Người góp phần thay đổi diện mạo một ngôi trường

02:05, 03/05/2011

Từ một trường học nhỏ bình thường với 3 cơ sở phân tán, đến nay Tiểu học Trưng Vương là một ngôi trường bề thế với chất lượng học tập cùng phong trào hoạt động vào loại hàng đầu của Giáo dục Đà Lạt.

Từ một trường học nhỏ bình thường với 3 cơ sở phân tán, đến nay Tiểu học Trưng Vương là một ngôi trường bề thế với chất lượng học tập cùng phong trào hoạt động vào loại hàng đầu của Giáo dục Đà Lạt.

Hiệu trường Nguyễn Ngọc Sanh
Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sanh
Người  góp phần lớn để mang lại sự thay đổi tích cực để Trường Tiểu học Trưng Vương mang dáng dấp như hiện nay chính là hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sanh. Sinh năm 1954, quê ở Quảng Ngãi, cùng gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp từ năm 1967, thầy giáo Sanh bắt đầu dạy học từ năm 1978 khi tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt sau ngày thống nhất đất nước tháng 4/1975.

Sau 3 năm dạy học tại Bảo Lộc, ông được thuyên chuyển về Đà Lạt và dạy ở rất nhiều trường như Lam Sơn, Trần Bình Trọng, Bổ túc Văn hóa… rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục Đà Lạt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và từ năm 2000 đến nay là hiệu trưởng của Tiểu học Trưng vương.

Trước năm 2000, Tiểu học Trưng Vương tuy có gần 4.000 m2 nhưng phân tán ở 3 cơ sở khác nhau. Ngôi trường chính ở 251 Phan Đình Phùng chỉ 960 m2, 2 phân hiệu còn lại nằm cách đó khá xa. Khó khăn trong vận hành, cơ sở chính lại chật hẹp, thiếu sân chơi cho học sinh, không đủ diện tích để xây dựng các cơ sở cần thiết cho việc phát triển giáo dục tiểu học trong giai đoạn mới, ông đã thuyết phục với các ngành chức năng tỉnh đổi đất phân hiệu Đa Hòa của trường gần cuối đường Phan Đình Phùng hiện nay với Cty Xây dựng 2. Chủ trương được UBND tỉnh phê duyệt, việc đổi đất được tiến hành và trên tổng diện tích gần 4.000 m2, năm 2003, ngôi trường Trưng Vương mới 25 phòng học được xây dựng tại đây với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

Hiện Trưng Vương có trên 1.000 học sinh học ở 26 lớp, 35 giáo viên trực tiếp dạy học. Một sân chơi rộng rãi phía trước, sân trường có cây xanh, có chỗ cho các em vui chơi khi trời mưa, có hội trường rộng rãi và một quỹ đất dự phòng để phát triển trường khi cần thiết. Địa điểm trường Trưng vương cũ trước đây nay thành Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Đà Lạt còn một phân hiệu của trường nay cũng tách ra để hình thành nên Tiểu học An Dương Vương.

Cùng với việc xây dựng trường lớp, thầy Nguyễn Ngọc Sanh cùng Ban Giám hiệu trường nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Các lớp đầu cấp và cuối cấp được phân công cho các giáo viên có kinh nghiệm phụ trách, việc bồi dưỡng giáo viên được tiến hành thường xuyên, nề nếp học tập học sinh được củng cố.

Cho đến nay, Trưng Vương là một trong những trường có uy tín lớn trong khối tiểu học tại Đà Lạt về chất lượng dạy và học cũng như rất nhiều hoạt động khác. Trường lớp khang trang, giáo viên nhiệt tình, học sinh giỏi của trường hằng năm đạt từ 50-55%, Trưng Vương còn nổi tiếng về các phong trào hoạt động trong trường học. “Chúng tôi xác định rõ muốn học tập tốt phải có hoạt động tốt. Nhà trường cần phải vui, sinh động để các em đến trường thấy vui, thích đến lớp, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui như khẩu hiệu vận động của chúng ta”- Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sanh cho biết.

Để học sinh vui, trường có rất nhiều hoạt động trong năm học, từ thi đua văn nghệ giữa các lớp và các khối  lớp, biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ lớn, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dịp Tết, thi lồng đèn nhân Trung thu, hội thi văn nghệ cuối năm học để gây quỹ giúp học sinh nghèo, giúp các trường vùng sâu…, đến các hoạt động thể thao trong trường như thi bóng đá, thi đấu cờ vua  hào hứng cũng được trường tổ chức.

Một trong những điều Ban giám hiệu luôn chú trọng trong các hoạt động của nhà trường chính là sự cộng tác của phụ huynh học sinh. Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sanh cho biết, trước khi phát động phong trào, nhà trường thông báo đến phụ huynh để vận động sự ủng hộ. Chẳng hạn như tập luyện biểu diễn văn nghệ, nhà trường nhờ phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình tham gia đưa đón khi cần thiết. “Nhà trường không thể làm gì nếu thiếu sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ” - ông nói. Cùng đó, là sự thống nhất đoàn kết trong tập thể nhà trường, mục tiêu chung dạy và học.

Trong năm học nay, theo kế hoạch Tiểu học Trưng Vương sẽ xây dựng mới khu thư viện của trường, khu bán trú cho học sinh cùng khu văn phòng. Tổng kinh phí cho việc xây dựng mới khoảng 4 tỷ đồng, trong đó nhà trường đã được cấp 1 tỷ để bắt đầu công việc trong hè.
Viết Trọng