Chỉ mới học hết lớp một và phải nếm trải đủ nỗi đắng cay do phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ, nhưng anh đã đứng lên một cách mạnh mẽ để đến hôm nay có một cơ nghiệp hàng tỷ đồng.
Cuộc đời của Tuân giống như một câu chuyện cổ tích: mẹ mất lúc 3 tuổi, Tuân nếm đủ nhiều nỗi đắng cay. Học mới hết lớp một, Tuân phải bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình. Lớn lên, Tuân bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Có lúc tưởng chừng gục ngã trên bước đường mưu sinh nhưng Tuân đã đứng lên một cách mạnh mẽ. Đến hôm nay, Tuân đã có một cơ nghiệp hàng tỷ đồng. Các con của Tuân đều học hành đến nơi đến chốn. Đó chính là câu chuyện của người đàn ông mù chữ - Nguyễn Văn Tuân ở thôn 9 (xã Ninh Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng).
KHỞI NGHIỆP TỪ CON SỐ KHÔNG
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới cất năm 2010 trị giá trên một tỷ đồng, xung quanh là rẫy cà phê bạt ngàn, tươi tốt. Các tiện nghi sinh hoạt trong căn nhà lẫn ngoài sân được bài trí giống dinh thự của một trọc phú. Nhưng ai đâu biết rằng, Tuân khởi nghiệp từ con số không và đổi không ít mồ hôi và công sức mới có được.
Nguyễn Văn Tuân trước căn nhà của mình. |
Năm 1982, Tuân cùng gia đình rời bản quán (Hải Tây, Hải Hậu, Nam Đinh) vào Lâm Đồng lập nghiệp. Ở tuổi 15, Tuân có được vóc dáng và sức khỏe tốt. Ngoài việc khai phá vỡ hoang để trồng bắp, trồng mì, trồng lúa rẫy giúp gia đình đắp đổi qua ngày thì Tuân còn phải đi phát rẫy thuê, xẻ gỗ thuê để kiếm tiền thu nhập thêm. Trên vùng quê mới, mặc dù làm quần quật suốt ngày, nhưng kinh tế gia đình Tuân cũng không khá lên bao nhiêu. Có lẽ do tuổi nhỏ phải gánh chịu nhiều vất vả về thể xác lẫn nỗi đau tinh thần lại thất học nên Tuân thường mặc cảm với mọi người sống xung quanh kể cả những người thân của mình. Năm 1984, Tuân rời gia đình xuống Thành phố Hồ Chí Minh bốc xếp phế liệu. Thấy tính tình của Tuân hiền lành, thật thà lại chăm việc nên vợ chồng ông bà chủ thu mua phế liệu có ý định tìm thầy để bày cái chữ cho anh. “Lúc đó, tôi cũng muốn học lắm nhưng nghĩ mình xuống đây là để kiếm chút vốn rồi về lại Lâm Đồng lập nghiệp nên quyết định không học” - Tuân tâm sự.
Sau một năm làm thuê ở chốn thị thành, Tuân quyết định trở lại Ninh Loan làm kinh tế. Nhưng có lẽ, cuộc đời luôn đưa ra nhưng thử thách với chàng trai trẻ với nhiều nỗi bất hạnh này. Công việc làm ăn không sáng sủa lắm và mãi đến bây giờ anh vẫn rành rọt từng chi tiết lẫn nỗi khiếp đảm: đói rét triền miên và luôn đối mặt với bệnh tật, có những lúc tưởng chừng Tuân không trụ nổi nữa.
Những đêm nằm giữa rừng già vừa đói khát, củ môn, cù mài kiếm cũng không ra để lót dạ, bệnh sốt rét hành hạ, Tuân chậm rãi nói: “Có khi tưởng không qua nổi anh ?. Gia đình đã chuẩn bị hậu sự cho tôi rồi đó”. Thấy không ổn, Tuân quyết định chuyển ra ngoài làm ăn. Nói là chuyển ra ngoài, nhưng thực chất chỗ Tuân ở lúc đó sát bìa rừng và ở sâu nhất so với cư dân ở xã Ninh Loan.
Năm 1987, Tuân lập gia đình với chị Vũ Thị Loan. Nhờ người vợ hậu thuẫn nên Tuân làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm mong cho cuộc sống của hai vợ chồng khá hơn. Anh vừa làm bắp, làm mì trên 3 sào đất, đồng thời khai phá thêm để mở rộng diện tích. Những lúc rỗi việc nhà, Tuân lại đi xẻ gỗ thuê, đào hố cà phê và cuộc sống của gia đình anh từng bước được cải thiện. Khi đất được cải tạo dần nhờ mồ hôi và công sức của đôi vợ chồng trẻ này đổ xuống.
Năm 1991, anh trồng lứa cà phê đầu tiên. Từ 3 sào cà phê ban đầu, đến nay gia đình anh đã có trên 6 ha cà phê. Mùa cà phê vừa rồi, trừ chi phí gia đình anh thu về trên 700 triệu đồng. Ngoài việc trồng cà phê thì anh Tuân còn đầu tư máy sấy cà phê để sấy cà phê cho gia đình mình và bà con trong xã. Khi chúng tôi hỏi: “Anh không biết chữ, biết đếm thì trong công việc làm ăn và kinh doanh có gặp khó khăn không”. Một thoáng bùi ngùi có phần ngại ngùng, Tuân chậm rãi nói: “Tôi chỉ biết tính nhẩm tý ít thôi còn lại nhờ vợ tính dùm”.
Ngoài nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình, Nguyễn Văn Tuân còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. Vợ chồng anh còn bỏ tiền túi đứng ra tổ chức đám cưới cho 4 cặp vợ chồng trẻ xa quê có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, gia đình anh luôn dành một khoản tiền ủng hỗ quỹ người nghèo, bão lụt, xây dựng nhà tình thương, phong trào khuyến học… của xã Ninh Loan.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG MÙ CHỮ VÀ NHỮNG ĐỨA CON HIẾU HỌC
Xin trở lại việc học của Nguyễn Văn Tuân. Do mẹ mất sớm, gia đình đông anh em lại có hoàn cảnh khó khăn. Học hết lớp một thì anh buộc phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình làm kinh tế. Tuân kể: “Tôi cũng muốn được đi học lắm chứ. Những ngày tháng đầu bỏ học tôi buồn lắm! Buồn nhất là lúc mấy đứa bạn cùng lứa đi qua ngõ cứ gọi đi học. Nhiều khi vừa băm rau heo vừa khóc”. Qua tâm sự với anh, chúng tôi cũng hiểu phần nào mà tuổi thơ của anh phải gánh chịu. Đáng lẽ ở cái tuổi đó anh phải được cắp sách đến trường như biết bao đứa bạn cùng lứa. Cái thiệt thòi không biết chữ đã đem lại cho anh không biết bao hễ lụy, tủi nhục và đeo đẳng suốt cuộc đời. Tuân kể: “Trước đây tôi đi vay vốn ngân hàng khổ lắm các anh ạ. Phải dùng ngón tay điểm chỉ. Sau nay, anh trai bày cho chữ “Tuân” để tôi ký vào sổ sách giấy tờ đó. Còn liên quan đến tiền bạc thì có vợ tính giùm cho. Có nhiều lúc, một số người nhìn tôi với con mắt khinh bỉ hay thương hại mình mù chữ thì tôi buồn lắm”. Tuân tiếp lời: “Nhà tôi hiện tại kinh tế cũng khá nhưng muốn làm ăn lớn cũng khó vì không biết tính toán. Nói là vợ biết tính toán nhưng mới học đến lớp 5 nên tôi quyết tâm phải đầu tư cho các con ăn học”.
Từ nhỏ đến lớn Tuân đã quá hiểu rằng việc mình thất học là một thiệt thòi lớn nên anh quyết tâm đầu tư cho các con theo học đến cùng. Do mù chữ nên Tuân lựa chọn cho mình một cách dạy riêng. Anh nhờ thầy cô giáo và những người xung quanh kiểm tra bài vở cho con. Đứa nào được điểm yếu, hay không chịu học thì bắt quốc vườn, tưới cà phê. Nhờ sự “kiểm tra” nghiêm ngặt và bằng sự quan tâm, tình thương yêu của bố mẹ, nên những đứa con của anh chị rất chăm chỉ học hành. Đứa con gái đầu Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1988) vừa học xong Đại học, ngành kiểm toán nhà nước ở tỉnh Đồng Nai. Ba đứa con còn lại là Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Tấn đã và đang học trường THPT Đà Loan (Đức Trọng, Lâm Đồng).
Qua câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Văn Tuân thật là cảm phục. Bằng ý chí, nghị lực và niềm tin cuộc sống nên anh đã vượt qua tất cả. “Đến giờ này, tôi đã có các con tính toán giúp cho mình rồi. Một vài năm nữa, tôi có thể mở rộng và đầu tư làm ăn to hơn”. Tuân cười rung rung đôi gò má, trên khuôn mặt nâu sạm khi nói điều này với chúng tôi.
THẾ HẠNH