(LĐ online) - “Không có học sinh hư, chỉ có học sinh chưa ngoan”, nhận thức này trở thành hành động thường trực của đội ngũ giáo dục ở hai trường học Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Đó là Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, một trong hai trường THCS đầu tiên của Lâm Đồng vừa tiến hành kiểm định đánh giá chất lượng theo mô hình của Bộ và Trường THPT Đạ Tẻh - đơn vị nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong giáo dục đạo đức học sinh.
Trong bài phát biểu tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010 cuối tháng 3 vừa qua, GS Hoàng Tụy nhận xét: “Bạo lực học đường chưa hề giảm mà có phần phát triển bạo liệt tinh vi hơn, có nguy cơ trở thành một nét văn hoá tiêu biểu của xã hội ta hiện nay”. Nhận xét này dĩ nhiên không vui nhưng là cách nhìn nhận nghiêm túc và trách nhiệm trước một thực trạng.
Trước hết là dạy chữ thật tốt
Bàn về bạo lực học đường, hiệu trưởng Trường THPT Đạ Tẻh Phan Hùng Sĩ cho rằng: Chất lượng là then chốt và là yếu tố quyết định môi trường thu hút gắn bó của học sinh (HS). “Trong giai đoạn hiện nay, muốn làm tốt công tác giáo dục đạo đức thì dạy chữ phải thật tốt đã. Làm công tác giáo dục đạo đức tùy cách tiếp cận, tùy phương pháp, không nhất nhất chú vào môn đạo đức là tốt, chưa hẳn, nếu cô thầy mà lơ là giảng dạy các bộ môn văn hóa thì các em không thiết tha đến trường, và lúc đó dạy đạo đức sao được. Với HS, đến trường là vui, là bổ ích, thân thiện thì lúc đó mới nói đến giáo dục đạo đức. Nếu trường dạy tốt, có chất lượng thì các em sẽ ham học, phụ huynh sẽ quan tâm, chính quyền sẽ quan tâm”, ông nói.
Trò chơi dân gian rèn luyện nhiều kỹ năng cho HS THCS Nguyễn Văn Trỗi |
Cô Hồ Thị Thọ - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ rằng gặp những HS có biểu hiện, từ Ban giám hiệu, tổng phụ trách đến GV chủ nhiệm xúm lại, “cùng vào cuộc”, “theo đến cùng” với HS trong quá trình làm cho các em tự nhận thức. Thầy Thọ thì cho biết trong hoạt động tập thể, để giữ an ninh trật tự, nhà trường triển khai đồng bộ nhiều hoạt động và “thầy cô phải lao vào” vừa tạo không khí lành mạnh vui tươi vừa theo dõi diễn biến.
Môi trường lành mạnh, an toàn
Những ngày hưởng ứng Năm Thanh niên bằng các hoạt động ở 2 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và THPT Đạ Tẻh diễn ra sôi nổi, đạt được những hiệu quả rất tích cực. Hiệu phó Hồ Thị Thọ cho biết: “Tổ chức hoạt động tập thể cho HS ngoài giáo dục học tập văn hóa thì rèn kỹ năng sống, các kỹ năng sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tăng tính tự lập, sáng tạo, mạnh dạn trước sinh hoạt tập thể. Các em phát huy được tính kỷ luật, tinh thần chịu khó, khắc phục mọi hoàn cảnh để sau này xử lý tốt trong hoạt động của cuộc sống; hình thành những tình cảm giữa bản thân với bạn bè, thầy cô…”.
Còn theo hiệu trưởng Phan Hùng Sỹ, tổ chức các hoạt động tập thể nhắm tới 4 mục đích: tạo ra sân chơi vui vẻ, hợp lý, lôi kéo HS vào một sân chơi bổ ích; rèn luyện, ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn để các em có lý tưởng sống và ý thức, mục đích vươn lên; tạo ra những trò chơi để hình thành cho các em nhân cách sống, mối quan hệ hợp tác trong cuộc sống để sau này các em ra trường và là tạo môi trường lành mạnh để các em có thể tìm hiểu thêm về trường, về bạn bè, nhất là HS cuối cấp. Đấy là những hành trang, là động lực để các em phấn đấu vươn lên trong tương lai khi ra với xã hội.
Một mình nhà trường không làm nổi
Giáo dục đạo đức HS, ngoài nhà trường, phía xã hội trước hết là công an, lực lượng gần gũi sát cánh với trường, sau đó là chính quyền địa phương. Những tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân…của địa phương đưa nội dung đạo đức con em mình là một trong những tiêu chí đánh giá hội viên. Muốn không phải sử dụng biện pháp “chống” thì phải làm tốt phương pháp “phòng”. Vì vậy giữa GV và gia đình phải thường xuyên kết nối liên lạc. GV chủ nhiệm tự chủ động tìm các phương pháp, biện pháp giáo dục các em bằng nhiều cấp độ: trước tiên là vận động HS, nặng hơn thì đến gia đình, chưa hiệu quả thì lên thôn và cuối cùng đến xã và các đoàn thể. “Nhưng nếu bố mẹ không hỗ trợ thì nhà trường không thể làm gì được trong giáo dục đạo đức HS”, thầy Sĩ nói. Còn chi hội phụ huynh nếu chỉ lo cho trường với những nghi lễ thì thực chất chưa cùng nhà trường giáo dục đạo đức của HS.
Với tâm huyết và kinh nghiệm nhiều năm, 2 trường THPT Đạ Tẻh và THCS Nguyễn Văn Trỗi trở thành điểm sáng của ngành giáo dục Lâm Đồng. Tại thời điểm này, Trường THPT Đạ Tẻh có 1.138 HS, chưa có HS nào phải làm việc với cơ quan công an. Xếp loại đạo đức: gần 71% tốt, hơn 24% khá, 4% trung bình, 0,5% yếu, không có kém. Học lực: 1,2% loại giỏi, 26,7% khá, gần 53% trung bình, 19% yếu và gần 1% kém. Năm qua, 100% HS lớp 12 đỗ tốt nghiệp; đỗ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp 65%, trong đó đại học 29%. Còn Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi có 620 HS, xếp loại đạo đức trên trung bình 99,5% (trong đó tốt 53%, khá hơn 38%), yếu 0,5%; không có HS bị kỷ luật, không có HS đặc biệt về cá biệt. Học lực từ trung bình trở lên đạt 79%, trong đó giỏi 19%, khá 27%.