Đi trong cái nắng vàng như rót mật, chúng tôi đến tỉnh Lâm Đồng. Mảnh đất này được mệnh danh là cao nguyên nắng và gió, nơi có Đà Lạt, thành phố hoa, một thiên đường trên mặt đất. Nhưng sức hấp dẫn không phải chỉ có vậy, Lâm Đồng còn đặc biệt vì sự trù phú của đất đai và những con người chịu thương chịu khó đã làm nên một đời sống sung túc.
Cận cảnh vùng đất, con người
Chúng tôi đến thị trấn Đinh Văn, nơi được coi là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện Lâm Hà. Cả thị trấn có 22 khu phố, trong đó 10 khu phố có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Những thông tin ban đầu thật sự gây ấn tượng với tôi: Thu nhập bình quân đầu người ở đây là gần 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 7%. Ở tận các bản xa xôi như Jioongse, Đạ Ra Măng, Păng Bung, Pót Pe, Kon Tách Đăng, bà con đã được dùng điện lưới quốc gia. Hàng năm 100% trẻ em được đến trường, thị trấn đã hoàn thành việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.
Chị K’Hiếu, Bí thư chi bộ xóm Xoan và các con của những đứa trẻ bỏ rơi được chị đưa về nuôi. |
Bất ngờ hơn khi tôi được biết, người đứng đầu địa bàn trọng điểm này - Bí thư Đảng ủy Thị trấn - lại là một phụ nữ dân tộc K’Ho, chị Ka Pếch. Mang đậm nét khỏe khoắn của vùng Tây Nguyên, chị Ka Pếch cứ mộc mạc nói về vui buồn của nơi này, nhắc đến những khó khăn về trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, những đảng viên đi trước, các cán bộ của thị trấn càng hiểu và có trách nhiệm sâu sát, chăm chút, quan tâm thiết thực đến người dân tộc thiểu số thì mới có thêm được những đảng viên là người dân tộc đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bản thân chị cũng vậy, chị được học bổ túc văn hóa, rồi học quản lý nhà nước, trung cấp chính trị, tại chức Đại học Nông - Lâm để có thể đảm trách được công việc hiện tại. Chị Ka Pếch cho biết: Một trong những cách làm lâu nay của Đảng bộ là thường xuyên tổ chức các phong trào ở cơ sở: Hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng trường học, giao lưu văn hóa văn nghệ các dân tộc, từ đó phát hiện nhân tố để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Với cách làm đó, trong 5 năm (2005-2010), Đảng bộ đã kết nạp được 57 đảng viên mới, trong đó có 12 người là dân tộc thiểu số. Toàn đảng bộ không còn địa bàn “trắng” đảng viên. Con số trên thật có ý nghĩa vì cả quãng thời gian 30 năm trước đó (1975-2005), Đinh Văn chỉ kết nạp được có 19 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đảng bộ Thị trấn đã đặt ra cho mình trọng trách khá nặng: Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; kết nạp trên 50 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số. Điều đó đã thể hiện quyết tâm cao của nữ Bí thư Đảng ủy Thị trấn vừa bước vào tuổi 41 này.
Tạm biệt chị Ka Pếch, chúng tôi đến thăm xóm Xoan, Bí thư chi bộ ở đây cũng là phụ nữ - chị Ka Hiếu. Nụ cười hồn hậu mừng rỡ, chị bê ngay ché rượu đặt giữa nhà, cả khách và chủ nhấp môi trước khi vào chuyện. Trên tường nhà chị Ka Hiếu treo kín giấy khen, bằng khen. Treo cao nhất, mới nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng chị năm 2010 do có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hỏi ra mới biết, con người giản dị ngồi trước mặt tôi đây có trái tim thật nhân ái: Khi chưa xây dựng gia đình, chị đã một mình nuôi 4 người con của anh chị mình không may qua đời. Rồi khi lấy chồng, vợ chồng chị lại tiếp tục nuôi thêm 4 trẻ nữa. Những sơ sinh đỏ hỏn bị bỏ rơi ở trạm xá được chị bọc trong vạt áo mang về nuôi.
- Đêm không biết ngủ, ngày không biết ăn, mình và chồng cứ làm rẫy nuôi con vậy thôi, mấy chục mùa mưa nắng, giờ mình có 12 cháu ngoại rồi đấy. Các con mình đều được đi học, cao nhất là học đến cấp 3. Đứa nào ra ở riêng cũng được vợ chồng mình cấp cho 3 sào ruộng, 3 sào cà phê, không đứa nào chịu làm hộ nghèo đâu nhà báo ạ…
Cứ thô mộc, thủ thỉ như tiếng cây tiếng lá trên rừng, người phụ nữ 53 tuổi tóc đã bạc, cười tít đuôi mắt chân chim bảo:
- Mình mê Đảng ghê lắm, đi họp được vận động, được tuyên truyền mình thích vào Đảng quá. Nhưng mình không được học nhiều, chưa đủ tiêu chuẩn vào Đảng, các anh chị cấp trên giúp ghê lắm đấy, cho đi học này, về làm y tá này, rồi kết nạp Đảng năm 2005 thôi. Nhà báo hỏi phương pháp lãnh đạo quần chúng ư? Bà con ở đây không muốn nghe nói nhiều đâu, mà họ nhìn mình làm à, cứ làm rồi mọi người sẽ theo thôi. Như cái chuyện đưa dự án trâu vào xóm, mình xung phong tham gia trước, mọi người khác theo. Rồi dự án mở đường à, lúc đầu chả ai hiến đất, mình cứ nói nhỏ nhỏ với họ về lợi ích, về tương lai, nói miết, hết sáng đến trưa, đến từng nhà để nói, rồi mình hiến đất trước, gần 1000 mét vuông à, dần dần tất cả đều hiến. Chuyện làm nhà văn hóa cũng thế, mình đóng góp trước gấp đôi số tiền quy định, mọi người đóng theo liền à, giờ thì xóm mình có nhà văn hóa rồi…
Cách làm việc của chị Ka Hiếu chỉ giản dị thế thôi, vậy mà kết quả rất lớn. Chục năm về trước, các tập tục về ma chay, cưới hỏi của địa bàn có 527 người, chỉ có 30 người Kinh này khá nặng nề; chuyện ăn ở hợp vệ sinh, sinh đẻ kế hoạch, cho con em đi học là những hạn chế chủ yếu nay đã được giải quyết hầu hết. Bà con tin vào các đảng viên của Chi bộ, nhất là Bí thư Ka Hiếu. Cứ miệng nói tay làm, thủ thỉ nhẹ nhàng vậy mà Chi bộ là chỗ dựa vững chắc cho Đảng bộ thị trấn, là điểm sáng của huyện ủy Lâm Hà.
Trung cảnh về chính sách cán bộ
2 nữ bí thư tôi đề cập đến ở trên cũng như nhiều người khác nữa đã chứng minh vai trò hạt nhân ở cơ sở, tầm ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng của vai trò cá nhân. Đó cũng là thực tiễn khẳng định rằng cần có cơ chế, chính sách đặc biệt mới có thể xây dựng thực lực cách mạng cho vùng đồng bào dân tộc.
16 xã, thị trấn của huyện Lâm Hà là nơi hội tụ của cư dân làm kinh tế mới của Hà Nội và 5 xã của huyện Đức Trọng, đội ngũ cán bộ vì vậy cũng hình thành từ nhiều nguồn, phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nên chưa đủ khả năng giải quyết những vấn đề phát sinh trong nội bộ quần chúng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Diện mạo cán bộ của toàn huyện trước năm 2008 có thể khái quát như sau: Độ tuổi của 166 cán bộ chuyên trách là từ 36 đến 55; có 73 người chưa tốt nghiệp THPT, 101 người chưa qua đào tạo chuyên môn, 49 người chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Trong 131 công chức thì có 41 người bố trí chưa phù hợp với chuyên môn. 229 cán bộ không chuyên trách có đến 113 người chưa tốt nghiệp THPT, 177 người chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, 181 người chưa qua đào tạo lý luận chính trị...
Từ thực tế đó, từ năm 2008, huyện ủy Lâm Hà đã thực hiện Đề án xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ hệ thống chính trị ở cơ sở. Cái đích nhằm tới là đến năm 2010 có trên 90% cán bộ chuyên trách xã, thị trấn là người Kinh có trình độ văn hóa THPT hoặc tương đương, 100% cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ THCS trở lên; 100% chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng phó xã đội, công an, trung đội trưởng dân quân cơ động là đảng viên; trên 50% cán bộ người Kinh ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phải nói, nghe được tiếng dân tộc địa phương.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, mấu chốt là thực hiện chính sách. Đồng chí Hà Văn Thuận, Trưởng ban Tổ chức huyện ủy cho biết, Lâm Hà là địa phương duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được Tỉnh ủy cho mở 5 điểm trường, dành ngân sách khoảng 400 triệu đồng/năm để dạy bổ túc văn hóa cấp 2,3, mỗi năm đào tạo từ 350 đến 400 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc mở lớp này xuất phát từ yêu cầu của riêng Lâm Hà: Người được xét kết nạp đảng ít nhất phải tốt nghiệp THPT đối với người Kinh và THCS đối với người dân tộc thiểu số. Phương pháp của chúng tôi là “đóng cửa này, mở cửa kia”, nghĩa là yêu cầu cao để tăng cường chất lượng đảng viên nhưng tạo điều kiện cho mọi người được đi học. Không chỉ mở các lớp bổ túc văn hóa, toàn huyện còn mở 3 lớp trung cấp (nông nghiệp, hành chính, chính trị) cho gần 300 người theo học. Anh Thuận cho biết thêm: Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi có quy định, không trưởng thì phó, lãnh đạo ở đây phải là người dân tộc thiểu số. Điều anh Thuận nói được minh chứng khi chúng tôi đến xã Đạ Đờn, Bí thư Đảng ủy là ông K’ Rong, Chủ tịch UBND xã là người Kinh. Đây là vùng đồng bào gốc Tây Nguyên chiếm gần 40%. Như ông K’Rong nhận xét: Nhận thức của bà con ở đây đã cao rồi, không còn trông chờ Nhà nước như trước nữa. Khi đời sống sung túc hơn, mọi người đã tự đóng góp làm các công trình công cộng phục vụ cho chính bản thân mình. Năm qua bà con đã góp được 2 tỷ đồng để làm cầu qua sông Đạ Đờn. 7/7 xóm có đông đồng bào người dân tộc của xã đều có bí thư Chi bộ hoặc trưởng thôn là người dân tộc, cả 7 xóm đều đạt thôn, bản văn hóa.
Toàn cảnh hướng đột phá đổi mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nói đến Lâm Đồng là nói về một nơi có thiên nhiên đẹp, đất đai màu mỡ, phù hợp với phát triển cây hoa, chè, cà phê, rau màu. Vì vậy, mức thu nhập bình quân của hơn 1,2 triệu dân ở đây khá cao so với toàn quốc: 19 triệu đồng/người/năm, (gấp 2,8 lần so với năm 2005) tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số 20%. Con số về xây dựng Đảng của tỉnh cũng khá ấn tượng: Nhiệm kỳ 2006-2010 qua, bình quân hàng năm kết nạp được 1.718 đảng viên. Hiện nay, có 1.097 thôn, khu phố có tổ chức cơ sở đảng, chiếm 86,3%; thu hẹp được 191 thôn, khu phố chưa có tổ chức đảng và 31 thôn, khu phố chưa có đảng viên (chỉ còn 4 thôn chưa có đảng viên). Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015 là thu nhập bình quân từ 39 - 40triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 15%. Mỗi năm kết nạp từ 1750 đảng viên trở lên…
Một trong những giải pháp tiếp tục được duy trì để đạt được mục tiêu trên là đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; thực hiện tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ đáp ứng nhu cầu địa phương. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đối với người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, trong đó chú ý người dân tộc gốc Tây Nguyên, coi đó là hướng đột phá trong đầu tư toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nói vĩ mô là vậy, nhưng những việc làm thì hết sức cụ thể, điển hình như tại đảng bộ huyện Lâm Hà đang được Tỉnh ủy Lâm Đồng triển khai thực hiện ngay sau đại hội nhiệm kỳ IX tổ chức thành công.