Tập thể Hội LHPN Đạ Tẻh và cá nhân chị Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Hội LHPN của huyện đã được Hội LHPN Lâm Đồng và Sở Lao động-TBXH tỉnh khen thưởng là điển hình tổ chức thực hiện tốt chương trình phối hợp hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm trong 5 năm qua.
56% dân số Đạ Tẻh trong độ tuổi lao động, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Do hoạt động dịch vụ và các ngành nghề khác ở khu vực nông thôn Đạ Tẻh chậm phát triển, nên giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong những lúc nông nhàn ngoài mùa vụ là việc hết sức cần thiết để tăng thu nhập và ổn định đời sống dân cư. Kết quả khảo sát trước khi triển khai chương trình phối hợp hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm ở Đạ Tẻh cách đây 5 năm, cho thấy: tỉ lệ lao động có việc làm và kỹ năng nghề nghiệp chỉ chiếm trên 20%, còn lại gần 80% số lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ kỹ thuật chuyên môn, tay nghề. Cách làm của bà con trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo cách truyền thống, vì vậy hiệu quả canh tác chưa cao. Lao động nữ trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, ngoài mùa vụ ít có việc làm thường xuyên, ổn định, do đó thu nhập của chị em còn thấp hoặc không có thêm thu nhập. Từ thực trạng đó, Hội LHPN Đạ Tẻh đã chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của phụ nữ và phối hợp với Phòng Lao động - TBXH huyện tổ chức dạy nghề và vận động phụ nữ tham gia học nghề tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Việc làm trước tiên là tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ, đào tạo nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức về ích lợi của việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác trong xã hội. Trong 5 năm qua, có 1.716 lao động nữ ở Đạ Tẻh được tư vấn, giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trong huyện và tại Đà Lạt, Đạ Huoai, Bình Dương, Đồng Nai. Hội LHPN huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho chị em vay vốn 120 (vốn giải quyết việc làm) với số tiền gần 4 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 440 lao động nữ nhàn rỗi, lao động theo mùa vụ.
Một số nghề phù hợp với lao động nữ nông thôn như chăm sóc, theo dõi sức khỏe vật nuôi, may công nghiệp, trồng nấm, mây tre đan, dệt thổ cẩm… Hội phụ nữ huyện đã vận động hội viên tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật viên thú y, có 12 chị tham gia lớp học này và đã học được thêm một nghề mới ngoài nghề làm ruộng thuần túy. 72 phụ nữ tham gia 2 lớp học nghề may công nghiệp tại địa phương, trong đó có 38 chị dân tộc thiểu số, khi học xong có 40 chị có việc làm ổn định tại Công ty Công Việt Tiến -Tp.HCM. Nghề trồng nấm mèo tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tăng thu nhập gia đình cũng đã hấp dẫn một số chị em phụ nữ tham gia học tập các kỹ thuật làm nấm và đang trồng thử nghiệm tại hộ gia đình.
Chị Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Hội LHPN Đạ Tẻh cho biết: Trong số các nghề nông thôn dạy cho phụ nữ nổi bật nhất là nghề mây tre đan xuất khẩu đã thu hút số đông phụ nữ Đạ Tẻh theo học và làm nghề thành thục. Trong 5 năm, tổ chức Hội Phụ nữ phối hợp với Phòng Lao động - TBXH huyện mở 33 lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu cho 1.087 học viên là phụ nữ. Sau 3 tháng học nghề, chị em đã có thêm việc làm lúc nông nhàn, nhiều chị đã có thu nhập ổn định từ 700 ngàn - 1,5 triệu đồng/tháng. Có nghề trong tay, các bà mẹ dạy lại cho con cái trong gia đình làm thêm tăng thu nhập đáng kể, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương. Nghề phù hợp với phụ nữ dân tộc thiểu số là phát huy nghề dệt thổ cẩm vừa giữ gìn nghề truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc vừa tạo thêm việc làm tăng thu nhập. Hiện nay đã có gần 20 chị duy trì nghề truyền thống này một cách thường xuyên liên tục tại gia đình và thu nhập thêm từ 300 ngàn - 1 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ chú trọng vận động phụ nữ nông thôn đi xuất khẩu lao động, tổ chức tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin, cấp phát tờ rơi đến các hội viên phụ nữ các xã, thị trấn và đã có 15 nữ đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện còn vận động 4.530 lượt chi em tham gia các lớp học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế tăng hiệu quả sản xuất trên cây trồng, vật nuôi.
Để góp phần thực hiện tốt việc đào tạo nghề, tạo việc làm, Hội Phụ nữ triển khai mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ 42 tỷ đồng với 3.590 hộ vay. Trong đó có 1.121 hộ có hội viên phụ nữ nghèo và 291 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giải quyết vay vốn. Đồng thời, xây dựng 155 tổ tiết kiệm trong hội viên phụ nữ, giúp nhau hơn 900 triệu đồng hỗ trợ sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Hội viên phụ nữ xây dựng quỹ “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” tại các cơ sở huy động gần 100 triệu đồng giúp cho 127 hội viên nghèo, khó khăn có điều kiện sản xuất và tạo việc làm. Hội viên phụ nữ còn đóng góp 34 triệu đồng xây dựng “Mái ấm tình thương” giúp sửa chữa 12 căn nhà cho phụ nữ nghèo.
Công tác phối hợp dạy nghề cho phụ nữ Đạ Tẻh đã được chú trọng, được đánh giá là mô hình tốt, nhưng do đặc điểm của huyện thuần nông, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, nên cơ hội có việc làm thường xuyên cho phụ nữ sau học nghề và đầu ra sản phẩm còn khó khăn. Vì vậy, vẫn còn tình trạng thiếu việc làm ổn định cho lao động nữ nông thôn. Hy vọng chương trình phối hợp dạy nghề tạo việc làm cho phụ nữ Đạ Tẻh trong 5 năm tới sẽ giải quyết được khó khăn này.