Giữa buổi sáng, nắng lên thật đẹp. Cả khu rừng ở đây như bức tranh thêu. Tiếng suối róc rách như níu bước chân người.
Sau khi dạo một vòng quanh làng (rộng khoảng 6ha), nhập cuộc vào lễ cúng Yàng, hòa vào dòng người thăm khu trưng bày hiện vật…, tôi quay trở lại sân khấu chính ở giữa làng và mua một ché rượu cần (của cô chủ quán người Mạ, bán sẵn trong khuôn viên làng). Tự tay khui ché rượu và cắm chiếc cần, tôi nâng cần mời ông Hiếu. Ông vui vẻ: “Rượu này được ủ từ lá cây rừng đấy!”.
Ông Hiếu giới thiệu với du khách về văn hóa Mạ. Ảnh: Hữu Sang. |
ÔNG VIỆT KIỀU MÊ… KHÁM PHÁ
Giữa buổi sáng, nắng lên thật đẹp. Cả khu rừng ở đây như bức tranh thêu. Tiếng suối róc rách như níu bước chân người. Giá là một du khách thì chắc tôi… làm thơ mất. Nhưng “đáng tiếc”, bởi không là người đi thăm thú chốn này nên tôi “tập trung cho chuyên môn” bằng cách vời cho bằng được vị tác giả của ngôi làng để cùng trò chuyện về vấn đề văn hóa tộc người, cụ thể là người Mạ ở đây. Và, qua câu chuyện với ông Hiếu, tôi “ngỡ” ra không ít vấn đề.
Nhưng trước hết, có lẽ cũng nên dành vài dòng trong phóng sự này để nói sơ qua một chút về tác giả làng văn hóa Mạ Dam Bri – ông Ngô Đình Hiếu. Ngồi trước mặt tôi (và một bạn đồng nghiệp trẻ tuổi người địa phương) và bên ché rượu cần vừa mới khui là một người đàn ông đã lớn tuổi, tóc bạc trắng, nhưng vẫn còn quắc thước và nhanh nhẹn lắm (sau, tôi mới biết ông Hiếu đã gần 65 tuổi). Ông Hiếu nói rằng mình là dân gốc Huế; sau đó, có một thời gian sống ở nước ngoài. Cách nay gần mười năm, ông về Việt Nam, lên Bảo Lộc, vào làng người Mạ chơi, bỗng “chết dính” luôn với buôn làng ở đây. “Bữa đó, vào Lộc Bắc (xã vùng sâu của người Mạ, thuộc địa phận hành chính huyện Bảo Lâm), nhìn thấy ngôi nhà dài của bà con, mình “chết mê chết mệt” bởi lối kiến trúc dân dã nhưng vô cùng độc đáo, và đặc biệt là rất tiện lợi và rất hòa hợp với môi trường tự nhiên xung quanh”. Thế là từ đó, “máu” văn hóa của tộc người Mạ dần ngấm vào ông. Cứ hễ có dịp về Việt Nam là ông Việt kiều này lại lang thang hết buôn làng này đến buôn làng khác ở Tây Nguyên. Càng đi càng “máu” sưu tầm, bộ sưu tập văn hóa vật thể của ông Hiếu ngày càng “dày”. Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm hiện vật, trong ông còn hình thành một ý nghĩ, cũng là một khát khao, đến cháy bỏng là làm sao phục dựng nguyên trạng một làng văn hóa người Mạ ở đâu đó trên mảnh đất Blao (Bảo Lộc). Và, cơ hội để ông thực hiện ước mơ đã đến khi những người lãnh đạo Khu du lịch Dam Bri ngỏ lời cùng ông về việc tạo lập một không gian văn hóa của người bản địa ngay trong khu du lịch.
“TRANH LUẬN”
Ông Hiếu ngồi xuống và thong thả cầm cần rượu. Ông rít một hơi thật dài, nhưng cũng rất thong thả. Nhìn cách cầm cần rượu và cách uống, tôi biết người đàn ông gốc Huế này rất “sành điệu”. “Rượu cần của bà con phải là thứ rượu được ủ từ men rừng mới là thứ đáng uống. Nó êm nhẹ, nhưng đậm đà. Nếu có say, cũng say thật êm nhẹ, và cũng rất… đậm đà!” – ông Hiếu bắt đầu câu chuyện trở lại. Tôi than phiền: “Giờ, đến các điểm du lịch có rượu cần, chỉ thấy toàn là thứ rượu ủ men của người Kinh. Uống say, đau đầu kinh khủng! Chỉ có vào làng, vừa vít cần và vừa nghe chiêng, mới sướng!”. Vừa nói, tôi vừa quay mặt về hướng sân khấu, nơi hai “cánh gà”: “Ờ, kia chắc là những chiêng quý của người Mạ mà anh sưu tầm được phải không?”. Ông Hiếu: “Mình sưu tầm nó lâu lắm rồi đấy! Còn quý thì cứ gọi là… vô giá! Nhiều người hỏi mua với giá rất cao nhưng mình không đời nào chịu bán!”. Tôi tin. Nhìn ông với khuôn mặt bắt đầu ửng lựng men rừng đang ngấm với hai con mắt cười hiền, tôi tin điều ông nói là rất thật. Nhưng, quý ông đến mấy, tôi vẫn không thể giấu được điều đang… ấm ức trong bụng: “Ừ, thì quý thật đấy, và tôi tin anh. Nhưng, không hiểu sao anh lại chỉ trưng bày mỗi bộ chỉ có bốn chiếc?”. Thoáng một chút lúng túng, và biết tôi không phải là “tay vừa”, nên ông Hiếu lại cười hiền như người có lỗi: “Bữa trước, mấy bộ chiêng được đưa đi trưng bày bị bể mấy hai chiếc nhỏ. Chưa kịp “bổ sung” nên tôi phải “mượn tạm” hai chiếc trên “cánh gà” để bù vô cho đủ đặng đưa đi cho kịp. Giờ, khổ là không biết phải bổ sung sao đây. Cho nên, đành phải chưng mỗi bên cánh gà mỗi bộ chỉ còn bốn chiếc!”. Ông Hiếu “thú nhận” bởi cả ông và tôi đều biết rõ bộ “ching droòng” (chiêng đờ-roòng) của người Mạ phải là bộ chiêng gồm 6 chiếc, không thể ít hơn hoặc nhiều hơn. Tôi quay sang đầu hồi gian nhà: “Còn chiếc trống độc mộc liền da voi kia, quý là thế, sao anh lại xẻ ra? Để du khách họ biết đó là “độc mộc”, vì da voi phủ cả tang trống, à?”. Ông Hiếu giải thích: “Không phải vậy! Đời nào lại “hy sinh” một cách phí phạm như thế! Chả là chiếc trống ấy bị rách một phần da voi bịt hai đầu nên tôi phải “cắn răng” rạch nó ra để mọi người cùng hiểu và tin về nó mà thôi!”.
Ngôi nhà sàn được phục dựng trong làng văn hóa Mạ. Ảnh: KD |
Tôi cầm cần rượu mà ông Hiếu vừa trao cho. Có lẽ, gương mặt tôi cũng đỏ lựng lên rồi nên mới mạnh mồm như thế này: “Nghe anh hay nói “người Châu Mạ”, nhìn những tờ quảng cáo cũng ghi “Châu Mạ”, nhiều người cũng hay nói “Châu Mạ”, tôi không rõ “Châu Mạ” là gì! Còn anh?”. Ông Hiếu thật thà: “Thì đó là người dân tộc Châu Mạ!”. Cuộc “tranh luận” đến đây, tôi biết là rất có thể ông Hiếu bắt đầu “bí”; nó diễn ra đòi hỏi cả hai đều phải tế nhị, nhưng chắc chắn một điều rằng nó rất bổ ích cho cả không chỉ hai chúng tôi. Tôi lại cầm cần rượu và cũng rít một hơi thật dài như ông Hiếu. Nhưng lần này, tôi rít một hơi dài là để… lấy bình tĩnh cho cuộc “tranh luận” tiếp tục trong bầu không khí thân thiện. Và đúng là như vậy! Song, nó khá dài. Do đó, ở đây, tôi chỉ xin tóm tắt vài dòng như thế này: Cách nói “Châu Mạ” là cách nói khá phổ biến hiện nay (từ trong cách hiểu và cả trên văn bản, sách báo…) khi nói về người Mạ ở Lâm Đồng. Thực ra, “châu” là cách viết khác của từ “cau” (phát âm là “chau”), có nghĩa là “người”. Người Mạ hiểu “kòn cau” có nghĩa là “người đồng bào”, còn “cau Mạ” có nghĩa là “người Mạ”. Với tộc người Mạ, không có dân tộc Châu Mạ mà “cau Mạ” (dân tộc Mạ) chia thành nhiều nhánh như Mạ Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung… Trong đó, Mạ Ngăn được xem là người Mạ chính tông. Ở vùng Bảo Lộc và Bảo Lâm, các nhánh nhỏ của người Mạ hầu như hội đủ. Đặc biệt, với cộng đồng dân cư này, ý thức tộc người khá cao; đồng thời, về tên gọi dân tộc, ở tất cả các nhóm nhỏ đều có một tên gọi chung là “Mạ”. Như vậy, không thể gọi đó là “dân tộc Châu Mạ” được! “Có lẽ do cách hiểu sai và cách hiểu sai đó không được sửa đến mức trở thành thói quen nên dường như ở mọi nơi đều có cách gọi tộc người này là “Châu Mạ” chăng?” - ông Hiếu hỏi tôi, nhưng có lẽ đó là câu hỏi không cần câu trả lời.
Tôi đứng dậy và bắt thật chặt tay vị tác giả của làng văn hóa Mạ khu du lịch Dam Bri. Mặt trời đứng bóng, nhưng nắng vẫn dịu ngọt trên những tán xanh, trên dòng nước Dam Bri của người Mạ Blao (tên gọi khác của Bảo Lộc). Cô chủ quán là người Mạ bán ché rượu cần cho tôi giờ mới lên tiếng: “Dạ, cảm ơn chú và anh nhiều lắm!”.