Để có bữa cơm trưa cho học sinh

02:05, 08/05/2011

Toàn tỉnh hiện nay có trên 114 nghìn học sinh ở bậc tiểu học, không ít trong số này đang theo học ở những trường áp dụng mô hình bán trú. Ở những trường này, để học sinh được học cả ngày tại trường, nhà trường cần chuẩn bị cho các em  bữa cơm trưa.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 114 nghìn học sinh ở bậc tiểu học, không ít trong số này đang theo học ở những trường áp dụng mô hình bán trú. Ở những trường này, để học sinh được học cả ngày tại trường, nhà trường cần chuẩn bị cho các em  bữa cơm trưa.

Tiểu học Lê Quí Đôn là một trong những điểm trường áp dụng mô hình bán trú cho học sinh rất sớm tại Đà Lạt. Ngay từ năm 1994, trường đã thực hiện chương trình bán trú, lúc đầu chỉ cho khoảng 200 học sinh và mỗi năm số học sinh tăng dần lên. Năm học này Tiểu học Lê Quí Đôn có trên 1.700 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó có đến 35 lớp bán trú với 1.260 học sinh, là một trong những trường tiểu học có lượng học sinh bán trú lớn tại Đà Lạt và của cả tỉnh.
 
Chuẩn bị bữa cơm trưa cho học sinh bán trú trường Lê Quí Đôn
Chuẩn bị bữa cơm trưa cho học sinh bán trú trường Lê Quí Đôn

Theo cô Đặng Thị Ngân, cán bộ phụ trách bán trú của trường, để có một bữa trưa cho cả trên nghìn học sinh như thế theo tiêu chí “không chỉ đủ no mà còn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng cho các em học tập”, nhà trường phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Chẳng hạn, chỉ cho một ngày thôi, về thực phẩm, trường cần một lượng rau 1,2 tạ, gạo khoảng 200 kg, thịt heo trên 90 ký, thịt bò 75 ký, cá thu trên 80 ký, tôm 70 ký, thịt gà 130 kg, rồi xương hầm 40-50 ký… Không phải đi dạo chợ để mua mà tất cả được nhà cung cấp mang đến tận trường theo hợp đồng đúng vào lúc 6 giờ sáng. Thời điểm này, bộ phận nhà bếp trường, gồm 12 nhân viên, 4 cán bộ quản lý, cũng bắt đầu làm việc cho một ngày mới . Đến khoảng 10 giờ sáng tất cả phải được chế biến xong để 10 giờ 30 một nửa học sinh bán trú của trường được phục vụ bữa trưa. Nửa học sinh còn lại sẽ được ăn sau đó nửa tiếng đồng hồ.

Để đảm bảo khẩu phần phù hợp lẫn ngon miệng cho học sinh, theo cô Ngân, nhà trường phải thường xuyên thay đổi món ăn hằng ngày. Mỗi bữa ăn mọi học sinh đều có thịt hay cá, rau, cơm; cuối tuần có “liên hoan” thay cơm bằng phở hay bún đi kèm món tráng miệng.

Một điều ghi nhận, suốt nhiều năm nay nhà trường chưa bao giờ gặp sự cố nào về thực phẩm. “Chúng tôi cũng dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đảm bảo bữa ăn an toàn cho các cháu”. Kinh nghiệm ở đây, theo cô Ngân, là thực phẩm phải đảm bảo, không đảm bảo không nhận. Không chỉ một, mà rất nhiều bộ phận cùng phân công đứng ra nhận hàng mỗi buổi sáng hằng ngày, có sự hiện diện bên bán, bên mua gồm Ban quản lý bán trú, tổ nhà bếp, y tế nhà trường, thanh tra. Thực phẩm nhận vào chế biến phải tươi sống, rau tươi không được dập héo, củ quả vỏ còn nguyên, không trầy xước; cá tôm phải tươi, thịt phải có đóng dấu kiểm định. Nhà trường để có thực phẩm tốt cũng phải “chọn mặt mua hàng”, nhà cung cấp phải là những người có uy tín trong chuyện an toàn thực phẩm, phải có giấy chứng nhận của ngành chức năng cho phép hành nghề…

Chế biến cũng là một khâu không kém phần quan trọng cho một bữa ăn ở trường. Theo cô Ngân, nhà bếp phải thực hiện theo quy trình vòng tròn, từ sống đến chín. Rau phải được ngâm muối từ nửa tiếng đến 1 tiếng, thịt phải chần qua nước sôi trước khi chế biến; nước máy cũng được xử lý qua hệ thống lọc trước khi đưa vào sử dụng. Rồi chén bát cho học sinh ăn không dùng đồ nhựa, được rửa sạch, phơi khô trước khi dùng, học sinh trước khi ăn được yêu cầu phải rửa tay…

Hằng năm, theo định kỳ, bếp ăn nhà trường sẽ được kiểm tra và đánh giá bởi Trung tâm Y tế Đà Lạt và theo Ban giám hiệu, nhà trường luôn tuân thủ triệt để các hướng dẫn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, dù đã 17 năm thực hiện bán trú, cái khó hiện nay của trường vẫn là thiếu thốn cơ sở vật chất. Đến nay trường vẫn chưa có khu bếp chuyên dụng để nấu nướng và bảo quản thực phẩm tốt hơn, hệ thống nhà ăn cho học sinh trông vẫn rất tạm bợ.

Cái khó nhất trong việc áp dụng hệ thống bán trú cho các trường tiểu học, theo ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD- ĐT Lâm Đồng vẫn chính là thiếu thốn về cơ sở vật chất. Bán trú cho đến nay chứng tỏ được rất nhiều ưu điểm, phụ huynh an tâm làm việc, vì học sinh đi học nghỉ trưa , ăn uống sinh hoạt cả ngày ở trường. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng hội đủ điều kiện để tổ chức. Toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 6.000 học sinh tiểu học đang theo chương trình bán trú và con số này vẫn còn khiêm tốn so với con số 114 nghìn học sinh tiểu học hiện nay. Ngành lâu nay vẫn khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường phát triển hệ thống bán trú của mình - ông Long cho biết.

Hiện nay, theo ông Long, bên cạnh việc thúc đẩy xã hội hóa bán trú tại địa phương (như xây phòng nghỉ trưa cho học sinh tiểu học gần trường chẳng hạn), các Phòng Giáo dục huyện thành trong tỉnh nên tham mưu ngành chức năng địa phương gấp rút xây dựng quy chế bán trú tiểu học với những quy định cụ thể. Chẳng hạn cơ sở vật chất ra sao thì mới đủ điều kiện mở bán trú , phòng nghỉ trưa cho học sinh có tỷ lệ diện tích bao nhiêu trên mỗi học sinh, quy định về bếp ăn, về an toàn thực phẩm học đường… Xây dựng quy chế không chỉ để kiểm tra thực hiện, mà còn định hướng các trường vào con đường đầu tư phát triển hệ thống bán trú của mình một cách đúng hướng.

Viết Trọng