Khi thầy cô cùng học với học sinh

03:05, 24/05/2011

Đây là năm học đầu tiên Phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện phía nam tại Đạ Tẻh có học sinh thi tốt nghiệp PTTH, nên trường đang chạy nước rút, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho học sinh  của mình trước kỳ thi.

Đây là năm học đầu tiên Phổ thông Dân tộc nội trú liên huyện phía nam tại Đạ Tẻh có học sinh thi tốt nghiệp PTTH, nên trường đang chạy nước rút, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho học sinh  của mình trước kỳ thi.

Sân trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) liên huyện phía nam (dành cho 3 huyện phía nam tỉnh Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên) ngay trung tâm thị trấn Đạ Tẻh những ngày này có vẻ yên tĩnh hơn thường nhật. Tĩnh lặng vì hầu hết học sinh các lớp giữa cấp khi kiểm tra học kỳ có kết quả xong đã về thăm nhà , chỉ còn lại 2 lớp ôn thi chuyển cấp lên lớp 10 và 2 lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT)  sắp đến.
 
Giáo viên trường DTNT liên huyện phía nam đang hướng dẫn học sinh làm bài tập trong giờ ôn tập
Giáo viên trường DTNT liên huyện phía nam đang hướng dẫn học sinh làm bài tập trong giờ ôn tập

Theo ông Huỳnh Văn Phụ, Hiệu trưởng của trường, năm học 2010-2011 này nhà trường có 502 học sinh ở cả 2 cấp trung học cơ sở (THCS) và THPT. trong đó có 87 học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10,  72 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT. Nếu như việc thi tuyển vào lớp 10 nhà trường có vẻ tự tin, vì những năm gần đây học sinh của trường luôn có kết quả khá, tốt thì việc dự thi tốt nghiệp THPT cũng có chút lo lắng. “Đây là lần đầu tiên trường có học sinh dự thi nên chúng tôi phải cố gắng chuẩn bị thật kỹ cho các em trong điều kiện tốt nhất mà trường có được”.

Trong 72 học sinh 12 thi tốt nghiệp đợt này, có 42 học sinh nội trú theo diện chính sách, còn 30 tuyển từ ngoài vào học như học sinh phổ thông bình thường, không ít trong số này là người Kinh. Theo Ban giám hiệu trường. trước đây nhà trường chỉ dành cho học sinh nội trú THCS (cấp 2),  khi lên cấp 3 phải chuyển lên học DTNT tỉnh tại Đà Lạt. Bắt đầu từ năm học 2008-2009, được sự chấp thuận của tỉnh,  trường bắt đầu thu nhận học sinh lớp 10, đến năm học này trường mới có lớp 12. “Ngay từ khi thành lập trường chúng tôi đã có tuyển thêm học sinh ở ngoài, trong đó có học sinh người Kinh xen lẫn vào lớp để các em giao lưu học hỏi lẫn nhau, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn”. Việc xen kẽ học sinh người Kinh và học sinh dân tộc thiểu số ngay từ đầu cấp 2 này, theo ông Phụ đã tạo điều kiện cho việc giao lưu ngôn ngữ (tiếng Việt) các em học sinh dân tộc thiểu số phát triển rất tốt, việc cạnh tranh trong học tập khiến chất lượng học văn hóa các em được nâng lên rõ rệt, các em tự tin hơn trong giao tiếp, các môn học xã hội cũng có những tiến bộ nhất định, nên nhà trường khá tin tưởng các em sẽ làm bài tốt các môn Ngữ văn, Địa lý và Ngoại ngữ trong kỳ thi sắp đến.

Là năm đầu tiên có học sinh thi tốt nghiệp 12, nên ngay từ đầu năm học này, trường đã tổ chức đến 3 hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng cho học sinh lớp 12 DTNT. “Chúng tôi đã tích cực ôn tập cho các em ngay từ đầu năm học để các em nắm chắc từng môn học. Khi biết môn thi chúng tôi tổ chức ôn tập sâu chuẩn bị cho tốt nghiệp ngay. Nhà trường đã có cuộc họp với phụ huynh học sinh lớp 12 để nhờ gia đình giúp đỡ , động viên các em học tập”.

Một giải pháp đang được trường tiến hành và có tác động khá tích cực là phân công giáo viên phụ trách cho từng nhóm học sinh cụ thể, mỗi nhóm 10 học sinh ngay từ lúc mới vào trường và theo suốt những năm học tại trường.  Để chuẩn bị cho kỳ thi, gần 5 giờ sáng, các em được đánh thức , mang vở lên lớp ôn bài với sự hướng dẫn của giáo viên, cả ngày ôn tập phụ đạo tại lớp bình thường, buổi tối các em tiếp tục giờ tự học tại lớp từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 với sự giúp đỡ của giáo viên. Các giáo viên được phân công giúp các em làm bài tập, kiểm tra bài , giải thích những chỗ không hiểu cho các em. “Trường yêu cầu các giáo viên đứng lớp phải đi sát cùng học sinh, cùng học với các em, kịp thời động viên các em khi gặp khó khăn,  có biện pháp cụ thể giúp đỡ những em còn yếu, củng cố kiến thức từng ngày cho các em.” - ông Phụ cho biết.

Cái đích mà trường hướng đến không chỉ là tốt nghiệp THPT. Với sự chuẩn bị tích cực này ông Phụ hy vọng khi các em tốt nghiệp xong còn có thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng trong tháng 7. Việc hướng nghiệp cho học sinh lâu nay được trường hết sức chú trọng. “Với những em học sinh người Kinh học khá thì có thể rộng rãi hơn trong việc chọn trường chọn nghề nhưng với học sinh người dân tộc thiểu số DTNT chúng tôi hướng các em vào những ngành thiết thực, cần thiết tại địa phương như giáo dục  mầm non , tiểu học, cán bộ y tế thôn buôn, thú y, lâm nghiệp, văn hóa văn nghệ… Khi ra trường sau này các em có thể tìm được việc làm ngay tại địa phương của mình, giúp đỡ buôn làng phát triển” - ông Phụ cho biết.

Viết Trọng