Về thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng những ngày sắp kết thúc năm học 2010 - 2011; làm việc với lãnh đạo nhà trường, chúng tôi tiếp nhận một thông tin khá thú vị: có 03 học sinh (HS) gia đình nghèo học chung lớp đều đạt HS giỏi cùng bộ môn Lịch sử…
Cả 3 HS đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đến từ Đức Trọng, Bảo Lâm, Lạc Dương và đều xuất phát từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau được học chung một lớp (12D), cùng dự thi và cùng đạt giải! Đó là Ma Hiêng (người dân tộc Chu Ru) nhà ở xã Tà Năng - Đức Trọng, cô bé có đôi mắt rất đen, to tròn thông minh sắc sảo; Đó là K’Thắng (Dân tộc Mạ), nhà ở xã Lộc Bắc - Bảo Lâm và Đạ K’Riêng Ander (Dân tộc Cill) nhà ở xã Lát - huyện Lạc Dương...
Ma Hiêng - học giỏi đề trả ơn mẹ
Nhà Ma Hiêng có 5 anh em, gia đình đều sống dựa vào nghề nông, cha lại mất sớm nên 2 chị gái phải bỏ học làm ăn và đều đi “bắt chồng”; đứa em kế cũng bỏ học giữa chừng…Ma Hiêng học giỏi nên được mẹ thương “ưu tiên” cho ăn học cao hơn.
Ma Hiêng. |
Ngoài ra, môn Lịch sử Ma Hiêng cũng học rất giỏi. Em được xếp thứ 02 trong đội tuyển HS giỏi môn Lịch sử của Trường Dân tộc Nội trú Lâm Đồng tham dự cuộc thi HS giỏi toàn tỉnh trong năm học 2010 -2011 và Ma Hiêng đã đạt giải Ba trong cuộc thi này. Ma Hiêng tâm sự: em phải học thật giỏi để báo đáp ơn mẹ đã hy sinh cả đời cho gia đình và cho em ăn học…
K’Thắng - học mới thoát được nghèo
Cậu học trò nhút nhát đến từ Bảo Lâm cũng có hoàn cảnh gia đình tương tự. Nhà K’Thắng có 6 anh em và tất cả các anh chị lớn đều bỏ học từ rất sớm để mưu sinh, bắt chồng, lấy vợ.
Thắng là con trai út và nhờ có chí, cần cù, chịu khó và học giỏi nên được gia đình quan tâm cho ăn học tới cùng. Dù không biết nói những lời hoa mỹ, nhưng K’ Thắng nghĩ rất thực bụng và ý thức việc học của mình ngoài sau này có việc làm, bớt khổ cho bản thân, em còn nghĩ việc em học tập thật giỏi cũng vì gia đình, vì cha mẹ mình.
Từ những suy nghĩ hồn nhiên và chín chắn này, liên tục gần 12 năm học từ trường xã, trường huyện đến khi vào Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng đến nay, K’ Thắng luôn đạt HS khá, giỏi. Trong cuộc thi HS giỏi toàn tỉnh vừa qua, K’Thắng cũng đã đạt giải Ba môn Lịch sử lớp 12 (đồng hạng với Ma Hiêng), góp thêm niềm vui, tự hào cho Trường THPT Dân tộc nội trú Lâm Đồng…
Đạ K’Riêng Ander mơ làm hướng dẫn viên du lịch
Đối với cô bé người dân tộc Cill sống dưới chân núi Langbian may mắn được thừa hưởng truyền thống hiếu học từ các anh chị và đức tính “trọng chữ nghĩa” của gia đình. Dù nghèo nhưng cha mẹ Ander rất quan tâm việc học hành, thành đạt của con cái. Cha mẹ em không muốn con cái dốt chữ rồi cứ phải nghèo mà lam lũ ruộng nương như đời ông, đời cha trước đây nên quyết tâm cho con ăn học để mai sau làm cán bộ… Hiện anh trai của Ander đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Y Dược TP. HCM, đứa em kế cũng đang học cấp III…
Suốt những năm học Tiểu học, THCS tại Lạc Dương và hiện nay đang học năm cuối cấp THPT tại Trường Dân tộc Nội trú Tỉnh, Ander luôn được cha mẹ và anh trai quan tâm động viên nên em học rất khá. Trong cuộc thi HS giỏi toàn tỉnh vừa qua, Ander cũng đã đạt giải khuyến khích môn Lịch sử. Dù giải thưởng không cao, nhưng Ander rất tự hào.
Điều đáng nói là, từ giải thưởng này đã làm cho tinh thần tự tin thi đua học tập, rèn luyện của cô hoc trò người Cill này rất phấn chấn. Ander cho biết em sẽ thi vào Đại học và chọn ngành Du lịch để học. Ander bộc bạch suy nghĩ rất thiết thực làm tôi phải ngạc nhiên: em thấy Lạc Dương là vùng đất có tiềm năng về Du lịch đang được khai thác. Em muôn làm một hướng dẫn viên du lịch, hay một cán bộ phụ trách về du lịch trong tương lai…
Vượt qua khó khăn của gia đình, đặc biệt “rào cản” tâm lý ỷ lại, những suy nghĩ mặc cảm, tự ty “cố hữu” để được đi học, học giỏi và hướng tới tương lai tươi sáng bằng con đường học vấn đối với HS dân tộc thiểu số như trường hợp 3 HS này quả là điều đáng mừng.
Hy vọng trong tương lai, Lâm Đồng sẽ có nhiều cử nhân, thạc sĩ, những trí thức trẻ là con em người đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang được bước ra từ những buôn làng dù còn nhiều khó khăn hôm nay…