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi ở các trường càng căng thẳng và gấp rút.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng, không chỉ đánh dấu kết quả của một cấp học mà còn là kỳ thi có tính chất quyết định đến tương lai của các em HS sau này. Chính vì vậy mà càng đến gần ngày thi, tiến độ ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi ở các trường càng căng thẳng và gấp rút.

Còn hơn một tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT mới bắt đầu, nhưng những ngày này thật khó có thể liên hệ được với các giáo viên khối 12 vì tất cả các trường đang bước vào giai đoạn chạy đua cho HS ôn tập, thi thử để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
 
Học sinh lớp 12 Trường THPT Chi Lăng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh Văn Báu
Học sinh lớp 12 Trường THPT Chi Lăng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Ảnh Văn Báu

Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) vốn nổi tiếng là ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu của tỉnh. 4 năm liền trường luôn đạt tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp với con số tuyệt đối. Nhưng năm nay với lượng HS đầu vào có chuẩn chênh lệch khá lớn sau khi sáp nhập với trường Nguyễn Du nên chỉ tiêu đặt ra của nhà trường đã phải giảm xuống, phấn đấu 90% trên tổng số 766 HS khối 12 đậu tốt nghiệp. Xác định rõ những khó khăn này, ngay từ đầu năm học nhà trường đã có những kế hoạch cụ thể, chủ động tổ chức bồi dưỡng buổi chiều cho HS, nhất là những HS có học lực trung bình và yếu để nâng cao kiến thức cho các em. Đặc biệt, sau kỳ thi học kỳ 1, nhà trường đã chọn ra một lớp học “đặc biệt” gồm những HS kém nhất của trường đưa vào một lớp riêng để phụ đạo thêm cho các em vào buổi chiều với phương pháp giảng dạy phù hợp, đội ngũ giáo viên giỏi nhất.

Bà Phạm Thị Xuân Phương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, với tỷ lệ HS khá đông, lại có độ chênh về học lực nên năm nay công tác tổ chức ôn luyện cho HS của trường khác rất nhiều với những năm trước. Với những HS khá, giỏi, các giáo viên hướng dẫn HS tự học, tự ôn thi nếu các em không có nhu cầu học phụ đạo tại trường. Bên cạnh đó, nhà trường đã phải họp để tìm ra những phương pháp giảng dạy, phương pháp ôn tập hỗ trợ và kèm cặp HS yếu kém sao cho hiệu quả nhất để có thể đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất. Tuy nhiên, dù thời gian đang rất gấp rút, nhưng nhà trường vẫn bố trí thời gian học tập hợp lý, không để HS nhồi nhét kiến thức, bởi cũng theo bà Phương thì nội dung đề thi năm nay không chỉ có yêu cầu nắm vững kiến thức, mà còn đòi hỏi HS phải có sự hiểu biết và kỹ năng tư duy phù hợp để có thể vận dụng vào thực tế, nhất là đối với những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.

Theo lịch thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 sẽ được tổ chức từ ngày 2-4/6/2011 với 6 môn thi đã được công bố là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh học và Địa lý.
Mỗi trường, mỗi lớp ở các vùng khác nhau lại có nhiều đối tượng HS với khả năng nhận thức, trình độ không giống nhau nên việc tổ chức dạy - học, ôn tập cũng khác nhau. Tại trường THPT Đạ Tông (Đam Rông), trường vùng sâu vùng xa với tỷ lệ HS dân tộc thiểu số chiếm tới 90%, những ngày này hầu như toàn bộ các thầy cô giáo đều bận rộn, tất cả đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của HS. Thầy cô luôn bận rộn và trong tình trạng làm việc hết công suất. Nếu như áp lực của giáo viên thành phố là một thì ở đây, áp lực của các thầy cô giáo nhân lên gấp đôi vì các thầy cô ngoài nhiệm vụ của một giáo viên giảng dạy, còn phải đóng cả vai trò của phụ huynh, nhắc nhở và giúp HS học bài và hỗ trợ, dò bài cho HS. Bởi, như ông Bùi Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét thì “việc nắm nắm bắt kiến thức của HS dân tộc ở vùng sâu vùng xa cực chậm, các em lại không có điều kiện thuận lợi để học tập, ý thức tự học cũng kém nên hầu như áp lực đè nặng lên phía giáo viên và nhà trường”.

Không quá bi quan về những khó khăn vốn đã trở nên “quá quen” của ngành giáo dục khi làm việc tại vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, ông Khoa cho biết: Với tỷ lệ HS dân tộc chiếm đa số, phương pháp giảng dạy của nhà trường khác nhiều so với các trường thành phố. Ngoài việc tổ chức phụ đạo ngay từ đầu năm cho HS 8 môn cơ bản, mỗi lớp tăng 2 tiết 1 tuần để các em nắm vững kiến thức, thì từ đầu tháng 1, nhà trường đã tổ chức dò bài 30 phút cho HS ngay tại lớp. Sau khi có công bố môn thi tốt nghiệp, nhà trường tăng thêm 45 phút dò bài nữa tại lớp cho HS, tăng số tiết của 6 môn thi tốt nghiệp, tiến hành lọc đối tượng HS để giáo viên có biện pháp ôn tập sát với học lực của HS.

Năm học 2009 - 2010, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của HS trường Đạ Tông là 57%, năm nay không hy vọng sẽ có một bứt phá lớn về tỷ lệ tốt nghiệp nhưng với phương pháp giảng dạy ngày càng hợp lý, đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có trách nhiệm, nhà trường đang hy vọng tỷ lệ đậu tốt nghiệp của HS sẽ cao hơn năm trước.

Đến thời điểm này, không còn nhiều thời gian nên hầu hết các trường từ thành phố đến nông thôn, giáo viên và HS đang dốc sức “cày” để xới hết, nắm hết vốn kiến thức của cả cấp học, vì có phần thi trắc nghiệm nên đòi hỏi HS phải có vốn kiến thức tổng hợp của cả cấp học, không chỉ của năm học lớp 12.

Để việc ôn tập đạt kết quả tốt, một giáo viên kỳ cựu của ngành giáo dục Lâm Đồng đưa lời khuyên: Sau khi đã học xong lý thuyết, nên tự đặt ra những câu hỏi liên quan để kiểm tra trình độ của mình. Đây là một phương pháp đơn giản nhất giúp các em thuộc bài dễ hơn, nhớ lâu và cũng giúp các em tăng trí tưởng tượng, từ đó giúp tăng khả năng tư duy.
Ngoài ra, ở nhà phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở con em nhưng không nên bắt HS học một cách nhồi nhét, thức học cả đêm, quan trọng nhất là cần một phương pháp học hợp lý.
NGUYÊN THI