Ô nhiễm nguồn nước suối Đại Lào - trách nhiệm không của riêng ai!

02:04, 12/04/2011

Ngày 9/4/2011, khi phóng viên Báo Lâm Đồng ngược dòng suối Đại Lào (Bảo Lộc) để tìm hiểu thêm tình hình ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoảng sản, nhiều bãi khai thác cát vẫn liên tục đào bới, súc rửa và ngang nhiên gây ô nhiễm dòng suối…

Ngày 9/4/2011, khi phóng viên Báo Lâm Đồng ngược dòng suối Đại Lào (Bảo Lộc) để tìm hiểu thêm tình hình ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoảng sản, nhiều bãi khai thác cát vẫn liên tục đào bới, súc rửa và ngang nhiên gây ô nhiễm dòng suối…
 
Dù qua nhiều bể lắng lọc, nhưng nước trước khi đổ ra suối của Công ty TNHH HTM vẫn đục.
Dù qua nhiều bể lắng lọc, nhưng nước trước khi đổ ra suối của Công ty TNHH HTM vẫn đục ngầu.

Suối Đại Lào chảy qua địa bàn 2 xã Lộc Châu và Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) có nhiều nhánh nhỏ. Cứ men theo những nhánh suối đục ngầu bùn đất sẽ dễ dàng bắt gặp những bãi khai thác cát. Điểm đầu tiên tôi đến chính là khu vực Suối Cát (thôn 2, xã Đại Lào) - nơi có Công ty TNHH HTM đang khai thác cát. Xe đào, xe múc và xe ben, xe máy cày vận chuyển cát liên tục hoạt động. Cát từ trên đỉnh đồi được xe múc đào lên, bơm nước súc rửa, chạy qua hệ thống băng chuyền để phân loại cát và xà bần (đất, đá). Toàn bộ lượng nước rửa được chảy vào bể lắng, gồm 6 ngăn xây bằng bê tông; sau đó, tiếp tục chày ra khoảng đất trống (rộng hơn 1 ha) để tiếp tục lắng. Mặc dù qua nhiều lần lắng lọc, nhưng lượng nước cuối cùng đổ ra suối Đại Lào vẫn còn đậm màu đất đỏ.

Lý giải điều này, ông Lê Văn Lợi – Giám đốc Công ty TNHH HTM, cho biết: “Cả tuần nay tôi đi vắng nên không cho anh em hút bùn ở các hồ lắng này bán cho Nhà máy sản xuất gạch (ở xã Lộc Châu), nên mới có hiện tượng nước tràn ra suối. Bình thường 6 bể lắng và 2 hố sâu trên 10 m (đào ở khoảng đất 1 ha) có thể chứa lượng nước bùn thải ra trong một tuần chưa tràn ra suối. Ngay cả lượng nước chảy ra suối hiện tại cũng đã được lắng lọc đến 80% lượng bùn!”. Ông Lợi cũng thừa nhận:  “Trước đây, Công ty có thải trực tiếp nước chưa được lắng bùn ra suối Đại Lào. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010, Công ty đã xây dựng các bể lắng để giảm thiểu lượng bùn đổ ra suối. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mua đất để mở rộng thêm bãi lắng và đầu tư hệ thống máy bơm ngược lượng nước thải để tái sử dụng nước rửa cát. Việc này vừa tiết kiệm nước, vừa hạn chế gây ô nhiễm môi trường”.
 
Dòng suối Đại Lào quanh năm đục ngầu do khai thác cát.
Dòng suối Đại Lào quanh năm đục ngầu do khai thác cát.

Đứng tại Công ty HTM, tôi nhìn thấy 2 khoảnh đồi trước mặt “phơi” cát trắng. Theo một số hộ dân sống gần đây, đó là những đồi cát bị khai thác… “chui”. Đến đây, tôi không thấy hoạt động khai thác, mà chỉ có những mảng đồi bị đào múc nham nhở. Người dẫn đường cho tôi biết, do khai thác “chui” nên phương tiện ở những bãi này không nhiều. Cát đào lên, được súc rửa ngay tại dòng suối. Sau đó, cát được đưa lên xe chuyển ngay đi nơi khác. Mỗi khi các ngành chức năng đến kiểm tra, họ “rút” đi một cách êm thấm! Xa hơn về phía xã Lộc Châu và phường Lộc Tiến, hoạt động khai thác cát diễn ra tấp nập. Dòng suối Đại Lào phải oằn mình hứng chịu nước bị ô nhiễm, rồi đổ về sông Đại Bình.

Công ty HTM là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này từ tháng 4/2009. Chính vì vậy, theo ông Lợi, Công ty luôn phải “đứng mũi, chịu sào”. Mọi tác động xấu đến dòng suối đều “quy chụp” trách nhiệm về phía Công ty. Nhưng trên thực tế, có gần 10 cơ sở khai thác cát trái phép đang hoạt động!

Tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước suối Đại Lào đã rõ. Tác hại của việc ô nhiễm này tất yếu là điều không thể tránh khỏi. Làm gì để xử lý các điểm khai thác khoáng sản nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng suối Đại Lào? “Cấp xã  không có đủ thẩm quyền để xử lý. Xã không thể kiểm định được mức độ ô nhiễm và tác động, ảnh hưởng môi trường do hoạt động khai thác cát. Xã chỉ còn cách là báo cáo lên trên để giải quyết!” - Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết. Do vậy, tình trạng khai thác cát trái phép ở đây đã diễn ra cả 10 năm nay, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý được một trường hợp nào!

Trữ lượng cát tại khu vực Lộc Châu và Đại Lào khá lớn. Nguồn lợi từ tài nguyên khoáng sản này là điều không thể phủ nhận. Nhưng, nếu khai thác không đi đôi với bảo vệ môi trường thì hậu quả là điều khó tránh khỏi. Trách nhiệm bảo vệ môi trường trước hết phải xuất phát từ phía các đơn vị khai thác. Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng không thể “lạnh lùng” trước tình trạng khai thác khoáng sản ở một khu vực đang… “nóng”!

ĐÔNG ANH