Ở thôn 1 xã vùng sâu Đạ Ploa huyện Đạ Huoai gần 5 năm nay vẫn tồn tại một nhà trẻ được lập ra để giúp các trẻ em người dân tộc thiểu số khỏi phải theo cha mẹ lên nương rẫy hằng ngày không thu học phí.
Người lập ra nhà trẻ này là Thượng tọa Thích Minh Hạnh, Chánh đại diện Phật giáo Việt Nam huyện Đạ Huoai. Nhiều lần thấy bà con người dân tộc thiểu số hằng ngày đưa cả con nhỏ lên rẫy vừa làm việc vừa trông rất cực nhọc nên Thượng tọa có ý định vận động xây một nhà trẻ nơi đây để có chỗ học chỗ chơi cho các cháu. Năm 2006 nhà trẻ được thành lập ở thôn 1 - Đạ Ploa nơi có rất nhiều bà con người dân tộc thiểu số địa phương đang sinh sống. Nằm trong khuôn viên 5 sào đất khá đẹp sát đường lộ, phía sau là đồi trồng điều quanh năm xanh tốt, nhà trẻ có 3 phòng học, khu bếp nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch sẽ, sân chơi phía trước rộng rãi. Năm 2010, Thượng tọa Minh Hạnh viên tịch, người trông nom nhà trẻ hiện nay là Sư cô Thích Nữ Hạnh Ngọc.
Trong giờ chơi tại nhà trẻ tình thương |
Ngay năm đầu tiên thành lập, nhà trẻ đã thu nhận 25 cháu người dân tộc thiểu số từ 1 đến 3 tuổi trong xã. Trẻ được ở bán trú, việc ăn uống bữa trưa cùng các bữa lỡ nửa buổi đều được cấp miễn phí toàn bộ, cả áo quần đồng phục cho các cháu. Buối sáng, nhà trẻ có một xe đón các cháu chạy dọc theo con lộ chính từ Đạ Ploa sang xã Đoàn Kết, buổi chiều xe đưa trả các cháu tận nơi.
Sau 5 năm duy trì, trong năm học này nhà trẻ hiện có 84 cháu trong độ tuổi từ 1 đến 4, trong đó có 43 cháu là người dân tộc thiểu số K’ho, số cháu còn lại đa số là con của các gia đình người Kinh hộ nghèo trong xã. Theo Sư cô Hạnh Ngọc, việc nhận các cháu người Kinh mới chỉ bắt đầu từ 2009 trước những đề nghị thiết tha của cộng đồng dân cư trong xã. Cho đến nay nếu là trẻ người dân tộc và người Kinh, nhưng con hộ nghèo gia đình không phải đóng góp bất cứ khoản nào. Với những cháu gia đình có khá giả một chút có thể đóng góp một khoản nhỏ có tính cách tự nguyện để góp vào bữa ăn cho các cháu và nhà trẻ cũng không yêu cầu bất cứ điều kiện nào. Để dạy các cháu học, nhà trẻ hợp đồng với các cô giáo có nghiệp vụ sư phạm trong vùng, có trả lương hẳn hoi. Vừa qua, nơi đây cũng nhờ một giáo viên nguyên là hiệu trưởng một trường mẫu giáo nay đã về hưu đến giúp vận hành.
Theo sư cô Hạnh Ngọc, để vận hành nhà trẻ với số lượng các cháu như hiện nay, mỗi tháng cần ít nhất khoảng gần 10 triệu đồng chi phí mọi thứ, từ mua thực phẩm cho các cháu, trả lương cho giáo viên, đổ xăng cho xe… Nguồn kinh phí này được vận động từ nhiều nguồn. “Trước đây khi còn Thượng tọa, với uy tín của mình chuyện vận động giúp đỡ khá thuận lợi. Hiện nay chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự cố gắng nhà trẻ đến nay vẫn duy trì tốt, không chỉ đảm bảo chuyện học hành mà việc ăn uống cho các cháu luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng đúng theo qui định” - Sư cô Hạnh Ngọc cho biết.
Từ khi có nhà trẻ, nơi đây không chỉ là chỗ học chỗ chơi trông nom các cháu khi bố mẹ đi làm, điều đáng nói nhất là sức khỏe của các em bé người dân tộc thiểu số tại địa phương gửi vào đây đã được nâng lên một cách rõ rệt. Không ít gia đình bà con dân tộc thiểu số lúc đầu còn nghi ngại, nay hầu hết đã an tâm rủ nhau mang con đến gửi. Chuyện địu con dắt con lên rừng làm rẫy nay hầu nhưng giảm hẳn ở xã nghèo Đạ Ploa. Nhờ làm quen với con chữ sớm, với sinh hoạt tập thể nên không ít cháu rất gắn bó với nhà trẻ.
Theo Phòng Giáo dục Đạ Huoai, tuy là nhà trẻ tình thương, cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng nơi đây qua kiểm tra luôn đảm bảo chất lượng dạy học cho trẻ bán trú. Chính vì vậy, theo bà Đỗ Thị Nga, Trưởng phòng Giáo dục Đạ Huoai, huyện cố gắng tạo điều kiện và hỗ trợ để điểm nhà trẻ nơi đây phát triển thành một trường mẫu giáo.