Đào tạo các ngành khoa học xã hội nhân văn - nỗi lo và thách thức

03:05, 25/05/2011

Trong Đề án 928, có tên gọi là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội, tổng kết thực tiễn xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Sinh viên Đà lạt. Ảnh: N.M
Sinh viên Đà lạt. Ảnh: N.M
Trong Đề án 928, có tên gọi là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội, tổng kết thực tiễn xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã nhấn mạnh “Khoa học xã hội đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp những luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết là đổi mới tư duy lý luận trên tất cả các lĩnh vực cơ bản của sự phát triển, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, đồng thời trực tiếp đề xuất, kiến nghị và tham gia xây dựng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.   

Từ vai trò và thực trạng

Nghị quyết Hội nghị lần thứ II Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhiệm vụ đến năm 2000 cũng đã tổng kết rằng: “Khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Các vấn đề về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, văn hoá và phát triển... cũng đã được nghiên cứu sâu hơn. Việc nghiên cứu các di sản lịch sử, văn hoá, văn  minh và con người Việt Nam tiếp tục có những phát hiện mới. Việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam đã đạt một số kết quả. Nhiều kết luận khoa học đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới”.

Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá rất cao vai trò của khoa học xã hội như vậy, thế nhưng theo một số thông tin mà báo chí đã đăng gần đây cho thấy, một hiện tượng đáng buồn khi đào tạo các ngành khoa học xã hội, nhiều trường học không có học sinh theo học, nhiều ngành học mở ra mà không có học sinh đăng kí dự thi. Thực trạng này đáng được báo động khi hiện tượng chạy trước đón đầu của một số ngành học, tâm lý của cha mẹ học sinh và xã hội khi định hướng chọn trường, chọn ngành học để khi ra trường còn kiếm được việc làm.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các khối ngành khoa học xã hội đang được Đại học Đà Lạt và trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo và hàng năm cung cấp hàng ngàn các cử nhân khoa học xã hội cho Tỉnh và khu vực Miền Trung. Song năm nay theo thống kê chưa được đầy đủ, hiện tại Đại học Đà Lạt mới chỉ nhận được hơn 2000 hồ sơ đăng kí dự thi vào các ngành khoa học xã hội như: Ngữ văn, Việt Nam học, Văn hóa học, Lịch sử, Luật học, Xã hội học & Công tác xã hội, Du lịch. Đây là con số báo động và là nỗi lo cho khoa học xã hội trong thời gian sắp tới. Bởi cứ tình trạng năm sau lại ít người học hơn năm trước và nỗi lo công việc sau khi ra trường sẽ khiến cho nhiều ngành không còn sinh viên theo học. Đây cũng là nỗi lo chung cho nguồn nhân lực trong tỉnh, khi mà sinh viên không mặn mà với khoa học xã hội nữa.

Đến nguyên nhân của việc mất cân đối giữa đào tạo các ngành khoa học tự nhiên và xã hội

Xuất phát điểm của vấn đề này bao gồm những nguyên nhân sau: Thứ nhất, việc chọn ngành học, chọn khối thi, sẽ ảnh hưởng đến vấn đề việc làm sau khi ra trường, thu nhập như thế nào, có đủ mức sống hay không, có xin được việc hay không,… đang là vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định nghiên cứu khoa học xã hội. Thứ hai là tâm lý của học sinh không xem trọng các ngành khoa học xã hội vì theo một số học sinh, không học được các môn tự nhiên nên đành phải theo các môn khoa học xã hội. Nguyên nhân thứ ba khiến cho học sinh không mặn mà với việc học khoa học xã hội là do nhu cầu việc làm không nhiều, đặc biệt là nhiều chuyên ngành khoa học xã hội chỉ xin vào cơ quan nhà nước thì mới có việc làm, như các sở văn hóa, các bảo tàng, các tòa soạn báo, các viện nghiên cứu,… nhưng để có một chỗ đứng trong các cơ quan này không phải là việc dễ.

Đào tạo khoa học xã hội  nên chăng cần đến một cú hích
   
Có lẽ nên chăng để tìm đầu ra cho việc nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ cần nhiều đến các cơ quan trong tỉnh cùng tham gia. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tâm huyết với nghề, tâm huyết nghiên cứu khoa học có đầy đủ kỹ năng để làm việc, các cơ quan nên có những chính sách tiếp nhận nguồn nhân lực sau khi ra trường, như vậy việc đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học xã hội sẽ không bị cắt đứt. Để tránh tình trạng một vài năm tới khi nhu cầu cần mà không có nhân lực làm việc, trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII năm 2008 về khoa học và công nghệ của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã chỉ rõ: Trong khoa học xã hội và nhân văn, thị trường không giống như trong khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam luôn kiến nghị với Nhà nước xây dựng cơ chế: Người giao nhiệm vụ đồng thời phải là người sử dụng sản phẩm khoa học xã hội; trên cơ sở đó, các kết quả nghiên cứu được góp phần tham gia trực tiếp vào việc hoạch định đường lối, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Đồng thời thực hiện cơ chế yêu cầu các ngành, doanh nghiệp dành phần kinh phí thích đáng cho khoa học xã hội nghiên cứu, phản biện các đề án phát triển kinh tế - xã hội của ngành và doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Thực hiện những yêu cầu trên là tạo điều kiện phát triển tốt nhất thị trường khoa học xã hội và nhân văn. Đương nhiên, muốn có thị trường ổn định và không ngừng mở rộng, bản thân các ngành khoa học xã hội và nhân văn phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Điều đó đòi hỏi các ngành khoa học xã hội phải phát huy cao độ các tiềm lực vốn có, phát triển mạnh đội ngũ cán bộ có trình độ cao và hệ thống đồng bộ các tổ chức nghiên cứu đa ngành và chuyên ngành, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước để phát triển khoa học.
   
Theo tinh thần báo cáo này, nên chăng tỉnh Lâm Đồng cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc định hướng cho nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học, đặt hàng các đề tài nghiên cứu, để từ đó hoạch định những đường lối chính sách cho tỉnh, để sau một vài năm tới tình trạng người học khoa học xã hội nhân văn sẽ không còn ảm đạm như bây giờ.

Nguyễn Huy Khuyến