Một người “duyên nợ” với cây chè Ô Long

09:04, 29/04/2011

Chị yêu cây chè đến mức không chỉ sản xuất trà để uống, mà còn để kinh doanh ẩm thực và làm đẹp từ chè.

 
Một người “duyên nợ” với cây chè Ô Long! Tôi thật sự không biết đưa ra nhận xét nào khác khi trò chuyện với Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Haiyih, chuyên trồng, chế biến, xuất khẩu trà Ô Long ở thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt. Chị yêu cây chè đến mức không chỉ sản xuất trà để uống, mà còn để kinh doanh ẩm thực và làm đẹp từ chè. Kết quả của tình yêu ấy đã làm số vốn 1 triệu đô-la ban đầu thành lập Công ty của chị nay đã nở thành 8 triệu đô-la và góp phần làm cho vùng Cầu Đất sầm uất, xinh đẹp hơn.


TỪ SẢN XUẤT TRÀ UỐNG

Tiếp chuyện tôi là một phụ nữ khá đẹp, da căng mịn dù đã ở tuổi ngoài 40. Khác những gì tôi thường thấy ở các nữ doanh nhân khác, chị không nói nhiều đến lỗ lãi, không khoe công nghệ, khoe giải thưởng vàng - bạc. Câu chuyện của chúng tôi rôm rả về cách nấu món ngon, mặc sao cho đẹp, phương pháp làm mịn da, tập thể dục giảm cân… Để khi tạm biệt, tôi mới chợt hiểu đã “bị” con người này mê hoặc. Chị cũng giống như tôi, có những đam mê rất phụ nữ. Nhưng chị khác tôi ở chỗ biến niềm đam mê của mọi người thành lĩnh vực kinh doanh thành công của mình.

- Tôi không thích làm nông nghiệp. ---ấy vậy cuộc đời tôi lại gắn với cây chè cây chè Ô Long khó tính – chị nhỏ nhẹ tâm sự như vậy.

Năm 2002, Thúy Linh thành lập Công ty với số vốn 1 triệu USD thừa hưởng của nhà chồng. Vác bụng chửa lặc lè, chị cùng 30 công nhân lăn lộn trên 9ha đất để làm quen với “tính khí” cây chè nhập ngoại. Giống chè Ô Long mang từ Đài Loan sang thích hợp với vùng khí hậu lành lạnh ở độ cao trên 1650 mét so với mặt nước biển này. Chăm cây chè chả khác gì chăm con nhỏ, nhìn cây chị biết lúc nào nên cho phun sữa đậu nành, tưới trứng gà hay mật ong để cây trổ nhiều búp và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đến giờ, chị đã có 250 ha chè,  trong đó 200 ha của các hộ dân có đất sản xuất trồng hợp đồng cho Công ty, gần 500 công nhân thường xuyên và hợp đồng thời vụ, mức thu nhập bình quân 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
 
Chị bảo: Tôi không muốn nói nhiều về công nghệ. Bởi máy móc, quy trình sản xuất trà Ô Long là như nhau, làm ra loại trà viên về hình thức giống nhau, nhưng sẽ khác nhau khi thưởng thức. Tự tin vào chất lượng sản phẩm nên phương châm bán hàng của tôi là “Không tự hạ thấp mình”. Khi khách hàng đến, tôi không quảng cáo sản phẩm mà mời khách tham gia vào việc chế biến trà, dùng trà và tự đánh giá; khách đòi mua nhiều, tôi bán ít hơn; tác phong giao tiếp vừa mềm mại vừa dứt khoát; đúng hẹn và trọng lời hứa. Năm 2010, Công ty sản xuất và bán 8 loại, khoảng 250 tấn trà Ô Long thành phẩm sang các nước: Trung Quốc, Mỹ, Đức, Ý, Thụy Sĩ… Vài nét phác thảo như vậy để thấy đơn vị của Thúy Linh đang là một doanh nghiệp mạnh của tỉnh Lâm Đồng.

ĐẾN CHẾ BIẾN CÁC MÓN ĂN VÀ LÀM ĐẸP BẰNG TRÀ

Chúng tôi mới nói được vài câu chuyện với Thúy Linh đã thấy người làm bưng lên 2 đĩa ngọn trà tẩm bột chiên giòn. Lạ thật, ngọn chè hái dài 4,5 lá vẫn tươi nguyên, bọc bên ngoài một lớp bột mỏng màu vàng, cắn vào ròn tan, thơm ngậy, ăn không biết chán. Thúy Linh bật mí: Để đĩa ngọn chè này giòn lâu, khi chế biến cho vài giọt chanh vào bột và vài giọt rượu vào mỡ.

Từ yêu cây chè, lại là người nấu ăn ngon, Thúy Linh đã mở Trung tâm ẩm thực, trong đó từ cơm, canh, bánh, kẹo, rượu… khi chế biến đều có thành phần của trà. Ví dụ như món bánh bao, dùng trà vụn nhào lẫn với bột, viên thành bánh để hấp… Chị cho biết đang chuẩn bị mở một bữa tiệc mời hàng trăm thực khách, từ món khai vị đến món tráng miệng đều làm từ… trà.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2007, Thúy Linh cho ra đời trung tâm chăm sóc sắc đẹp ở ngay TP Đà Lạt… Xuất xứ của việc kinh doanh này khá đơn giản: - Khi công ty kinh doanh ổn định cũng là lúc tôi thấy nhan sắc và sức khỏe sa sút nghiêm trọng, vậy nên tôi nghĩ đến lập 1 salon làm đẹp để chăm sóc cho mình và bạn bè. Cây chè Ô Long lúc này không chỉ dùng để uống, để ăn mà còn để đắp mặt nạ, xông hơi làm mịn da, tắm trắng, ngâm bùn… Đến nay thì những phụ nữ có thu nhập khá ở thành phố Đà Lạt thường tới nơi này để thư giãn và “tút” nhan sắc. Và bà chủ, Giám đốc Công ty TNHH trà Ô Long cũng là kết quả của quá trình làm đẹp: tươi tắn, trẻ trung và giữ được vóc dáng chuẩn của một nữ doanh nhân thành đạt, có văn hóa.

BIẾT CHIA SẺ VÀ HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG

Giám đốc Hà Thúy Linh khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn khi nói về sự ưu đãi… quá nhiều của Nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như doanh nghiệp của chị. Chị bảo: Nhà nước miễn thuế thu nhập doanh nghiệt (TNDN) 4 năm, không thu thuế đất 11 năm, không thu thuế xuất khẩu… là những ưu đãi quá lớn. Thế mà vẫn có đơn vị không muốn nộp thuế TNDN khi đến kỳ hạn. Tôi đã kéo bài viết về vấn đề này trên mạng xuống, dịch ra tiếng Trung Quốc và đưa đến cho các doanh nghiệp bạn đọc, đồng thời là người nộp 300 triệu thuế TNDN đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng (năm 2010).

Theo chị, một trong những mấu chốt làm nên thành công của doanh nghiệp là quan tâm đến công nhân, làm cho họ thỏa mãn và yêu cầu họ phải làm việc cho tốt. Công nhân được áp dụng mức lương mới theo quy định, đóng bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ… bởi thế hầu hết công nhân “theo” doanh nghiệp từ ngày đầu thành lập đến nay. Thúy Linh còn nói nhiều về ý thức trách nhiệm đối với người nông dân, chị xác định: Trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhà doanh nghiệp phải là người chủ động và chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng. Giá thu mua hợp lý, lợi nhuận ổn định sẽ kích thích người nông dân an tâm đầu tư gắn bó lâu dài với đơn vị. Đối với các hộ trồng chè, Công ty đầu tư cây giống (Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, 50% còn lại Công ty ứng trước và trừ dần trong 3 năm khi thu mua chè búp tươi), Công ty còn  ứng trước phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức bón lót phân hữu cơ vi sinh 2 lần/năm và trừ dần chi phí trong 3 đợt thu hái. Người dân có quỹ đất chỉ phải đầu tư sức lao động, còn hoàn toàn quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm do Công ty chịu trách nhiệm.

Chúng tôi đến thăm cánh đồng trồng chè Ô Long ở thôn Phát Chi đúng lúc gần 50 nông dân ở đây đang thu hái chè. Họ đeo vào 2 bàn tay 2 mảnh dao tem để xén ngọn chè, làm như vậy năng suất tăng 2 lần so với bứt tay thông thường và điều quan trọng hơn là cây chè không bị tổn thương, tiếp tục cho ra búp to, khỏe. Mỗi ngày, trung bình một người hái được khoảng 30 kg búp tươi, công hái được gần 100 nghìn đồng/người.

Chia tay nữ giám đốc thông minh và đa tài này, tôi cứ thầm mong các doanh nhân của Lâm Đồng và của cả nước đều là những người vừa kinh doanh giỏi, vừa lãng mạn, dám đột phá để phát triển và có ý thức cộng đồng cao như Hà Thúy Linh.
MINH HẰNG