Một điểm tựa của “Vòng tay yêu thương”

08:04, 26/04/2011

(LĐ online) - Những khúc ca chứa chan khát vọng ngân rung nơi con đường nhỏ Đồng Tâm, Đà Lạt, Lâm Đồng. Họ rộn lòng hát với Ngày khuyết tật Việt Nam (18/4). Họ là những người khuyết tật (NKT) của nhóm tự lập “Vòng tay yêu thương”.

(LĐ online) - Những khúc ca chứa chan khát vọng ngân rung nơi con đường nhỏ Đồng Tâm, Đà Lạt, Lâm Đồng. Họ rộn lòng hát với Ngày khuyết tật Việt Nam (18/4). Họ là những người khuyết tật (NKT) của nhóm tự lập “Vòng tay yêu thương”.

Chị Lê Thị Minh Yêm và các sản phẩm của NKT ''Vòng tay yêu thương''.
Chị Lê Thị Minh Yêm và các sản phẩm của NKT ''Vòng tay yêu thương''.
Việt Nam có 5,3 triệu NKT, chiếm 6,34% dân số. Tỉnh Lâm Đồng chưa có Hội NKT, mới lập được hội cấp huyện, có khoảng 8.000 người. Cả nước mới hơn 10% NKT được nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề để hòa nhập với cộng đồng, còn Lâm Đồng tỉ lệ này khiêm tốn hơn. Sau 1 năm, nhóm “Vòng tay yêu thương” Đà Lạt tập hợp 90 NKT, tựa vào nhau cùng “chắp cánh yêu thương” để hòa nhập với cộng đồng là mô hình trân trọng và ý nghĩa.    

Trưởng nhóm là chị Lê Thị Minh Yêm. Năm 1963, trong buổi cắm trại vướng mìn nổ, nhiều bạn đồng môn ra đi, cô bé Minh Yêm 9 tuổi chỉ còn lại một chân với chằng chịt vết thương. Tuổi thơ hồn nhiên đứt gãy, chiếc chân giả đeo vào đời người con gái xinh đẹp mãi đến bây giờ. Rồi 8 năm vượt rào cản của gia đình, chị Yêm và anh Lục Thành Hòa thành vợ thành chồng.

Cuộc sống của anh chị và 2 đứa con khốn khó vì thu nhập chỉ bằng những đồng tiền ít ỏi từ nghề phụ hồ của anh và đan len thuê, đi ở đợ của chị. Họ níu lấy nhau, vượt khó nuôi 2 con lớn lên ngoan hiền, học giỏi. Nhưng số phận đổ ập xuống căn phòng ở nhờ của anh chị. Anh Hòa bị bệnh nằm liệt một chỗ, cây cột còn lại quỵ ngã, khó khăn càng chất chồng lên vai chị Yêm. Trong trang đời tự kể đẫm nước mắt, chị Yêm viết: “Đà Lạt trời mưa nhiều hơn nắng, có khi mưa dầm cả tháng trời. Những lần như thế, nhà tôi lại không có gạo ăn, các con tôi phải ăn cháo để tới trường”. Khi con trai đầu đậu một lúc 3 trường đại học thì sức gắng của chị cũng không thể giúp được đứa con yêu thương bước tới giảng đường theo học. Cậu rẽ tắt, đi làm thuê, san sớt vất vả cho mẹ nuôi em học cao đẳng.

Hơn một năm dằng dặc nuôi chồng tại bệnh viện, bóng dáng chị Yêm xuôi ngược như thoi đưa. 4 giờ, trời Đà Lạt sương giăng mờ mặt người, lạnh quánh không gian, ai đó chăn ấm gối êm thì người đàn bà tàn tật ấy nhúc nhắc đi chợ, nấu cơm bán cho sinh viên để gom tiền thuốc men chăm chồng. Nhưng chị Yêm mở lòng từ bi hành đạo. Chị trải lòng bình dị như hoa cỏ bên bờ rào, chẳng cần và cũng chẳng biết tô vẽ: “Tôi nghèo lắm, nên hiểu cái khốn khó cơ hàn. Tôi mang thức ăn và cơm mà sinh viên không mua hết vào Bệnh viện cho những người bệnh và người nhà của họ ăn qua ngày, họ quý tôi lắm. Tôi luôn chia sẻ và giúp đỡ mọi người. Những lúc như vậy tôi cảm thấy vui vui, vì hiểu rằng, hạnh phúc chia ra thì hạnh phúc sẽ nhân đôi”. 

Sự nhập thế quyết liệt trong hành trình từ bi của chị như thế nên luôn được nhà chùa, nhà thờ hỗ trợ giúp sức. Chị Yêm viên thành đạo quả. Lòng nhân ái, sự yêu thương là điểm tựa của đời chị và đến lượt mọi người, chị là người mang lại. Từ cưu mang những người cơ nhỡ như mẹ con cháu Họa Mi, xin nhà “Đại Đoàn kết” cho mẹ cháu Ngô Văn Bôn, xin xe lăn cho thương binh gia đình chị Thủy đến tìm việc làm, học bổng cho sinh viên…Rồi cháu Thanh Phương, gia đình anh Trân chị Dậu ở Đơn Dương, cháu Hà ở Bảo Lộc,…được chị Yêm đi vận động để giúp điều trị bệnh. Chị được đi giao lưu nhiều nơi ngoài tỉnh như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ….và trở về tổ chức cho NKT trong tỉnh giao lưu như là sự tri ân và sẻ chia trải nghiệm.   

Chủ tịch Hội NKT Đà Lạt Trần Mạnh Thu nhận xét về phó chủ tịch Hội mình: “Mặc dù chị Yêm mượn tiền của tôi để mua thuốc chữa bệnh cho chồng, mượn tiền chị Nga để đóng tiền học cho con, vất vả về kinh tế là thế nhưng danh sách trợ cấp khó khăn cho hội viên NKT Đà Lạt không bao giờ có tên chị. Hoàn cảnh một gia đình có hai vợ chồng là NKT đáng được chia sẻ lắm chứ, chị ngại họ sẽ hiểu sai về mình, thì việc làm của chị sẽ vô nghĩa”.

Mong muốn lớn nhất của người phụ nữ giàu nghị lực sống Lê Thị Minh Yêm là lo được cho thật nhiều người khốn khó, đặc biệt là NKT tự tin vươn lên trong cuộc sống. Bởi vậy mà khi đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh” của tỉnh Lâm Đồng về “mở rộng ngành nghề thủ công mỹ nghệ cho NKT”, chị Yêm quyết định thành lập nhóm “Vòng tay yêu thương”. 90 con người tứ chiếng, nhỏ nhất 8 tuổi nhiều nhất là 70 tuổi, đủ nghề, đan móc len, sửa xe, bán vé số…Một cộng đồng NKT động viên và giúp đỡ nhau cùng chống lại bệnh tật, vượt qua khó khăn, tạo lập cuộc sống ý nghĩa. Căn phòng nhỏ làm cơ sở mượn của gia đình một thành viên khuyết tật ở đường Đồng Tâm hàng tháng niềm vui, niềm tin được nhân lên. Chị muốn mọi người gạt bỏ những mặc cảm, tự ti và xích lại gần nhau.

Ở thế kỷ thứ 18, nhà văn Jean Jacques Rouseau - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà biện chứng lỗi lạc của triết học Khai sáng Pháp có một câu: “Sự nhẫn nại thì đắng nhưng kết quả của nó lại là ngọt”. Điều này thật đúng với anh Trần Tiến Mão và chị Nguyễn Thị Kim Chi khi sinh hoạt tại “Vòng tay yêu thương”. Họ trở thành vợ chồng khi anh 60 tuổi và chị 44 tuổi nhờ chị Yêm tác thành và giải tỏa những rào cản của họ hàng. Hôm lễ cưới, anh Nguyễn Tuấn Tài-nguyên là Chủ nhiệm khoa Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng của Trường Đại học Đà Lạt rủ tôi tham dự nhưng thật tiếc là đi công tác xa không về được. Xem lại video, thú thật tôi quá ngỡ ngàng bởi tổ chức rất bài bản, chu tất quá ! Anbum và video lễ cưới lưu lại những cảnh thật cảm động: trang trọng lễ gia tiên, lãng mạn ngoại cảnh hồ Xuân Hương, sùm vầy hôn trường Thung lũng Tình yêu… Rất nhiều hoa, trong tay cô dâu, giữa bàn, trên tường…Nhưng không là hoa tươi mà là sản phẩm thêu, móc bằng len của NKT. Đám cưới to vì sự hùn vào bằng công sức tập thể “Vòng tay yêu thương” và tấm lòng từ thiện nhiều người. Anh Mão nói: “Tụi tôi thực sự yêu thương nhau, muốn chia sẽ đồng cảnh nhưng tự ti, mặc cảm và cũng bi quan, được Nhóm động viên nhiều, rồi chị Yêm, anh Thu, chú Tùng…vun vén vào mới thành đó”.

Chị Yêm tri ân nhà chùa, nhà thờ giúp trưng bày và bán sản phẩm cho NKT, nhiều sinh viên, học sinh và người dân làm tình nguyện viên cho “Vòng tay yêu thương”. Nhưng một khát khao còn lung linh trong chị: “Ngày nào còn sống, còn một chút hơi thở trên cuộc đời này là tôi còn ước mơ. Tôi nuôi hoài bão lớn là sẽ thành lập một ngôi làng cho NKT. Ở đó có khoảng 30 ngôi nhà của NKT sống với nhau, nương tựa vào nhau, tạo công ăn việc làm cho nhau. Ở đó có tình bạn, tình người và tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng…Tất cả giúp con người có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tiếp thêm nghị lực và niềm tin yêu cuộc đời…Tôi ấp ủ mong ước này, bởi tôi đã chứng kiến cảnh nhiều cặp vợ chồng khuyết tật phải đi thuê nhà ở, sao mà khó khăn quá !”.

Rời “Vòng tay yêu thương”, tôi mang theo ý kiến của bà Vũ Thị Thúy Hằng, Chi hội trưởng Hội chữ thập đỏ khu phố 2, phường 4: “Cô Yêm dám nghĩ dám làm, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, đưa họ thêm niềm tin yêu cuộc sống, đó là điều cao quý nhất. Phải có tấm lòng mới làm được. Nghĩ ra nhưng không bắt tay giải quyết khó khăn, không giúp đỡ gia đình khó khăn hoạn nạn thì không thể có người ta đến với cơ sở được. Khi ốm khi đau người ta đến có điểm tựa vô giá. Chúng tôi ở địa phương có trách nhiệm với vợ chồng cô, mời cô tham gia các hoạt động địa phương để thấy xã hội nâng đỡ cô và cô có trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Tôi muốn, người ta sẵn có tấm lòng, tự lực cánh sinh, nếu một cơ quan chức năng nào đó dang tay đỡ đầu làm cơ quan chủ quản thì cơ sở này sẽ vang xa hơn”.

Và cũng mang theo giọng hát mê mị của những NKT nơi ấy: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không ?/ Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi/ Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông/ Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông/ Ôi trái tim đang bay theo thời gian/ Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian/ Những khi chiều tới cần có một tiếng cười/ Để ngậm ngùi theo lá bay/ Rồi nước cuốn trôi , rồi nước cuốn trôi…”./. 

Minh Đạo