Nhật ký Trường Sa

02:05, 15/05/2011

Đây có lẽ là cuộc hành trình dài nhất trên biển mà tôi được trải nghiệm. Một cuộc “lênh đênh” thật lâu về thời gian và dài về lý trình. Điểm giới hạn chỉ là đường chân trời tít tắp...

Bài I: Phiên khúc tháng Ba
   
Biển tháng 3 nguyệt lịch dịu dàng, vỗ về và bao dung như mẹ hiền. Ngoài khơi xa, gió mang hơi muối nặng trịch bám vào da, quyện vào hơi thở đến nao lòng. Dọc dài theo những triền san hô mê diệu phía Trường Sa, cảm giác bình yên chợt đến, bình yên đến nhẹ lòng. Dường như chẳng hề có bão giông, chớp bể hay phong ba trên mảnh đất thiêng liêng và kỳ diệu ấy …

Đây có lẽ là cuộc hành trình dài nhất trên biển mà tôi được trải nghiệm. Một cuộc “lênh đênh” trên 250 hải lý, thật lâu về thời gian và dài về lý trình giữa mênh mông biển mặn. Điểm giới hạn chỉ là đường chân trời tít tắp, rồi chờ đợi và vỡ òa khi những dải đất hình trăng khuyết hiện lên giữa trùng khơi.
 
Tàu cập đảo trong buổi bình minh.
Tàu cập đảo trong buổi bình minh.

Trường Sa xa nhưng thật gần trong ký ức của những ngày đến trường, của những lá thư thưở học trò viết cho người lính đảo, dẫu không nhiều. Ngày đặt chân đến đảo, giữa mùa tháng ba bình yên không bão nổi, tôi còn thấy sự phồn sinh, sức sống kỳ diệu của cỏ cây, của con người đến từ nhiều làng quê trên những đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa.
   
Thuyền trưởng tàu HQ 957, trung tá Phạm Văn Hưng là một người không ở gần biển, nhưng cả cuộc đời ông gắn với biển như một định mệnh. Ông nói, thời gian trên biển của ông còn nhiều hơn những ngày gần bên vợ con, có ngày tàu neo ở Vũng Tàu được vài tiếng, ông gọi điện, vợ con từ Sài Gòn đón tàu cánh ngầm chạy ra với ông, vậy rồi lại chia tay. Thâm trầm, rắn rỏi và kiệm lời, ông không nói nhiều về thiệt hơn, mất mát nhưng phía sau gương mặt sạm lại vì gió muối của ông, tôi hiểu phía sau những ngày xa cách, những yêu thương là cả tình yêu vô bờ với biển đảo của ông. Đã từng tham gia trong cuộc chiến Gac Ma năm 1988, nên ông hiểu từng rặng san hô, từng mét vuông đảo nhỏ bé đang nằm ngoài khơi xa kia là máu thịt của quê hương và chúng được giữ bằng rất nhiều mồ hôi, máu của đồng đội mình. Ông nói, đến Trường Sa đi mới thấy được hết những yêu thương mà đảo dành cho mình.
   
Không ở nơi đầu sóng gió như thuyền trưởng Hưng, nhưng Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh cũng đã kinh qua nhiều sóng gió trong cuộc đời chiến đấu của mình ở đất liền. Cả thời trai trẻ, căng tràn nhựa sống ông đã dâng hiến trọn vẹn cho quê hương, cho những ngày bão lửa đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc. 14, 15 tuổi biết cầm súng đánh giặc, bị bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo, rồi tiếp tục bị giam cầm ở Nhà tù thiếu nhi Đà Lạt, ông đã từng rạch bụng mình để đấu tranh với kẻ thù. Đến giờ, khi đã an nhàn điền viên, ông mới thực hiện được mơ ước của mình, đến với Trường Sa.

Ông cũng giống tôi, một người già đầy những chiến tích hiển vinh, hay trẻ vẫn đang phải bộn bề mưu sinh thường nhật, mệt nhoài những lo toan… và cả những người khác không cùng quê, đang ở trên một chuyến tàu đến với Trường Sa đều nôn nao, háo hức chỉ để được nhìn, được vốc từng hạt cát, được chạm vào từng mảnh san hô … đơn giản chỉ để thấy tự hào và yêu thương hơn miền đất đó. 
   
Minh Thư, Ngọc Ly hay Cẩm Phương - những cô bé 9X lớn lên trong yên bình ở “thiên đường” Đà Lạt và đều chọn con đường ca hát để lập nghiệp - vào mỗi bình minh hay hoàng hôn lặn xuống chân sóng đều ngồi bên mạn tàu để chờ đợi. “Chờ được xuống đảo, được hát cho những người lính biển bằng tất cả tình yêu của mình; đã quen với những sân khấu đầy đèn hoa nơi phố hội, quen với sự bảo bọc, nâng niu của cha mẹ và chưa từng phải oằn mình lo cơm áo… nên chẳng ngại ngần” - Ly chia sẻ với tôi. Em hạnh phúc khi được đi trong cuộc hành trình này, đi mới biết giá trị của cuộc sống và để thấy mình lớn hơn. Câu trả lời theo đúng gu của lớp trẻ hiện đại, nhưng tôi tin em nói thật!
   
Quà của đoàn Lâm Đồng, mảnh đất cao nguyên xanh phồn sinh hoa cỏ mang đến cho Trường Sa, chỉ là những gói nhỏ chứa đầy hạt giống. Từ hạt cải đến ớt, từ hạt muống đến cà tím, trà actisô, hương nhài, cà phê… hay những bông hồng nhỏ ướp khô đặc trưng của miền đất này, nhưng thượng tá Phạm Xuân Thời - Trợ lý phòng Bảo vệ An ninh Quân chủng Hải Quân rất tâm đắc. Anh em ở ngoài đảo cần những thứ này lắm, quanh năm suốt tháng gió lộng mang theo hơi muối táp vào, rau củ khó sống lắm, hạt giống là thứ quý nhất của mọi người trong mỗi bữa ăn.

Trong biển lặng của ngày ra đảo, ông bộc bạch với tôi rất nhiều về quá khứ, ký ức của mình. Đã từng là thuyền trưởng tàu HQ11, đã từng tham gia chiến đấu để giữ gìn chủ quyền biển đảo từ những năm cuối 1988 đầu 1989 nên ông hiểu hết gian truân của người lính hải quân. Đó là những ngày ông cùng với đồng đội gan góc đuổi tàu địch ra khỏi vùng xâm phạm dù với phương tiện và vũ khí thô sơ hơn rất nhiều, hay những ngày ra khơi đánh cá làm kinh tế trong thời buổi kinh tế cả nước còn khó khăn… và còn đó, nhiều những chiến công, kỷ niệm đẹp về một thời bám biển của ông mà tôi không thể sắp xếp được theo trình tự. Những lúc ở cạnh ông, tôi thích im lặng, được ngắm nhìn đôi mắt của ông dõi về phía vô định nơi không còn vết dấu của những chân sóng, ở phía đó hình như ông thấy mình trẻ lại.
   
Trường Sa bình yên, không chỉ cho những người lần đầu đến với đảo như tôi mà còn cả với những người lính đảo từng trải đã từng sống cả một thời trai trẻ cho biển đảo. Trong từng lớp sóng, dưới những cơn gió ngợp lộng, Trường Sa hiện lên đầy mộc mạc, ấm êm như những làng quê việt ở đất liền.   

Biển tháng ba mơn man vỗ về, dịu nhẹ như một khúc balad tình tứ. Tháng ba, mùa này ở cao nguyên nơi tôi sống cũng đẹp, mùa sinh sôi của cỏ hoa của sự phồn sinh. Chẳng còn khái niệm về sự xa cách, Trường Sa hiện lên thật gần sau mỗi bình minh.
(còn nữa)
Bút ký: Đặng Tuấn Linh