Ước vọng về một “bệnh viện đa khoa” cho cây trồng

03:04, 21/04/2011

Hướng phát triển hoạt động của Công ty tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt giống như mô hình một bệnh viện đa khoa về lĩnh vực cây trồng. Đó là ước vọng của Thạc sĩ - kỹ sư sinh học Phan Ngọc Hùng -Giám đốc của một công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mới ra đời được 2 năm tại Đà Lạt.

Hướng phát triển hoạt động của Công ty tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt giống như mô hình một bệnh viện đa khoa về lĩnh vực cây trồng. Hàng ngày nông dân đem mẫu bệnh đến, hoặc các kỹ sư được thiết lập đường dây nóng đến tận vườn nông dân để giải quyết các vấn đề về cây trồng. Đó là ước vọng của Thạc sĩ - kỹ sư sinh học Phan Ngọc Hùng -Giám đốc của một công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mới ra đời được 2 năm tại Đà Lạt.
 
Trong Labo test các bệnh cây trồng cơ bản
Trong Labo test các bệnh cây trồng cơ bản

Tên gọi Công ty tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (viết tắt là ATDC) không có gì đặc biệt, nhưng theo người khai sinh ra nó thì đây là mô hình độc đáo duy nhất trong nước hiện nay với cách làm tăng giá trị cho nông dân từ việc tiếp cận khoa học kỹ thuật một cách trực tiếp, bài bản. Công ty đi sát thực tế nhu cầu của nông dân để tư vấn các vấn đề phát sinh trên đồng ruộng. Chi phí của Công ty những năm đầu là các hoạt động tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, xử lý các bệnh trên cây trồng hoàn toàn miễn phí cho nông dân và thu lại lợi nhuận cũng hoàn toàn từ nông dân. Dịch vụ hoạt động của Công ty là tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tư vấn quy trình kỹ thuật từ khâu xử lý đất, chăm sóc, đến thu hoạch các loại cây trồng chủ lực tại địa phương và xây dựng mô hình sản xuất cây trồng đạt các tiêu chuẩn tốt. Vai trò của kỹ sư giống như bác sĩ - dược sĩ của cây trồng: tư vấn, khám bệnh cho cây trồng, xây dựng Labo để test các bệnh cơ bản, ra toa thuốc (thuốc do công ty cung cấp, hoặc nông dân tự mua nơi khác), chịu trách nhiệm toa thuốc và hướng dẫn quy trình xử lý để nông dân sử dụng thuốc đúng nguyên tắc.  Các kỹ sư của Công ty đi sát nhà nông như là trợ lý cho nhà nông, nhằm giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất canh tác nông nghiệp.

Giai đoạn đầu Công ty hoạt động  theo mục tiêu luôn đồng hành và gắn kết cùng nông dân từ cách làm từng dịch vụ tư vấn gói nhỏ. Hướng lâu dài Công ty kỳ vọng mang đến một nền nông nghiệp an toàn bền vững. Công ty và các nông hộ ký hợp đồng cam kết nhau để tin tưởng và cộng đồng trách nhiệm, tài chính thu được của Công ty dựa trên chất xám của cán bộ kỹ thuật và hiệu quả thực sự khi người nông dân thấy được việc làm tăng giá trị lợi nhuận từ đồng ruộng. Người nông dân chấp nhận chi trả các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tùy thỏa thuận 2 bên, thường thì hợp đồng một gói dịch vụ tư vấn nông dân ký trả trước 70 -80% cho Công ty và còn lại trả sau khi kết thúc mùa vụ.

Khác với cách làm của các nhà kỹ sư nông nghiệp thường thấy ở Đà Lạt và các nơi khác là đầu tư vốn liếng vào sản xuất cây trồng, làm giàu khi đã nắm được công nghệ, kỹ thuật canh tác trong tay, thạc sĩ - kỹ sư Hùng lại biến những kiến thức kinh nghiệm về công nghệ sinh học mà mình có được để thực thi trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ kiến thức trực tiếp với nông dân và cùng hưởng lợi từ hiệu quả canh tác trên đồng ruộng. Đánh giá hiệu quả từ các gói dịch vụ tư vấn cho nhà nông của Công ty đạt trên 90%, còn những rủi ro nếu có được thương lượng giải quyết theo hướng không để nông dân thiệt hại.

Một số dịch vụ mà Công ty đã làm cho nhà nông như: Hệ thống dịch vụ xử lý đất bệnh do ô nhiễm và thoái hóa ở Đà Lạt và Lạc Dương theo hướng sinh học hữu cơ được người nông dân chấp nhận vì đảm bảo an toàn bền vững, giá thành thấp. Công ty tự bỏ kinh phí đào tạo tập huấn cho nông dân, mặc dù hoạt động này ngành khuyến nông làm phổ biến. Công ty phối hợp với các hội nông dân phường, xã tổ chức tập huấn các quy trình kỹ thuật để giúp cho nông dân hiểu sâu về bệnh cây trồng, tư vấn các kỹ thuật canh tác trên rau, hoa, giúp cho người nông dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, an toàn sinh học. Thời gian qua, Công ty đã hợp đồng các gói dịch vụ xử lý đất hơn 50 ha, đã có khoảng 100 hộ nông dân có nhu cầu áp dụng các gói dịch vụ và hàng ngàn nông dân Đà Lạt được tập huấn, tham gia các hội thảo về cây trồng. Các buổi tập huấn do Công ty tổ chức đều có đông nông dân đến dự suốt cả buổi mà không ai bỏ về, bởi cách thức tổ chức học tập kinh nghiệm chăm sóc cây trồng rất hữu ích, thiết thực.

Từ hướng đi này, Công ty đang thực hiện nhiều dự án ở nhiều tỉnh như: Dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Lâm Đồng do Công ty thực hiện “Chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng bó xôi theo hướng an toàn cho vùng đồng bào dân tộc tại Đà Lạt và Lạc Dương” được triển khai từ tháng 3/2011. Có 6 mô hình đã được xây dựng  tại Phường 7 (Đà Lạt), xã Lát và Thị trấn Lạc Dương, đào tạo tập huấn kỹ thuật vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất cho 400 lượt nông dân, tổ chức cho 200 nông dân dự hội thảo đầu bờ. Dự án này còn cam kết giúp đỡ nhà nông trong việc tìm đơn vị thu mua các sản phẩm đến kỳ thu hoạch có chất lượng. Các dự án khác của Công ty đang làm tại Bình Thuận  như: “Ứng dụng trồng cây đậu phụng dại để phủ vườn thanh long thay rơm rạ”, “Chuyển giao công nghệ chế biến bảo quản thức ăn khô cho bò từ phế phẩm nông nghiệp tại một số huyện ở Gia Lai”, và 2 dự án thực hiện tại Bình Định, nơi quê hương của Thạc sĩ -kỹ sư Hùng  là: “Xây dựng và chuyển giao kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên cây điều tại tỉnh Bình Định”, “Xây dựng mô hình cạnh tranh bền vững đạt chứng nhận VietGap đối với cây lúa”.

Một công ty chỉ có 16 người tất cả, có mời đội ngũ chuyên gia, kỹ sư 24 người, trong đó 12 người trong ban cố vấn, còn lại 12 kỹ sư làm việc trực tiếp qua hai năm hoạt động với mô hình độc đáo này lợi nhuận chưa lớn, chỉ mới lấy thu bù chi, doanh thu năm 2010 ước đạt 1 tỷ đồng hoàn toàn từ sự chi trả dịch vụ tư vấn của nhà nông.  Năm nay, tính cả các dự án cạnh tranh nông nghiệp thì ước Công ty sẽ đạt doanh thu 5 tỷ đồng. Thạc sĩ - kỹ sư Hùng tâm sự: “Ý tưởng xây dựng một bệnh viện đa khoa cho cây trồng nảy sinh từ việc tôi được học trong lĩnh vực sinh học, hơn 20 năm đeo đuổi ngành nông nghiệp tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp nông dân, đối tượng khổ nhất hiện nay thay đổi được cuộc sống từ mảnh vườn của mình. Quá trình công tác với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, được tham quan một số mô hình nông nghiệp ở Thái Lan, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn làm ở các trung tâm nghiên cứu giống cây trồng, các cơ quan nông nghiệp của nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài, điều hành công ty nông sản tư nhân, tự mở vườn ươm giống cây trồng, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào có lợi cho nông dân nhiều nhất vì mình xuất thân từ nhà nông và hướng về nông dân làm tăng thêm giá trị và vị thế cho người nông dân”.

DIỆU HIỀN