Số nhà Đà Lạt bao giờ mới hết rối!

01:04, 15/04/2011

(LĐ online) - Nếu bạn đã từng đến Đà Lạt tìm nhà thì bạn mới biết được trên đời này lắm điều kỳ lạ!

(LĐ online) - Nếu bạn đã từng đến Đà Lạt tìm nhà thì bạn mới biết được trên đời này lắm điều kỳ lạ!

Dân ở Đà Lạt đi tìm số nhà ngay trên khu vực mình ở cũng phải mất cả ngày! Số nhà ở đây sắp xếp một cách lạ kỳ, từ các chữ cái A, B, C, D, E... có đủ. Có khi 2 số nhà kế tiếp nhau mà cách nhau cả cây số! Nhất là trên các con đường; Trần Khánh Dư, Nguyễn Công Trứ, Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân... số nhà... sắp xếp rất lộn xộn, không theo một qui tắc nào.

d
Việc đánh số nhà trên địa bàn thành phố chưa hợp lý, bị trùng lặp và rất thiếu khoa học. Ảnh tư liệu
Nguyên do là khi người dân xây nhà mới đều tự ý đánh số và đăng ký với công an phường, nên hiện tượng trùng lặp, số chẵn, số lẻ cùng nằm một bên đường, nhà trong hẻm có số nguyên, nhà mặt phố số bắt đầu từ hai đầu đường là phổ biến, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, cũng như trong giao dịch dân sự suốt nhiều năm qua.

Đà Lạt với 12 phường, 3 xã - dân số Đà Lạt hơn 200.000 người, ước tính có khoảng 36.000 ngôi nhà, riêng nội thành có 26.000 ngôi, trong đó 25- 30% ngôi nhà nằm ở mặt tiền các đường phố chính, số còn lại nằm trong đường hẻm, và hẻm nhánh của khu dân cư.

Từ tháng 11.2003, kỷ niệm Đà Lạt 110 năm, một số con đường được đặt tên mới như Paster, Mai Anh Đào, Trần Nhân Tông… nhưng đến nay vẫn mang số nhà và tên đường cũ. Còn trên đường Phù Đổng Thiên Vương, có số nhà 7, 9 nhưng lại không có số 8! Người ở nơi khác mà hỏi dân xe ôm ở đây để tìm nhà cũng đành chịu, hỏi người dân tại chỗ thì cũng lắc đầu chịu thua. Hay như hẻm 27 Lê hồng Phong thì có đến mấy chục căn nhà có biển số 27E mà nếu người tìm không rành đường và biết tên thật của chủ nhà thì vô phương cứu chữa!

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý đô thị không theo kịp nhịp độ phát triển, việc đánh số nhà trên địa bàn thành phố chưa hợp lý, bị trùng lặp và rất thiếu khoa học. Trên thực tế, vì chuyện số nhà mà đã dẫn đến những thiệt hại hữu hình lẫn vô hình ví dụ như chuyện bưu kiện, thư từ đi nhầm địa chỉ thỉnh thoảng vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố.

Để có thể thực hiện tốt công tác chỉnh sửa-cấp đổi biển số nhà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành. Mong rằng vấn đề này sẽ được tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành cùng UBND TP Đà Lạt phối hợp thực hiện trong thời gian sớm nhất, để bộ mặt đô thị Đà Lạt ngày càng văn minh, hiện đại tương xứng với một đô thị loại I, là một trung tâm Văn hóa - khoa học - Du lịch nổi tiếng của cả nước.
Hữu Phúc