Ở đâu trên dốc núi mờ sương người ta cũng bắt gặp những vầng hoa mang màu nhung nhớ mỗi độ chào xuân. Nhưng để có được những tán anh đào đẹp mơ màng ấy là công sức của không ít người đang lặng thầm làm công việc nhân giống
Mai anh đào, loài hoa đặc trưng của phố núi Đà Lạt luôn quyến rũ lòng người bởi sắc tím hồng miên man mỗi độ chào xuân. Ở đâu trên dốc núi mờ sương người ta cũng bắt gặp những vầng hoa mang màu nhung nhớ. Nhưng để có được những tán anh đào đẹp mơ màng ấy là công sức của không ít người đang lặng thầm làm công việc nhân giống mai anh đào, một việc tưởng dễ mà hoá ra không ít khó khăn.
|
Cây mai anh đào 1 năm tuổi chuẩn bị đưa ra đường phố. |
Sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, khi những tán hoa rụng hết thì cây mai anh đào kết trái, những chùm trái sai trĩu trịt màu tím đen đậu đầy cành. Nhưng dù kết trái rất sai, điều kỳ lạ là rất ít có cây con tái sinh tự nhiên bên cạnh cây mẹ. Điều thắc mắc này đã được giải đáp khi chúng tôi tới tìm hiểu kỹ thuật trồng mai anh đào tại tổ sản xuất cây xanh thuộc Đội công viên cây xanh, C.ty quản lý công trình đô thị thành phố Đà Lạt. Anh Đinh Xuân Diệp, cán bộ kỹ thuật khẳng định:“Cây mai anh đào nếu để tái sinh bằng phương pháp tự nhiên thì chỉ đạt độ 1-2%, tỷ lệ nảy mầm không đáng kể. Trong khi chúng tôi được thành phố giao chỉ tiêu mỗi năm phải sản xuất 10 ngàn cây anh đào đủ chuẩn trồng đường phố nên đã phải mày mò, tìm kiếm và hiện đã có quy trình trồng mai anh đào có tỷ lệ nảy mầm cao hơn nhiều”. Mà khó khăn ở chỗ mai anh đào là loài cây mới chỉ thấy nở hoa kết trái tại Đà Lạt, chưa thấy nơi nào trồng nên cũng không có kỹ thuật chuẩn nhân giống. Chính vì vậy, cán bộ kỹ thuật của công ty phải mày mò tự tìm kiếm cách nhân giống. Việc đầu tiên là công nhân của tổ luôn chờ mỗi dịp anh đào kết trái là đi thu lượm hạt. Anh Phạm Tấn Dũng, người thường làm công việc thu trái kể: “Khi nào mai anh đào chín rộ, chúng tôi đi thu hoạch với yêu cầu là trái chín đen, hái càng nhiều càng tốt”. Sau đó, trái được chà lấy hạt, rửa sạch và phơi khô. Sau đó là quy trình quan trọng nhất, ủ để giúp hạt nảy mầm. Hạt mai anh đào được ủ trong liếp với giá thể đất sạch pha cát, trên phủ bao bố dày và được tưới nước hàng ngày để đảm bảo độ ẩm cần thiết. Sau 30 ngày, những vỏ hạt cứng được tách ra làm đôi, hạt anh đào nảy lên một chiếc mầm xinh xinh. Hoá ra, chiếc vỏ cứng ấy giúp bảo vệ nhân hạt nhưng cũng ngăn cản hạt nảy mầm tự nhiên. Những hạt này không nảy mầm đồng loạt mà tuỳ độ khoẻ của hạt sẽ nảy mầm trước hay sau nên cứ mầm nào nứt trước sẽ được gieo xuống đất trước.
Sau khi nảy mầm, công nhân trộn giá thể dồn vào bao để gieo những chiếc mầm xuống. Giá thể trộn gồm phân bò, trấu đốt và xơ dừa trộn chung với đất sạch dùng để nuôi dưỡng những mầm anh đào trong suốt 1 năm. Thời điểm mới chuyển mầm vào túi, phải dùng cây dương xỉ cắm vào để giữ ẩm và tránh nắng cho mầm và tưới nước đều đặn. Trong 6 tháng đầu, cây được chăm sóc kỹ với chế độ tưới nước, bón phân và diệt trừ sâu bệnh hại. Tuy nhiên, sau đó cây mai anh đào được chuyển ra một khu riêng và không có chế độ chăm sóc, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết bên ngoài vì theo anh Diệp, vì cây sẽ sống ngoài trời nên không chăm sóc sẽ giúp cây tự phát triển, giúp cây khoẻ và dễ thích ứng với đời sống của cây đường phố. Từ khi ủ cho hạt nảy mầm tới khi cây cao 1,5 m, đủ chuẩn ra trồng đường phố mất thời gian 1 năm. Cây mai anh đào đủ chuẩn này sau khi được trồng ra đường phố sau 1 năm là có thể ra hoa lần đầu và phát triển rất nhanh.
Thành phố Đà Lạt luôn có vẻ đẹp đặc biệt, làm say mê long người khi khắp phố rực rỡ mai anh đào nở rộ. Nhưng đằng sau màu hoa ấy là công sức của không ít những con người thầm lặng đang ngày ngày chăm chút từng chiếc mầm hoa non nớt.
Diệp Quỳnh