Những cánh thư hình sóng (bài 3)

03:05, 19/05/2011

Ngày đầu tiên đến Đá Lát, một hòn đảo chìm nhỏ nằm trên vùng san hô khép kín, điện thoại của tôi đổ chuông sau hai ngày mất sóng. Tôi nghe được tiếng bi bô “ba ơi” của cô con gái nhỏ và tiếng vợ hỏi, “anh đang ở đâu?”… Trường Sa bỗng dưng gần hơn trong nỗi nhớ.

Ngày đầu tiên đến Đá Lát, một hòn đảo chìm nhỏ nằm trên vùng san hô khép kín, điện thoại của tôi đổ chuông sau hai ngày mất sóng. Tôi nghe được tiếng bi bô “ba ơi” của cô con gái nhỏ và tiếng vợ hỏi, “anh đang ở đâu?”… Trường Sa bỗng dưng gần hơn trong nỗi nhớ.

Quà về từ Trường Sa, ngoài quả bàng vuông của một cậu lính trẻ tên Hải đóng quân ở Trường Sa lớn tặng lúc chia tay và mảnh san hô tôi nhặt được đảo chìm Thuyền Chài còn là chiếc sim điện thoại viettell tôi mua trước lúc lên đường ra đảo. Chiếc sim vài chục ngàn mà ở đất liền mọi người đều có thể mua, nạp tiền vào mỗi lúc nhà mạng có khuyến mãi để gọi thỏa thuê, rồi vứt bỏ lại trở thành một món quà đầy kỷ niệm khi xa Trường Sa.
 
Điện năng lượng gió ở Trường Sa.
Điện năng lượng gió ở Trường Sa.

Cảnh ra thị trấn Trường Sa đã được hơn 3 năm, cuối tháng 5 em vào đất liền cưới vợ, một cô giáo dạy mầm non ở Ninh Hòa-Khánh Hòa. “Ông” Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của thị trấn kiêm thầy giáo tên Cảnh ấy chỉ vừa mới tròn 26 tuổi cười hiền lành nói với tôi, em cưới xong rồi lại ra để tiếp tục công tác cho hết nhiệm kỳ. Suốt quãng thời gian dài ấy, trừ những lần được về phép, thứ duy nhất để vơi bớt nỗi nhớ người yêu và sự chờ đợi thủy chung của một cô gái ở đất liền, cho lễ cưới vào cuối tháng 5 ấy lại đơn giản chỉ là những tin nhắn, lời thoại ngọt ngào qua sóng điện thoại.
   
Gần như không còn những cánh thư viết mực đi về từ Trường Sa nữa. Bởi ngoài khơi xa, ngày con nước bình yên không nhiều, mùa bão giông chiếm non nửa vòng tuần hoàn của năm, nhiều lá thư phải mất vài tháng mới đến được tay người nhận. Bây giờ, từ đảo nổi cho đến đảo chìm hay cheo leo trên những nhà giàn, sóng điện thoại mạng viettell đều phủ tràn. Ngoài đảo, không có cảnh “nấu cháo” điện thoại như ở đất liền, vì chẳng có đại lý bán card, hết tài khoản ở đất liền mua thẻ rồi gửi ra, yêu thương, nhắn nhủ, hẹn hò, gửi gắm … đều “kiệm lời”. Dẫu ngắn nhưng đủ để đong đầy xa cách!
   
Martin Cooper – người được coi là “cha đẻ” của thiết bị liên lạc di động cầm tay cũng đã từng có bốn năm phục vụ trong hải quân Mỹ. Có lẽ, vì thời gian xa cách lâu ngày nên ông hiểu được những khát khao, yêu thương trong những ngày lênh đênh trên biển. Tôi không phải là một nhà khoa học và cũng chẳng giỏi lắm về công nghệ, chỉ biết rằng ở Trường Sa, sóng di động luôn căng đầy kể cả trên những hòn đảo nhỏ giữa mênh mông trùng khơi kia như một điều kỳ diệu. Ở đó, những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất của quê hương nơi đầu sóng ngọn gió cách đất liền hàng trăm, hàng ngàn cây số, mỗi ngày, hàng giờ vẫn có thể gửi về đất liền những thương yêu của mình. Chỉ thế thôi, cũng đã kỳ diệu lắm rồi!
   
Thằng bạn tôi gọi hỏi thăm và nói, ở Trường Sa có biết tin Manchester united thắng Chelsea ở bán kết lượt về Champions League, hay ông trùm khủng bố Bin Laden bị bắn chết chưa, tôi nói, biết lâu rồi! Ngoài đảo, sóng truyền hình cũng căng đầy như di động, đa phần xem chảo của VTV từ kênh 1 đến 6. Hơn thế nữa, chỉ cần có Laptop cắm thẻ 2G, 3G rồi lướt Web, biết cả thế giới đang chuyển động như thế nào hoặc cũng được nhìn thấy mặt người thân mình trên webcam khi chat.
   
Bùi Thị Nhung là cô giáo chủ nhiệm của lớp học đặc biệt gồm 4 lớp trên đảo Trường Sa lớn vừa về đất liền để sinh. Gần như ngày nào anh Trương cũng gọi về để hỏi thăm 2 mẹ con. Anh nói với tôi, có điện thoại nên cũng đỡ nhớ và cũng biết được sức khỏe của bà xã, thấy yên tâm hơn. Có thể, anh không có được cảm giác nôn nao khi chờ vợ sinh hạ và nhìn thấy mặt con lúc chào đời. Nhưng tôi tin, tiếng khóc đầu đời của bé chắc anh sẽ được nghe qua sóng.
   
Ngày về chia tay ở mỗi đảo, ngoài lời tạm biệt hẹn gặp, đều có những cuộc trao đổi số sim điện thoại, tôi cũng không ngoại lệ. Hải, chàng lính trẻ trước lúc chia tay có chạy tận ra cầu tàu Trường Sa lớn dúi vào ba lô tôi một quà bàng vuông, “Trường Sa chẳng có gì làm quà, em tặng anh loại quả “đặc sản” của đảo làm kỷ niệm”. Tôi cho Hải số điện thoại và dặn, khi nào vào đất liền, có dịp lên Đà Lạt chơi. Hải hứa với tôi, em sẽ lên bởi chưa bao giờ được đến đó và nghe nói trên ấy đẹp lắm phải không anh? Đà Lạt nhiều hoa đẹp như thiên đường, nhưng tôi biết những người ở đảo cũng có một loài hoa cho riêng mình, sắc màu kỳ lạ của cánh hoa bàng vuông.
   
Chẳng có dỗi hờn, chỉ có yêu thương, chẳng có dối gian chỉ toàn lời nói thật. Ấy là những gì tôi biết về cách nói điện thoại của những người lính và người dân trên đảo. Chợt giật mình, hình như có đôi lần ham vui, mình đã không thật lòng, dù vô hại với người thương yêu trong những lần xa cách.

(còn nữa)

Bút ký: Đặng Tuấn Linh