Lễ hội “Mai anh đào Đà Lạt” - Sẽ không dừng lại ở ý tưởng

03:05, 22/05/2011

Ý tưởng trên vừa được “hâm nóng” tại lễ ra quân trồng cây xanh được tổ chức tại Đà Lạt mới đây với sự tham gia của hàng ngàn người dân và nhiều vị lãnh đạo TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng.

Gần 1500 cây xanh và hoa sẽ rợp màu sắc bên hồ Xuân Hương.
Gần 1500 cây xanh và hoa sẽ rợp màu sắc bên hồ Xuân Hương. Ảnh Minh Đạo
Từ lâu, người dân và các nhà lãnh đạo thành phố (TP) Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng từng nuôi dưỡng một ý tưởng khá lãng mạn: Tổ chức một lễ hội mang tên mai anh đào Đà Lạt! Có người còn lập luận: Nói đến hoa Đà Lạt là nói đến “mai anh đào” – giống hoa mai anh đào đặc trưng của Đà Lạt, chỉ Đà Lạt mới có loại mai anh đào này; vậy thì tại sao không có một lễ hội gọi là “Lễ hội Mai anh đào Đà Lạt” được tổ chức hằng năm hoặc hai năm một lần ở TP này (ví dụ lễ hội có thể nằm trong khuôn khổ festival hoa Đà Lạt)?

Ý tưởng trên vừa được “hâm nóng” tại lễ ra quân trồng cây xanh được tổ chức tại Đà Lạt mới đây với sự tham gia của hàng ngàn người dân và nhiều vị lãnh đạo TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Tại buổi lễ ra quân này, đã có gần 900 cây mai anh đào Đà Lạt đã được trồng ven hồ Xuân Hương – trái tim của Đà Lạt. Và, trong những ngày sắp tới, mai anh đào tiếp tục được trồng dọc theo các trục đường thuộc khu vực trung tâm TP. 

“KHÔNG GIAN MAI ANH ĐÀO”

Cùng với thông, mai anh đào là loại cây trồng được đặc biệt chú trọng phát triển tại TP hoa Đà Lạt trong những năm gần đây. 

Năm 2005, hàng trăm gốc mai anh đào đã được bứng từ rừng về trồng dọc các tuyến đường ven hồ Xuân Hương (Đà Lạt) và hiện đã mang lại kết quả như mong đợi – cây sống đạt tỷ lệ trên 80% và hiện đã cho hoa. Đến năm 2009, một dự án trồng cây quy mô 180ha tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) với tổng vốn 3,4 tỷ đồng bắt đầu được khởi động và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2012 tới. Điều đáng nói, trong 180ha này, diện tích cây hoa mai anh đào chiếm đến 100ha. Cho đến lúc này, ngoài rừng mai anh đào được thiết lập tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm (cách trung tâm TP Đà Lạt chỉ khoảng 5km), tại nhiều đường phố thuộc khu vực trung tâm Đà Lạt, chính quyền và ngành chức năng đã tạo được “không gian mai anh đào” một cách đáng ghi nhận. Rồi nữa, tại Đà Lạt lúc này cũng đã hiện diện một con đường mang tên “Mai Anh Đào” rất đặc trưng. Còn nhớ năm ngoái, hàng loạt gốc mai anh đào Đà Lạt trên thành phố hoa bỗng dưng khô gốc và chết đứng khiến cho không ít người dân và du khách vốn rất yêu thành phố hoa này trở nên vô cùng lo lắng. Trước hiện tượng “ngủ đông không dậy được” của hoa đào Đà Lạt, chính quyền và ngành chức năng đã ngay lập tức ươm và trồng thay thế không dưới 2.000 cây vào những khu vực đào đã chết.

MAI ANH ĐÀO ĐÀ LẠT CẦN ĐƯỢC TÔN VINH

Người Đà Lạt rất tự hào về loại hoa này. Nghệ nhân Mười Lời, “phù thủy” của các loài hoa, lúc còn sống từng nói rằng hoa mai anh đào mới là loài hoa của riêng Đà Lạt; và ông đã từng nhận “phù phép” cho hàng loạt gốc đào trên đường Lê Đại Hành nở đúng vào dịp tết nguyên đán (thường thì hoa mai anh đào Đà Lạt nở vào cuối tháng 12 dương lịch). Đặc biệt,với sự việc mùa hoa năm vừa rồi, anh đào Đà Lạt nở muộn đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người cũng đủ để thấy rằng vị trí mai anh đào trong lòng người dân TP Đà Lạt và du khách là rất đáng kể.
 
Mai anh đào Đà Lạt là loài cây thân có dáng đào mận nhưng hoa là hoa đơn năm cánh giống hoa mai.
Mai anh đào Đà Lạt là loài cây thân có dáng đào mận nhưng hoa là hoa đơn năm cánh giống hoa mai.

Theo các nhà chuyên môn, Đà Lạt hiện có nhiều giống mai anh đào; trong đó, đặc trưng nhất vẫn là “mai anh đào Đà Lạt”. Mai anh đào Đà Lạt (Prunus Cesacoides) có thân thuộc giống đào mận (chi Prunus) nhưng hoa thì lại thuộc hoa đơn năm cánh giống hoa mai (thuộc chi Cerasus). Có lẽ vì điều đó nên loài hoa “vừa đào lại vừa mai” này của xứ hoa Đà Lạt được gọi tên một cách chính xác là “mai anh đào Đà Lạt”. Nhiều nhà khoa học từ trước đến nay trong các nghiên cứu của mình vẫn nghiêng về xu hướng khẳng định mai anh đào Đà Lạt là loài cây bản địa; hơn thế, nó còn là loài cây bản địa của riêng Đà Lạt (ngược lại với xu hướng cho rằng mai anh đào Đà Lạt là loài cây di thực từ nước ngoài về). Trong nghiên cứu của một Việt kiều gốc người Đà Lạt – ông Nguyễn Thái Hai – cho biết: Bố của ông (ông Nguyễn Thái Hiến), sinh năm 1898 (mất năm 1956), là người gốc Nghệ An, chuyển vào sống ở Đà Lạt năm 1927. Dưới chế độ cũ, ông Nguyễn Thái Hiến từng là giám thị lục lộ và là người được chính quyền cũ giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong các khuôn viên, dinh thự… Trong khi làm nhiệm vụ trồng hoa, ông Nguyễn Thái Hiến đã phát hiện tại một khu rừng gần ấp Tân Lạc có những cây hoa vừa giống hoa mai và vừa giống hoa đào nên đã đề nghị với chính quyền cũ cho phép ông mang giống hoa này về trồng dọc theo các đường phố trung tâm Đà Lạt.

Rõ ràng, người dân Đà Lạt hoàn toàn có quyền tự hào về một loài hoa mang tính đặc trưng này của TP hoa. Còn, việc loài hoa đặc trưng này có thể là một biểu tượng của Đà Lạt hay không là một chuyện khác. Tuy vậy, việc tôn vinh loài hoa “vừa mai vừa đào” đặc trưng Đà Lạt ấy dưới một hình thức nào đó hiện cũng đã được nhiều người có trách nhiệm của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng tính đến. Trong nhiều năm qua, festival hoa Đà Lạt được tổ chức hai năm một lần đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Tuy nhiên, tại các festival đã tổ chức, vị trí của loài hoa đặc trưng Đà Lạt mai anh đào vẫn chưa được chú trọng một cách đáng kể quả là điều đáng để mọi người dân Đà Lạt cùng suy nghĩ. Bởi vậy, ý tưởng về một lễ hội mai anh đào Đà Lạt (có thể chỉ nằm trong khuôn khổ festival hoa Đà Lạt thôi) là một ý tưởng hay!

Khắc Dũng