Lộc Nam xa mà gần

03:04, 05/04/2011

Xã anh hùng Lộc Nam của huyện Bảo Lâm cách trung tâm huyện lỵ đến 45km nhưng chỉ cách trung tâm phố thị Blao (Bảo Lộc) chỉ khoảng 20km. Lộc Nam xa mà gần về khoảng cách địa lý là như vậy. Còn về sự phát triển, đến 1991, Lộc Nam từ vùng đất có người dân tộc thiểu số với nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy là chủ yếu, thì nay, nói như anh Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch UBND xã, xã có “55 tỉnh thành” cùng cộng cư, hợp lực để phấn đấu cho một Lộc Nam thực sự giàu mạnh trong tương lai. Đó là một trong những cơ sở để nhìn ra “cái gần” về sự phát triển.

Xã anh hùng Lộc Nam của huyện Bảo Lâm cách trung tâm huyện lỵ đến 45km nhưng chỉ cách trung tâm phố thị Blao (Bảo Lộc) chỉ khoảng 20km. Lộc Nam xa mà gần về khoảng cách địa lý là như vậy. Còn về sự phát triển, đến 1991, Lộc Nam từ vùng đất có người dân tộc thiểu số với nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy là chủ yếu, thì nay, nói như anh Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch UBND xã, xã có “55 tỉnh thành” cùng cộng cư, hợp lực để phấn đấu cho một Lộc Nam thực sự giàu mạnh trong tương lai. Đó là một trong những cơ sở để nhìn ra “cái gần” về sự phát triển.

NHANH CHÓNG VƯỢT QUA ĐÓI NGHÈO

Đường vào Lộc Nam.
Đường vào Lộc Nam.
Trước 1975, vùng đất giáp với huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) là Lộc Nam với cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống là chủ yếu này này là vùng căn cứ cách mạng. Chủ tịch Nguyễn Văn Hoàn nói thêm: “Sau giải phóng, xã Lộc Nam được thành lập vào năm 1976. Khi mới thành lập, Lộc Nam có 4 thôn với 240 hộ dân, một trăm phần trăm dân Lộc Nam lúc mới thành lập xã là người dân tộc thiểu số. Bởi chủ yếu sống bằng du canh du cư dựa vào nương rẫy là chính nên lúc mới thành lập, Lộc Nam vẫn còn rất nghèo”. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới Lộc Nam được đưa ra, dòng người từ nhiều tỉnh thành trong cả nước được đưa về đây để chung lưng đấu cật phấn đấu cho sự phát triển của một vùng đất đầy tiềm năng. Bắt đầu từ đây, bộ mặt mới của Lộc Nam dần định hình và có một vị thế nhất định trong bản đồ dân cư – kinh tế của huyện Bảo Lâm và của tỉnh Lâm Đồng. Từ một xã dân tộc thiểu số và kinh tế mới với đa phần hộ dân sống trong nghèo đói nhưng nhờ chương trình 135 những năm 2000 – 2005, đến 2006, Lộc Nam chính thức “tuyên bố” rút khỏi danh sách hộ nghèo của tỉnh Lâm Đồng và hộ nghèo quốc gia.

Điểm qua một vài dòng về lịch sử phát triển như thế để thấy rằng con đường phấn đấu đi lên của vùng căn cứ kháng chiến Lộc Nam tuy có không ít gian truân nhưng không phải là không có cách vượt qua để vươn lên. Cũng từ nhưng dòng vừa điểm qua ấy mới thấy rằng, hành trình vượt qua đói nghèo của Lộc Nam không phải quá kéo dài, nếu không muốn nói là khá nhanh, chính là điều đáng để các địa phương khác học tập. Anh Nguyễn Văn Hoàn khẳng định với chúng tôi: “Không phải vì lý do tỉnh hay trung ương rót nhiều tiền của để xây dựng vùng căn cứ kháng chiến này mà nguyên nhân của Lộc Nam thoát nghèo nhanh chính là nhờ ở việc xác định đúng hướng đi ngay từ đầu cho Lộc Nam”.

DIỆN MẠO NÔNG THÔN MỚI

Chúng tôi có nhiều chuyến đi vè với vùng đất căn cứ kháng chiến nghèo khó Lộc Nam những năm đầu 90. Giờ, trở lại Lộc Nam, nhớ lại một lần mấy cô giáo có nhà ở trung tâm phố thị Bảo Lộc và đây công tác đã phải đốt đèn dầu tiếp chúng tôi sau ca dạy buổi chiều mà chạnh lòng. Cũng đã hai mươi năm trôi qua. Giờ, chắc chắn mấy cô giáo ấy hoặc không còn công tác ở ngôi trường khang trang, bề thế mà chúng tôi vừa ngang qua, hoặc còn cũng đã là lãnh đạo lớn lắm rồi. Bỗng chút chạnh lòng và nhớ lại vậy thôi, vì chuyến đi này của chúng tôi không chỉ riêng tìm hiểu việc học của Lộc Nam như hai mươi năm về trước nên ngôi trường khang trang kia không phải là địa chỉ đến. Tuy vậy, chúng tôi vẫn ghi lại được trong sổ tay của mình một vài con số về giáo dục Lộc Nam do Chủ tịch Nguyễn Văn Hoàn cung cấp: Hiện trên địa bàn xã có 5 trường học. Ngoài một trường trung học cơ sở ở trung tâm xã, còn có 3 trường tiểu học và một trường mầm non. Trong đó, riêng trường Trung học cơ sở Lộc Nam (nơi chúng tôi ghé thăm cách nay hai mươi năm) hiện đã có đội ngũ giáo viên lên đến 55 người (tăng rất nhiều so với năm 1991; còn nếu so với năm học 2004 – 2005 thì tăng 12 người); số lượng học sinh cũng không ngừng tăng lên: từ 672 em năm học 2004 – 2005 tăng lên gần 1.000 em hiện nay. Còn về cơ sở vật chất thì có lẽ quá khập khiễng để so sánh rằng từ chỉ mỗi dãy phòng xây cấp bốn đầu những năm 90, nay thì ngôi trường này đã có những 17 phòng học khanh trang cùng với hệ thống thư viện, phòng thiết bị, phòng chuyên môn…

Dĩ nhiên, nhìn nhận sự phát triển của Lộc Nam không chỉ xét riêng ở khía cạnh giáo dục. Nói như Chủ tịch xã Lộc Nam, anh Nguyễn Văn Hoàn, là: Nói đến kinh tế Lộc Nam là phải nói đến sự phát triển của nông nghiệp; nhưng khác với nhiều địa phương khác là, kinh tế nông nghiệp của Lộc Nam hầu như chỉ là kinh tế nông nghiệp “sang trọng”; bởi ở vùng đất này, cây công nghiệp (đặc biệt là cây cà phê) là loại cây tròng chính. Anh Nguyễn Văn Hoàn cung cấp cho chúng tôi những con số: Trong tổng diện tích tự nhiên 7.006ha của xã, diện tích đất nông nghiệp chiếm đến hơn 5.142ha; trong diện tích đất nông nghiệp, diện tích cây công nghiệp dài ngày chiếm phần lớn, diệc tích cây ngắn ngày (lúa, hoa màu) chỉ 52ha; trong diện tích cây công nghiệp, cây cà phê chiếm đến 3.828ha. Nêu những con số này ra để thấy rằng vị thế của cây cà phê đối với xã thuần nông Lộc Nam quan trọng như thế nào! Cùng với cả huyện, cả tỉnh, cả Tây Nguyên và cả nước, Lộc Nam vừa đi qua một vụ cà phê vui bởi vừa được mùa và vừa được giá. Anh Hoàn nói: “Cái vui nữa là, ngoài thành quả ghép được 600ha cà phê giống đầu dòng, nhờ đầu tư thâm canh nên năng suất cà phê của Lộc Nam cũng đã tăng từ 1,4 tấn/ha năm 2004 lên 2 tấn/ha vụ vừa rồi”. Quả thật là vui! Nhưng, đó là cách nói “trừ hao” của anh Hoàn. Chứ thực ra, theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, một người dân làm cà phê chuyên nghiệp ở Lộc Nam bảo rằng: “Thời buổi giờ, làm “cà” mà chỉ đạt 2 – 2,5 tấn trên “héc” là “yếu” lắm! Mỗi hecta cà phê Lộc Nam mùa này phải là 3 tấn. Ở vùng đất này, cà phê là thứ  cây trồng rất hợp. Có nhiều hộ vụ rồi đạt 5 - 7 tấn/ha”.

VẪN CÒN CHÚT TRĂN TRỞ

Có thể trong thực tế, “kinh tế cà phê” có vị trí cao hơn trong đời sống người dân Lộc Nam; nhưng nếu cứ lấy con số năng suất “khiêm tốn” theo báo cáo của Chủ tịch xã mà nhân lên thì cũng đủ thấy cây cà phê quan trọng như thế nào trong phát triển mọi mặt của xã anh hùng vùng “xa mà gần” Lộc Nam này.

Nói cách khác, “kinh tế cà phê” đang góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo nông thôn Lộc Nam sau 36 năm qua, kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, hướng phát triển đó vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ mà rất có thể Lộc Nam phải trả giá khi chỉ chú trọng đến mỗi một loại cây trồng như hiện nay. Tất nhiên, không thể nói rằng sản xuất nông nghiệp của xã anh hùng Lộc Nam hiện nay là độc canh cây cà phê; nhưng tình trạng chỉ chú trọng cây cà phê mà quên đi nhiều loại cây trồng và vật nuôi khác lại là một mối nguy hại. Chủ tịch UBND xã Lộc Nam Nguyễn Văn Hoàn phát biểu: “Xã chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%, tỷ lệ hộ khá và giàu tăng từ 10% - 12% mỗi năm”. Muốn vậy, Lộc Nam với 3.170 hộ (13.116 khẩu) và 5.142ha đất nông nghiệp không chỉ riêng chú trọng cây cà phê (chiếm đến 3.829ha) theo kiểu độc canh mà cần tính đến chuyện đa canh và đa ngành nghề. Nói rằng Lộc Nam xa mà gần về mặt địa lý thì đã rõ.

Nói rằng Lộc Nam “xa mà gần” về sự phát triển kinh tế cũng không qua khó hiểu: Từ một nền tảng hầu như không có gì lúc mới “khai sinh” (1976), bắt đầu từ khi thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới (đầu những năm 90) đến nay, Lộc Nam nhanh chóng vượt qua đói nghèo, nhanh chóng vượt thoát khỏi danh sách xã “30a” của Bảo Lâm và Lâm Đồng là một thành tích rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại là một xã “tầm tầm bậc trung” như hiện nay hẳn là điều đáng tiếc.

Ghi chép: Khắc Dũng