Tương lai nào cho môn tiếng Pháp?

02:04, 03/04/2011

Dù đã được điều chỉnh nhưng việc cắt giảm tài trợ cùng với chương trình cần nhiều thời gian đầu tư đã khiến tiếng Pháp trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều học sinh “lỡ” theo môn học này.

Dù đã được điều chỉnh nhưng việc cắt giảm tài trợ cùng với chương trình cần nhiều thời gian đầu tư đã khiến tiếng Pháp trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều học sinh “lỡ” theo môn học này.

“ĐẦU VOI ĐUÔI CHUỘT”

Cùng nhiều địa phương khác trong nước, tiếng Pháp có mặt tại Lâm Đồng từ năm học 1994-1995 theo một chương trình hợp tác giữa Chính phủ Pháp cùng Cộng đồng Pháp ngữ, trong đó có Việt Nam. Trường đầu tiên tại Lâm Đồng bắt đầu thu nhận học sinh trong năm học này là tiểu học Lê Quí Đôn - Đà Lạt. Năm năm sau đó, những học sinh này lên lớp 6 và trường thứ 2 thực hiện cuốn chiếu tiếp theo là Bùi Thị Xuân - Đà Lạt. Lúc này, Bùi Thị Xuân vẫn là trường có cả 2 cấp: trung học cơ sở (cấp 2) và trung học phổ thông (cấp 3). Năm học 2009-2010 vừa qua, khối trung học cơ sở được tách ra khỏi Bùi Thị Xuân chuyển sang trường Nguyễn Du, trong đó có các lớp tiếng Pháp. Như vậy, hiện nay, tại Lâm Đồng có 3 trường có học sinh đang học tiếng Pháp đều ở Đà Lạt trong đó Tiểu học Lê Quí Đôn có 467 học sinh ở 14 lớp từ lớp 1 đến lớp 5; THCS Nguyễn Du có 186 học sinh ở 6 lớp từ lớp 6 đến lớp 9, THPT Bùi Thị Xuân có 67 học sinh ở 3 khối lớp từ 10 đến 12, mỗi khối 1 lớp.

 Học sinh tiếng Pháp tại Trường Lê Quí Đôn - Đà lạt.
Học sinh luyện ghép tiếng Pháp tại Trường Lê Quí Đôn - Đà Lạt.

Tại tiểu học Lê Quí Đôn, tiếng Pháp vẫn đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, tổ trưởng tiếng Pháp, trung bình mỗi năm gần đây có khoảng 200 thí sinh tại Đà Lạt, kể cả nhiều vùng khác trong tỉnh ứng thí vào các lớp 1 tiếng Pháp của trường. Trong số này, nhà trường chỉ chọn 3 lớp, mỗi lớp trên 30 em. Những học sinh này bên cạnh chương trình qui định như các học sinh lớp học bình thường khác còn phải học tiếng Pháp, mỗi tuần 15 tiết; trong năm nay, vừa được giảm tải còn 10 tiết. Học sinh, từ lớp 1 đến lớp 3 chủ yếu học các kỹ năng giao tiếp nghe nói thông qua các câu chuyện cổ tích, truyện kể. Chỉ khi lên lớp 4 và 5 mới làm quen với ngữ pháp, đọc viết.

Nhưng chỉ đến đầu cấp THCS, sự quan tâm này giảm nhanh dù chỉ cần hoàn tất chương trình ở tiểu học là các học sinh này có thể vào thẳng trường công. Cụ thể, những học sinh theo chương trình tiếng Pháp tại Tiểu học Lê Quí Đôn sẽ được vào thẳng các lớp công lập Nguyễn Du. Tương tự, khi tốt nghiệp THCS các học sinh này sẽ vào học tại THPT Bùi Thị Xuân. Dù được ưu tiên vào trường công nhưng nhiều phụ huynh đã phải tính đường cho con mình rút lui. Diễn tả như các giáo viên tiếng Pháp đang trực tiếp đứng lớp là “teo tóp” dần theo cái cảnh “đầu voi đuôi chuột”.

CHƯƠNG TRÌNH NẶNG?

Theo các thầy cô dạy tiếng Pháp, để theo trọn con đường đã chọn ban đầu ở cấp tiểu học, học sinh cần phải siêng năng và có chút năng khiếu về ngoại ngữ. Nhưng đối với nhiều học sinh, phải học tiếng Pháp vì khi còn nhỏ “bố mẹ chọn, em không chọn”. Không chọn nên không thích, lên đến các lớp đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) các em đã xin chuyển sang một lớp bình thường khác.

Nhưng một nguyên nhân rất cơ bản, theo nhiều thầy cô giáo, trong đó có những người đang trực tiếp quản lý, tiếng Pháp mất dần sức hút vì chương trình quá nặng. Ở cấp tiểu học, chuyện học nặng này không thành vấn đề, vì học sinh vừa học vừa chơi và khi hầu hết các trường ở cấp tiểu học chưa đưa được ngoại ngữ vào, thì việc dạy tiếng Pháp ngay từ lớp 1 này, theo cô Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, chính là một ưu thế của trường Lê Quí Đôn. Trong thực tế đã có không ít học sinh từ các lớp Pháp này khi hết cấp 3 đã chọn đường đi du học bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, ở cấp THCS và THPT vấn đề có khác. Học ở các cấp này không còn là chơi mà là học thật. Bắt đầu từ lớp 6 các học sinh được học môn Toán và Lý bằng tiếng Pháp. Bên cạnh hoàn tất chương trình qui định như mọi học sinh phổ thông bình thường, các học sinh lớp tiếng Pháp còn phải học mỗi tuần 10 -12 tiết (trước đây là 15 tiết/tuần). Số tiết học này học sinh sẽ được bố trí trái buổi. Trung bình một tuần các học sinh lớp Pháp sẽ có thêm từ 2 đến 3 buổi học như thế và tính thêm các giờ hướng nghiệp, thể dục, phụ đạo… hầu như các em phải lên trường cả ngày suốt tuần. Cũng nói thêm, do tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong trường học hiện nay nên các học sinh lớp Pháp cũng phải học cả Anh văn.

Cắt giảm tài trợ cũng là một điều đáng quan tâm. Những năm trước đây, hằng năm Pháp cử các giáo viên bản xứ sang giao lưu, các giáo viên dạy tiếng Pháp được cử sang Pháp tu nghiệp, bồi dưỡng, nhà trường được tài trợ sách tiếng Pháp. Nhưng kể từ 2006 đến nay, không chỉ chấm dứt các hoạt động này, học sinh lớp Pháp còn phải đóng tiền hằng tháng để trả cho giáo viên đứng lớp. Chẳng hạn tại Trường Bùi Thị Xuân, học sinh lớp Pháp hằng tháng phải đóng thêm 60 nghìn đồng cho khoản này.

VIẾT TRỌNG