10 năm triển khai chiến lược phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

02:05, 10/05/2011

Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống trẻ em trong những năm qua đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với những hoạt động thiết thực, nên tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện rõ rệt và đó cũng là kết quả của sự phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống trẻ em trong những năm qua đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với những hoạt động thiết thực, nên tình trạng dinh dưỡng của trẻ em đã được cải thiện rõ rệt và đó cũng là kết quả của sự phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội. Đặc biệt là với sự nỗ lực của ngành Y tế, các hoạt động của chương trình luôn được củng cố và người dân dần dần nâng cao được nhận thức trong việc nuôi con theo khoa học, nên suy dinh dưỡng trẻ em Lâm Đồng từng bước được đẩy lùi.
 
Múa hát của các cháu mầm non tư thục - Đà Lạt. Ảnh Thanh Toàn
Múa hát của các cháu mầm non tư thục - Đà Lạt. Ảnh Thanh Toàn

Công tác truyền thông giáo dục về chương trình phòng chống suy dinh dưỡng dưới nhiều hình thức ngày càng phong phú và đa dạng, các chương trình truyền thanh, truyền hình được phát rộng rãi đến các vùng sâu, vùng xa trong các ngày vận động nuôi con bằng sữa mẹ, ngày vi chất dinh dưỡng, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển… Hệ thống triển khai chương trình phòng chống suy dinh dưỡng đã bao phủ trên 100% số xã, phường, số cộng tác viên dinh dưỡng ngày càng nhiều và đã phủ kín đến từng thôn bản, hiện nay đã có 1.391 cộng tác viên dinh dưỡng /1.276 thôn; trong đó, y tế thôn bản chiếm 914 người.

Cách đây 10 năm, toàn tỉnh có 78 xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi  từ 20 % -  30%,  có 9 xã có tỉ lệ SDDTE hơn 30%. Nhưng đến năm 2010  đã có 19 xã có tỉ lệ SDDTE từ 20% - 30%, chỉ còn lại 3 xã có tỉ lệ SDDTE hơn 30%. Từ năm 2001 cả tỉnh còn 8 huyện có tỷ lệ suy dinh dưỡng từ 20% - 30%, nhưng đến 2010 chỉ còn 2 huyện có tỉ lệ SDDTE trên 20%. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng hàng năm thì  tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh Lâm Đồng năm 2001 là 29% và đến 2010 hạ xuống còn 16,5% (tính cân nặng/tuổi). Tỉnh Lâm Đồng được Viện Dinh dưỡng đáng giá là một trong những tỉnh hạ nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em toàn quốc năm 2010 là 17.5%); trong chiến lược phòng chống suy dinh dưỡng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là 18%, như vậy kết quả giảm nhanh hơn chỉ tiêu chiến lược đề ra.
     
Những con số trên là sự thành công đáng kể trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng của các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn còn ở mức cao. Hiện nay có 3 xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao hơn 30% (huyện Lạc Dương có: xã Đạ Nhim: 31,22%, xã Đạ Chais: 39,8%, huyện Đam Rông có xã Đạ Mrông: 31,43%) và đang đứng trước một số thách thức không nhỏ như: Tình trạng kinh tế còn thấp kém, thiếu an ninh thực phẩm và thiếu điều kiện chăm sóc bà mẹ trẻ em cũng được ghi nhận tại các vùng này; việc thay đổi hành vi nuôi dưỡng trẻ đòi hỏi thời gian lâu dài và cần truyền thông giáo dục, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng bằng nhiều giải pháp trong khi đó chưa có chính sách đãi ngộ với mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng trong cộng đồng nhưng vai trò của họ lại ảnh hưởng rất lớn đến chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.       
 
Mặc dù hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tại địa phương đạt thấp hơn so với chỉ tiêu của chiến lược đề ra nhưng việc duy trì thành quả là hết sức quan trọng. Ngành Y tế không chủ quan mà luôn củng cố các hoạt động của chương trình từ tỉnh đến cơ sở và luôn quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng trong cộng đồng. Hàng năm đội ngũ này được tập huấn, cập nhật thông tin về chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, hàng tháng, hàng quý và trong năm đã cân trẻ, chấm biểu đồ suy dinh dưỡng giúp cho chương trình có số liệu trẻ bị suy dinh dưỡng trong cộng đồng để có kế hoạch phục hồi dinh dưỡng, làm tốt công tác truyền thông cho những gia đình có con suy dinh dưỡng và cho cả cộng đồng.
BS Cao Thị Thu ba (Giám đốc Trung tâm  CSSKSS Lâm Đồng)