Lối ra nào cho làng dệt thổ cẩm Đạ Nghịch?

02:05, 10/05/2011

Thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) vốn rất nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm - một nghề truyền thống gắn bó với bà con dân tộc thiểu số Châu Mạ từ lâu đời, với những sản phẩm dệt như: váy, áo, túi xách và chăn mền truyền thống. Thế nhưng, đến với Đạ Nghịch hôm nay, nhiều khung dệt được xếp gọn trong nhà, bởi một lý do rất đơn giản, hàng hóa làm ra gần như không có thị trường tiêu thụ!

Thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) vốn rất nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm - một nghề truyền thống gắn bó với bà con dân tộc thiểu số Châu Mạ từ lâu đời, với những sản phẩm dệt như: váy, áo, túi xách và chăn mền truyền thống. Thế nhưng, đến với Đạ Nghịch hôm nay, nhiều khung dệt được xếp gọn trong nhà, bởi một lý do rất đơn giản, hàng hóa làm ra gần như không có thị trường tiêu thụ!

Vẫn đang miệt mài bên khung dệt, nhưng trong ánh mắt của bà Ka Thiếu - một phụ nữ Châu Mạ ở thôn Đạ Nghịch, thoáng những nét buồn. Bà cho biết, ngày nào bà cũng bắt đầu dệt từ sáng sớm đến chiều tối. Nếu làm nhanh thì từ 5 đến 7 ngày, bà mới dệt xong được một tấm mền. Công việc vất vả, nhưng thu nhập chẳng được là bao, nhất là vài năm trở lại đây, các sản phẩm dệt ra gần như không bán được. Thế nên, giờ đây trong làng, hầu như chỉ còn những người già như bà còn gắn bó với công việc này. “Làm ra sản phẩm nhưng không có đầu mối tiêu thụ ổn định, những người thợ dệt trong làng như bà Ka Thiếu lại phải tự xoay xở tìm “đầu ra” cho mình chỉ bằng cách đem hàng đi bán dạo tại huyện Di Linh, nhưng bán được rất ít!” – nhiều bà con ở đây cho hay.
 
Dệt thổ cẩm tại thôn Đạ Nghịch.    Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Dệt thổ cẩm tại thôn Đạ Nghịch. Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Ở thôn Đạ Nghịch hiện có 198 gia đình, với 1.039 nhân khẩu là đồng bào DTTS Châu Mạ, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 60 gia đình còn tiếp tục theo đuổi nghề dệt truyền thống. Dù trước đó, để duy trì và phát triển làng nghề thổ cẩm, từ nguồn quỹ khuyến công, UBND thành phố Bảo Lộc (trước đây là thị xã) và Phòng Kinh tế, UBND xã Lộc Châu đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đào tạo, nâng cao tay nghề cho con em đồng bào DTTS trong thôn; đồng thời,  xây dựng nhà xưởng và khung dệt cho bà con. Nhưng chỉ sau vài tháng hoạt động, xưởng dệt đã phải đóng cửa. Thay vì làm việc tại xưởng, các gia đình lại tiếp tục sử dụng những khung dệt cũ tại nhà để dệt chăn, áo… Bà con chỉ dệt ở mức cầm chừng để “giữ” nghề!

“Làng nghề dệt thổ cẩm ở Lộc Châu phát triển do tự phát, chủ yếu là do bà con tự truyền dạy nghề cho nhau. Trước đây, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho bà con học nghề tại làng nghề K’ Long (Đức Trọng), nhưng do sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu, nên đầu ra bị hạn chế!” - Đó là lý do vì sao có xưởng dệt nhưng không hoạt động được, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, lý giải.

Rõ ràng, cho đến lúc này, “đầu ra” của sản phẩm thổ cẩm truyền thống đang là một bài toán khó của chính quyền và bà con ở làng dệt Đạ Nghịch. Và nếu không giải đượïc bài toán này, thì những cố gắng của chính quyền địa phương và sự mong mỏi của bà con trong việc duy trì và phát triển làng nghề thổ cẩm – một trong những giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn của đồng bào DTTS Châu Mạ ở thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu) sẽ khó đạt như mong muốn!
 
BÍCH HỒNG