Những cánh hoa ấy vẫn được những người lính biển thả xuống mặt sóng đều đặn trong những lần ra đảo, dù ngày biển hiền lành hay bão giông. Những cánh hoa như lời tri ân, sự ngưỡng vọng của những người còn sống, của lớp trẻ đi sau gửi tới những người đã hy sinh cho sự bình yên và trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi thích những câu chuyện cổ tích vì cái kết thường có hậu. Sự bình yên của Trường Sa và thềm lục địa phía nam hiện tại cũng đi theo logic ấy. Cổ tích Trường Sa không phải được viết lên từ trí tưởng tượng mà bằng chính hoài bão, khát vọng tuổi xuân của những người lính trẻ đã mãi mãi nằm lại với biển, gửi thân xác và máu ấm của mình trên những rặng san hô đỏ thẫm.
Những cánh hoa tri ân và ngưỡng vọng. |
Thả vòng hoa tưởng niệm cho những người đã mãi mãi nằm lại với biển. |
Chiều ngày 4 tháng 12 năm1990, cơn bão số 10 với sức gió giật trên cấp 12 tràn vào khu vực Nam Biển Đông. Nhà giàn Phúc Tần đã bị quật đổ, cuốn trôi 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển đêm bão bùng, 3 trong số 8 người ấy đã mãi không trở về. Cũng trong ngày bão giông ấy, thượng úy Nguyễn Hữu Quảng - Trạm phó Chính trị nhà giàn đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người đồng đội yếu nhất để đi vào cõi vĩnh hằng sau hơn một ngày chống chọi với sóng giữ của đại dương. Cơn bão số 8 năm 1999 hung dữ và tàn khốc cũng đã cướp đi tính mạng của hai cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn Phúc Nguyên. Sau khi đưa đồng đội rời trạm xuống tàu theo phương án, Liệt sỹ-Đại úy Vũ Quang Chương đã cùng với chiến sỹ Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu tài liệu và cuốn lá cờ Tổ quốc vào người để rời nhà giàn sau cùng nhưng bão gió đại dương cũng đã cuốn các anh đi mãi không trở lại. Riêng với đồng chí Nguyễn Văn An còn là nỗi đau của người vợ hiền khi vừa mới sinh hạ cho anh một “thiên thần nhỏ” chưa kịp nhìn mặt cha. Trong cuốn nhật ký của những người lính biển còn là những cái tên như, Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Tư, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sỹ Nga… đã anh dũng hy sinh khi tìm kiếm, cứu vớt đồng đội hay Chuẩn úy Lê Đức Hồng gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” khi nhà giàn bị đổ để mãi mãi nằm lại với biển khơi.
Biển tháng ba, ngày ra đảo lặng im không gợn sóng như chẳng hề có bão giông. Nhưng nhiều người đã khóc khi nghe lời tưởng nhớ của những chiến sỹ Hải quân trên con tàu HQ 957 gửi tới những người đồng đội của mình đã hy sinh. “Hôm nay, đứng ở nơi đây giữa biển trời lạnh vắng, biển đã có lúc bình yên, song lòng chúng tôi thì lắng lại, lòng chúng tôi trắng lặng. Đồng đội ơi, hãy để cho chúng tôi được thầm khóc những giọt nước mắt nhớ thương, cảm phục, tự hào để nhắc nhở chúng tôi rằng, dưới đáy biển lạnh giá nơi đây vẫn còn có những người đồng đội đang nằm ở đó để mỗi người chúng tôi sống tốt hơn, đẹp hơn”.
Cổ tích Trường Sa vẫn còn đó vẹn nguyên về những huyền thoại có thực, chẳng hề phai dấu bởi bụi phủ thời gian. Đó là chiến công của anh hùng Nguyễn Phan Vinh trên con tàu không số. Tên anh đã được đặt tên cho đảo Hòn Sập, nơi anh cùng đồng đội đã chiến đấu tới viên đạn, giọt máu cuối cùng cho niềm tin thống nhất của quê hương. Vẫn còn đó nóng hổi chiến công của những người lính biển khi lao tàu lên đảo cắm cờ Tổ quốc để giữ vững chủ quyền trong cuộc chiến Gac Ma năm 1988. Đó còn là nhiều, máu và nước mắt của những người lính trẻ đã mang cả một thời son trẻ, căng tràn nhựa sống, hoài bão, khát khao tuổi hai mươi của mình cho từng rặng cát, triền san hô ruột thịt ngoài khơi xa dải đất hình chữ S.
Lũ trẻ như tôi lớn lên trong yên bình, phẳng lặng. Sóng gió cuộc đời chẳng gì ngoài ngoài những vấp ngã bồng bột, hay toan tính tầm thường để mưu sinh, có lẽ chẳng thể hiểu hết được những khôn lường của chớp bể, mưa nguồn của những sự hy sinh, đánh đổi lớn lao của người lính cho ngày biển bình yên.
Mùa tháng ba, ngày trên biển ra đảo. Theo tập tục của những người lính biển tôi cũng đã cùng với những người đến từ vùng đất Nam Tây Nguyên, mảnh đất núi rừng xa biển đảo Trường Sa thả xuống mặt sóng những cánh hoa Đà Lạt. Những cánh hoa tri ân và ngưỡng vọng.
Biển vẫn thế, bình yên khi hiền hòa, dậy sóng lúc dỗi hờn. Nhưng những cánh hoa vẫn được những người lính biển, những người ra đảo thả xuống đều đặn cho các anh, những người đã mãi mãi nằm lại với biển.