Thành quả từ một chuyến đi sưu tầm

03:04, 23/04/2011

Gặp thạc sỹ Phạm Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV lúc nào tôi cũng thấy chị tất bật và lịch trình làm việc của chị gần như không có chỗ trống, kể cả ngày nghỉ. Sự làm việc miệt mài, say mê của nữ quản lý và đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm đã góp phần đưa Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm phong phú kho tư liệu quý hiếm của quốc gia  trong những năm gần đây.

Gặp thạc sỹ Phạm Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV lúc nào tôi cũng thấy chị tất bật và lịch trình làm việc của chị gần như không có chỗ trống, kể cả ngày nghỉ. Sự làm việc miệt mài, say mê của nữ quản lý và đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm đã góp phần đưa Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm phong phú kho tư liệu quý hiếm của quốc gia  trong những năm gần đây.
 
 

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (số 02 Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt) vinh dự được bảo quản khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới, được du khách trong nước và quốc tế biết được giá trị đích thực của tài liệu mộc bản quý hiếm này. Gần đây nhất, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tăng cường công tác sưu tầm và nghiên cứu nhiều hơn, vì thế đã gặt hái được khá nhiều thành công với kết quả khả quan. Đoàn khảo sát của Trung tâm do nữ giám đốc Phạm Thị Huệ dẫn đầu đã đến làm việc tại Huế và trực tiếp làm việc với Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện sở Nội vụ, PA 25 và các thành viên trong đoàn đã trực tiếp khảo sát khối tài liệu được sản sinh ra dưới thời Pháp thuộc tại kho lưu trữ của Chi cục Văn thư tỉnh Thừa Thiên Huế và báo cáo Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước để xây dựng đề án “Sưu tầm tài liệu quý hiếm”.

Kể lại với chúng tôi về những kỷ niệm trong quá trình đi sưu tầm tài liệu quốc gia, thạc sỹ Phạm Thị Huệ tâm sự về một chuyến đi gần đây nhất: Vào một ngày cuối năm 2010, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã cử đoàn khảo sát, sưu tầm tài liệu quý hiếm lần 2 tại Huế. Mục đích của chuyến công tác lần này là khảo sát, nắm tình hình tài liệu quý hiếm thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc đang nằm rải rác ở các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tại Huế. Tuy nhiên, quá trình đi tìm kiếm, sưu tầm, bảo quản tài liệu quý hiếm cũng không mấy dễ dàng nếu những người trực tiếp thực hiện không có cái tâm, có kiến thức và lòng nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp…

Chị Huệ kể tiếp: “Tôi nhớ mãi chuyến đi tại Huế ấy! Lúc đó, đoàn chúng tôi tới Huế khoảng 1 giờ chiều, thời tiết hơi se lạnh. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc. Điểm đầu tiên chúng tôi tìm tới là Phủ Tùng Thiện Vương -  nơi thờ tự Tùng Thiện Vương, con trai thứ mười của vua Minh Mạng, tại số 91 Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Đây là một công trình uy nghi, rêu phong cổ kính, cảnh vật tĩnh tại, kín cổng cao tường, trong đó có lưu giữ khối tài liệu mộc bản gồm các bản khắc về thơ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870), con trai thứ 10 của vua Minh Mạng. Ông vốn là người đức cao, trí rộng, là người lập ra Mạc Vân thị xã, tập hợp nhiều danh sĩ, trong đó có Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu… Vua Tự Đức cũng đã từng nhờ ông duyệt thơ. Khối Mộc bản này gồm 881 tấm, là bản khắc chứ Hán Nôm ngược, trong đó có những bộ ván khắc rất có giá trị như: Thương sơn thi thoại, Thương sơn ngoại tập, Thương sơn di văn…”.

Hôm sau, chị Huệ đã đề nghị với ông Vĩnh Khánh (phó chủ tự tại phủ Tuy Lý Vương) xin ý kiến ông chủ tự Bửu Hồng cho phép đoàn được đưa mộc bản ra khảo sát xem bản đó khắc về vấn đề gì và xin chụp ảnh lại toàn bộ. Sau đó sẽ in hai bộ, chỉnh lý lại cho khoa học, một bộ lưu trữ vĩnh viễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV để độc giả trong và ngoài nước biết đến và nghiên cứu, một bộ hiến tặng cho Phủ để lưu giữ. Khỏi phải nói về nỗi vui mừng của đoàn khi được tận mắt sờ, nhìn và chụp lại khối tư liệu quý này!

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, thạc sỹ Phạm Thị Huệ cho biết: “Việc sưu tầm tài liệu quý hiếm không phải đơn giản và dễ dàng, đòi hỏi phải có tầm chiến lược. Nhà nước phải có chính sách cụ thể dựa trên cơ sở thực tế; phải tạo điều kiện về kinh phí cho các đơn vị trực tiếp sưu tầm mua tài liệu quý hiếm cho Nhà nước. Vì trên thực tế, đã có nhiều cá nhân, nhiều nhà nghiên cứu hoặc cả gia đình, dòng họ, dòng tộc của họ cả đời họ vất vả, sưu tầm mới có được tài liệu quý, thế nên không dễ dàng họ hiến tặng mà không nhận được gì về vật chất và tinh thần”.

Được biết, hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đang tập hợp nghiên cứu và dự kiến sẽ công bố 2 cuốn sách về mộc bản triều Nguyễn có giá trị, đó là “Khoa bản các tỉnh ở miền Trung” và “Khoa bản các tỉnh ở miền Nam”, chắc chắn sẽ hấp dẫn độc giả và những người say mê nghiên cứu sưu tầm tư liệu lịch sử quốc gia.
 
Nguyệt Thu