Rau trồng ở Trường Sa cũng xanh, ngon và sạch dù không phải là rau thương hiệu như ở Đà Lạt. Rau ở đảo ngon, có lẽ bởi chúng được mọc lên trên từng nắm đất được chở ra từ đất liền, trên sự bỏng rát của gió biển nặng đầy hơi muối và bằng cả sự tưới tắm mặt ngọt, đẫm đầy mồ hôi của những người ở đảo.
Ở đất liền, chỉ cần bỏ ra vài ngàn đã có thể có được đĩa rau ngon miệng cho bữa cơm hàng ngày, còn ở Trường Sa, hẳn nhiên không được vậy, ngoài đảo rau không dám luộc, chỉ để nấu canh gọi là có chất xơ cho đủ đầy dinh dưỡng.
Rau xanh được trồng ở mọi nơi trên đảo. |
Trồng rau ở đâu khó nhất? Nếu có ai đặt câu hỏi ấy, chắc chắn tôi sẽ trả lời, Trường Sa! Tôi hồ như, ai đã từng sống ở ngoài đảo đều là những người có trình độ canh tác cao, dù gần như chẳng mấy ai học qua các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rau, củ quả. Ở những hòn đảo nổi như Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Sơn Ca hay Song Tử Tây… còn có đất để “quy hoạch” vùng sản xuất, cải thiện bữa ăn cho chiến sỹ và người dân. Nhưng trên những hòn đảo chìm hay nhà dàn DK1, rau được trồng như ở đất liền người ta trồng cây cảnh, dù chẳng đơn thuần chỉ để ngắm chơi.
Trường Sa cũng có hai mùa mưa nắng, nhưng mùa khô gió lại mang nặng hơi muối từ biển, còn mùa mưa, bão giông nhiều, gió lộng thổi xác xơ, quăng quật hết những mầm cây nếu không biết che chắn. Thiếu tá Đào Văn Kha - Đảo trưởng đảo Thuyền Chài, nói với tôi: “Anh em chiến sỹ ngoài đảo thường tếu táo, trồng rau ngoài đảo còn khó hơn cả chuyện tỏ tình”. Có lẽ thế thật, rau ở đảo chìm hay trên nhà giàn được “canh tác” dưới mọi hình thức. Rau được trồng trên những hộp xốp, mọc lên những máng tôn, rau trên bệ cửa, sát những lối đi… nhưng chẳng hiểu sao, rau ở ngoài đảo xanh và to đến kỳ lạ.
Ở ngoài đảo, cây rau cải thường có hoa, nhưng chẳng ai dám bỏ, bởi từ khi gieo hạt đến lúc có rau ăn là cả sự đợi chờ. Tôi viết vào trong cuốn sổ nhỏ của mình những dòng nhật ký trong những ngày ra đảo rằng, con người, cỏ cây, hoa trái ở đảo đều hiện sinh cho sức sống kỳ diệu. Tôi chắc mình đúng, bởi mỗi vườn rau nhỏ kia đều như một công trình thực sự, ở đó có sự cần cù, chịu khó của người nông dân Việt và sự lãng mạn, đầy yêu thương của những người lính biển.
Gần ngày cuối trong hải trình đến với Trường Sa, tôi đặt chân lên nhà giàn DKI-19. Mọi người chỉ cho tôi một sọt bắp sú úa héo, tôi nói chắc đã hỏng. Nhưng Vương chàng lính trẻ, cười phá lên: “Đang còn xài ngon lành anh ơi, hơn một tháng rưỡi rồi đấy!”. Gió mang hơi muối không tốt cho cây trồng nhưng lại ướp được cho rau, củ từ đất liền gửi ra. Chợt chùng lòng khi biết, ở vùng đất nơi tôi sống, nhiều vụ mùa người làm nông đã phải bỏ cả ruộng rau vì nông sản rớt giá, thị trường bấp bênh.
Quà của Lâm Đồng, mảnh đất thiên đường của rau hoa gửi gắm cho Trường Sa trong lần đến phần nhiều là những gói hạt giống. Trước mỗi lần đặt chân lên đảo, chị Nguyễn Thị Nguyên - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng - thường sắp xếp cẩn thận lại các phần quà, chị nói với tôi, chị sợ quên hoặc thiếu các loại hạt giống cho mỗi đảo.
Đã từng có những chuyến tàu tết mang rau xanh Lâm Đồng cập bến Trường Sa, nhưng tôi nghĩ điều mà người phụ nữ làm quản lý văn hóa, du lịch ở Nam Tây Nguyên “sợ” là không thừa. Chị cũng như tôi, những người con ở đất liền đều muốn gửi gắm chút gì đó cho Trường Sa, mảnh đất ngoài khơi xa, đầy nhọc nhằn một món quà, dù là nhỏ nhất. Những hạt giống có thể mua dễ trong bất kỳ một cửa hàng tạp hóa nào đó ở đất liền nhưng lại là thứ đáng quý cho những người ở đảo. Hay giản đơn hơn, những hạt giống ấy được ươm lên sẽ giúp cho bữa cơm của những người ở đảo có thêm sự ngon ngọt.
Trong những ngày ở đảo, bên những vườn rau, tôi chợt nghĩ: Ngày mai, ở nơi này, những loài rau mang “thương hiệu” Đà Lạt sẽ mọc đầy lên trên đất đảo, phồn sinh và xanh tốt dưới những cơn gió nặng đầy hơi muối!