Người đàn ông nặng lòng với nghề thêu

05:05, 04/05/2011

Đường kim, mũi chỉ thường gắn liền với phụ nữ bởi sự tỉ mỉ, khéo léo và tính kiên nhẫn. Ấy vậy mà, có một người đàn ông đã gắn bó với sợi chỉ, cây kim hơn 50 năm, từng đoạt giải bàn tay vàng hội thi thêu toàn quốc.

Đường kim, mũi chỉ thường gắn liền với phụ nữ bởi sự tỉ mỉ, khéo léo và tính kiên nhẫn. Ấy vậy mà, có một người đàn ông đã gắn bó với sợi chỉ, cây kim hơn 50 năm bằng một niềm đam mê với mong muốn lưu giữ nghề gia truyền khi truyền nghề thêu tay cho những người con của mình. Ông là nghệ nhân Triệu Hồng Tươi – chủ nhà thêu tay mang tên ông tại số 3 Cư xá Hùng Vương, Yersin (Đà Lạt).

“Nhà thêu tay” đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong một căn phòng rộng khoảng 20m vuông làm phòng khách, một chiếc khung thêu kê sát tường với hàng chục cuộn chỉ đầy màu sắc là nơi ông Tươi ngồi 7 tiếng mỗi ngày để tỉ mẩn thêu nên những bức tranh treo kín bốn bức tường. Tuy đã hơn 60 tuổi, nhưng đôi mắt tinh anh cùng đôi tay khéo léo vẫn ngày ngày miệt mài thêu dệt nên những ước mơ thời còn trai trẻ.

Ông Tươi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề thêu vì bà nội là người xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Tây - nơi sinh ra ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

a
Mỗi ngày ông Tươi vẫn dành 7 tiếng để thêu.
Từ nhỏ, ông đã say sưa ngồi ngắm ông bà và cha mẹ thêu nên những dải lụa nhiều màu sắc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên năm 14 tuổi ông phải nghỉ học và bắt đầu mày mò những đường thêu đầu tiên với quyết tâm theo nghề để gìn giữ nghề của ông cha. Đến năm 18 tuổi, ông đi bộ đội, những ngày trong quân ngũ, ông thêu khăn để cấp trên trao tặng các chiến sĩ xuất sắc. Khi đất nước giải phóng, ông về quê tiếp tục nghề thêu và trở thành đội trưởng đội thêu ren xuất khẩu của xã.

Khi Đông Âu sụp đổ, xí nghiệp thêu ren xuất khẩu Hải Hưng giải thể, nghề thêu không còn chỗ đứng ở quê, ông khăn gói đi tìm một vùng đất mới với quyết tâm khôi phục lại nghề thêu.

Năm 1994, ông vào Đà Lạt và trở thành nghệ nhân thêu tại cơ sở tranh thêu tay Hữu Hạnh. Khi làm việc ở đó, tranh chân dung là thể loại ông yêu thích và thành công nhất vì ông có năng khiếu vẽ tranh truyền thần. Ông vừa làm họa sĩ vừa tự thêu nên những bức tranh của ông dường như có hồn hơn. Dựa theo những bức tranh của các danh họa nổi tiếng trên thế giới, ông họa lại và thêu nên nhiều bức tranh đẹp và từ đó giành được danh hiệu “bàn tay vàng” trong các cuộc thi tranh thêu tay.

Bức tranh “Bão tố” của ông đã làm rung động trái tim của nhiều người với hình ảnh Adam và Êva sánh vai bên nhau, vượt qua bão tố để tiến lên phía trước và tìm đến với hạnh phúc. Với đường thêu sắc sảo, có hồn, đặc biệt là kỹ thuật thêu màng qua tấm áo choàng của Êva khiến tác phẩm đã được Hội đồng Trung ương liên minh các HTX Việt Nam và ban tổ chức triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội trao giải “Bàn tay vàng” toàn quốc. Để hoàn thành tác phẩm này, ông đã mất hơn một tháng để vừa vẽ lại, vừa thêu và tự mày mò cách thêu màng tuy không khó, nhưng phải có sự thông minh, sáng tạo.

Mỗi bức tranh trung bình ông mất 20 ngày để hoàn thành. Có bức công phu nhất khiến ông và người con trai út phải ngồi ròng rã 8 tháng mới xong như bức “Vạn lý trường thành”.

Lòng yêu nghề khiến óc sáng tạo của ông không ngừng nghỉ, tuy tuổi đã cao, nhưng mỗi ngày ông đều ngồi vào khung thêu 7 tiếng. Với mong muốn lưu giữ được nghề gia truyền, ông lần lượt truyền nghề lại cho 6 người con, trong đó có 3 người con trai tay nghề cũng thuần thục không kém gì ông. Gọi là “Nhà thêu tay”, vì cả nhà ông đều biết nghề này, và chỉ những người trong nhà cùng thêu, nên những bức tranh này đều mang thương hiệu Triệu Hồng Tươi.

Tuy mỗi người có một công việc khác nhau ngoài xã hội, nhưng khi về đến nhà lại cùng nhau ngồi bên khung thêu với niềm say mê và lòng quyết tâm giữ lấy nghề. Một ngôi nhà nhỏ, không bảng hiệu quảng bá gì lớn, nhưng với tay nghề và danh tiếng từ khi còn làm ở Hữu Hạnh đã khiến nhiều khách hàng tìm đến với tranh thêu tay của ông, trong đó có cả Việt kiều Pháp, Australia, Canada... Nhiều thợ thêu lành nghề ở Đà Lạt vẫn phải tìm đến ông để học hỏi.

Làm nghề hơn 50 năm, niềm đam mê của ông đã được thỏa, nghề cũng đã được truyền lại cho các con. Nhưng trong ông vẫn còn đau đáu một tâm tư, đó là “sẽ thêu các bức tranh về Bác Hồ để có dịp mang đi triển lãm và bán đấu giá làm từ thiện”.

TUẤN HƯƠNG