Một mùa hè không bài tập

09:05, 30/05/2011

(LĐ online) - “Con muốn một mùa hè không có bài tập” - là câu trả lời của rất nhiều em học sinh cho câu hỏi “Con muốn một mùa hè như thế nào?”. Câu trả lời này cũng dễ hiểu, vì sau một năm học với triền miên bài tập từ ngày này sang ngày khác, thì mong muốn kia thật đơn giản. Nhưng với phụ huynh, những ngày hè của con em mình lại là mối bận tâm chẳng giản đơn chút nào!

(LĐ online) - “Con muốn một mùa hè không có bài tập” - là câu trả lời của rất nhiều em học sinh cho câu hỏi “Con muốn một mùa hè như thế nào?”. Câu trả lời này cũng dễ hiểu, vì sau một năm học với triền miên bài tập từ ngày này sang ngày khác, thì mong muốn kia thật đơn giản. Nhưng với phụ huynh, những ngày hè của con em mình lại là mối bận tâm chẳng giản đơn chút nào!
 
Ngày hè vui.
Ngày hè vui.

“Con thích đi biển nè!”. “Con thích được về quê”. “Con thích đi du lịch”. “Con thích được ngủ thoải mái”. “Con thích được chơi game”. “Con thích được đọc truyện”. “Con thích được học đàn, học ngoại ngữ, học bơi…”… Con em chúng ta có rất nhiều dự định “xả hơi” sau một năm học vất vả, nên tuyệt nhiên, chẳng em nào nói: “Con thích đi học thêm”. “Con thích làm bài tập”... Nhưng hè đến, phụ huynh lại có những nỗi niềm băn khoăn khác, như làm sao sắp xếp được thời gian để cho con cái về quê thăm ông bà; hơn nữa thì cho con đi du lịch ở đâu đó… Còn khó khăn nhất là việc để con suốt mùa hè không có sự kiểm soát, sẽ không tự mình củng cố kiến thức, hoặc sa đà vào vào những vấn đề của tuổi thiếu niên, nhi đồng như nghiện game, internet; thậm chí là chơi bời lêu lổng, nghiện hút, trộm cắp... Nên, để những ngày hè không trở nên uổng phí, ngay từ những ngày nghỉ đầu tiên này, các bậc phụ huynh đã lo tìm một số địa chỉ dạy thêm trong hè để xin cho con em mình vào học.

Chị Sâm – bán hàng ở chợ Đà Lạt tâm sự: “Mình đi bán cả ngày, cháu ở nhà cũng được, có điều mình không thể biết là cháu tự học hay chỉ chơi. Kết quả học tập của cháu năm vừa rồi đạt loại khá, nhưng có một số môn tự nhiên chưa tốt. Mình đã gởi cô rồi, để cháu học thêm vừa củng cố kiến thức, vừa học được chừng nào tốt chừng đó, ba mẹ lại đỡ lo”. Anh Hoài – công chức, thẳng thắn nhìn nhận: “Hè chơi không không được! Cho con cái nghỉ xả hơi vài bữa là phải học thêm ngay. Không học, đầu năm vào lớp chẳng còn chữ nào. Nhà mình có đủ máy tính, internet. Mua sắm những thứ này là để ba mẹ làm việc và con cái học hành, nhưng bọn trẻ mê game lắm, có thể chơi suốt ngày, có bắt chúng tự giác cũng không kiểm soát được. Đi học thêm vài buổi là để chúng ra ngoài, đầu óc không mụ mị với máy tính…”.

Nhiều bậc phụ huynh khác lại thích trang bị cho con mình những kiến thức cơ bản về năng khiếu và cuộc sống như: học âm nhạc, học chơi thể thao, bên cạnh học các môn văn hoá. Như chị Nga – Lý Nam Đế, cứ mỗi hè, chị lại cùng con trai, khi thì đi hồ bơi, khi lại tập bóng bàn: “Cho đi học tuốt. Mỗi hè một hai môn năng khiếu và một hai môn văn hoá. Mình cũng là giáo viên, nên hè cũng rảnh, chở con cái đi học, cái gì mình chưa biết mình cùng học luôn, đằng nào cũng phải chờ đón chúng về”. Đặc biệt, chị Nghi – Nguyễn Trung Trực lại rất bận rộn, dù chị không phải đi làm: “Em muốn hè dài hơn chị ơi! Ba mẹ con em mấy năm rồi loay hoay một hồi thấy hết hè. Hàng ngày, em phải cho 2 đứa nhỏ đi bơi, học Anh văn, học đàn, học cờ vua và vẽ… Mỗi ngày hai buổi đưa đón con, cộng thêm thời gian ăn uống nữa là vừa hết ngày. Bọn trẻ nhà em giờ mới học cấp I, tranh thủ cho đi học thêm những môn năng khiếu và thể thao. Vài năm nữa lên cấp II, chỉ phải lo học thêm văn hoá thôi…”.

Cũng may cho các em, phần lớn các giáo viên chưa dạy thêm ngay từ đầu hè, mà thường cuối tháng 6, hoặc sang đầu tháng 7 mới bắt đầu. Như vậy, các em có khoảng một tháng “xả hơi” thực sự. Cô Chi (dạy ngoại ngữ) cho biết: “Hè mới bắt đầu, nên để các em nghỉ ngơi, mình cũng được thoải mái một thời gian. Chứ dạy ngay, trẻ nó học không tập trung. Mình dạy luôn lại chẳng có thời gian đi đâu nữa. Chỉ trừ học sinh các lớp cuối cấp thì chưa nghỉ hè đã phải học thêm rồi…”. Còn các trung tâm dạy năng khiếu như Nhà thiếu nhi, hồ bơi Phù Đổng…, ngay từ 1/6 sẽ bắt đầu các lớp hè như đàn, vẽ, võ, múa, cờ vua, bơi… Anh Hưng – Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi cho biết: “Mỗi hè, Nhà thiếu nhi thu hút khoảng 2 ngàn em học các môn năng khiếu. Năm nay, do được nhận thêm cơ sở vật chất từ Trung tâm Văn hoá Thanh Thiếu niên, Nhà thiếu nhi sẽ mở thêm các lớp như tennis, bóng rổ, bóng đá, nên có lẽ số lượng học sinh đăng ký sẽ đông hơn”.

Ngoài các chương trình học hè của phụ huynh và học sinh, các em đội viên và đoàn viên cũng có chương trình sinh hoạt hè đến từng khu phố. Thường mỗi tuần một buổi. Tuy nhiên, vì nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, nên loại hình hoạt động hè này chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự thu hút đoàn viên, đội viên nhiệt tình tham gia. Mặc dù, đây chính là hình thức giúp các em vừa vui chơi lại vừa phát triển, rèn luyện các kỹ năng rất tốt, nếu được tổ chức có bài bản và có nội dung phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi…

Một mùa hè mới đến rồi. Cả phụ huynh và học sinh đều mong muốn có những ngày hè bổ ích. Việc tham dự các lớp học thêm, dù là học về năng khiếu hay văn hoá cũng là giải pháp tốt để các em được trang bị kiến thức, lại tránh sa đà vào các hoạt động thiếu lành mạnh hoặc quá đam mê, vừa khiến phụ huynh yên tâm về con cái hơn khi đi làm, không thể kiểm soát hết thời gian của con cái.
 
Lê Hoa