NHẬT KÝ TRƯỜNG SA: Tiếng trẻ ở thị trấn ngoài khơi xa (bài 2)

03:05, 17/05/2011

Biển mênh mông, vô định như nối dài xa cách, gió miên man thường khắc khoải, hoài nhớ những miền quê. Chợt ấm lòng, khi nghe tiếng con trẻ nô đùa giữa đảo xanh ngoài khơi xa.

[links()]Biển mênh mông, vô định như nối dài xa cách, gió miên man thường khắc khoải, hoài nhớ những miền quê. Chợt ấm lòng, khi nghe tiếng con trẻ nô đùa giữa đảo xanh ngoài khơi xa.

Thị trấn Trường Sa như một làng chài ven biển bình dị nào đó mà tôi đã hơn một lần bất chợt ghé chân. Ở đó, có những người đàn ông vai trần vạm vỡ mỗi ngày dong thuyền ra khơi buông lưới, những người phụ nữ mặn mòi, tảo tần hôm sớm lo chuyện bếp núc, chồng con. Và cả sự bình yên trong bước chân đến trường hàng ngày của lũ trẻ hay tiếng cười hồn nhiên của chúng trong tiếng sóng, tiếng gió bên những rặng phong ba…
   
“Tôi là một kẻ xa xứ dừng chân ở Đà Lạt… Tôi chợt nhận ra mình cũng giống như những loài hoa đã đến và dừng chân trên mảnh đất này, yêu - nhớ và chẳng thể rũ bỏ để quay về”. Tôi đã từng viết những dòng cảm xúc ấy khi nhận ra cánh vàng hình cầu mỏng manh của mimosa dưới ánh mặt trời, sắc tím mê hoặc trong ngày chuyển mùa của Jacaranda mimosifolia phượng tím… Có một sự giống nhau đến kỳ lạ khi tôi vô tình đọc được những dòng nhật ký, cứ tạm cho là vậy hoặc có thể là thư chia tay của một cô bé còn chưa học hết tiểu học ở Trường Sa khi em sắp phải xa đảo.

Gia đình anh Thi – chị Thúy vui mừng sau khi bé Trường Xuân ra đời khỏe mạnh sau ca sinh mổ khó.
Gia đình anh Thi – chị Thúy vui mừng sau khi bé Trường Xuân ra đời khỏe mạnh sau ca sinh mổ khó.
Khi hạ vào mùa, Nguyễn Ngọc Trà My cũng sẽ rời Trường Sa để vào bờ. Cô bé lớp 4 ấy biết ngày em vào bờ cũng là mùa bắt đầu bão nổi, đảo sẽ buồn tênh! Xa đảo, là xa cả những kỷ niệm của thời thơ ấu đẹp nhất trên hòn đảo “thiên đường” của mình. Xa đường băng thênh thang mỗi chiều cùng các em đạp xe ngắm biển, xa những ngày chơi cút bắt dưới những vườn cây phong ba, hay đợi trái tra, trái bàng chín để hái lượm. Và ở đó, còn có ba mẹ và hai đứa em gái nhỏ của mình, nhất là Nguyễn Ngọc Trường Xuân, bé út chỉ mới vừa hơn tháng tuổi…
   
Ở Trường Sa, My cùng với Viết Hiền, là hai đứa lớn nhất cùng học lớp 4 trong cái lớp học đặc biệt trên đảo. Lớp có bốn lớp gồm 3 bé học mẫu giáo, hai em lớp 1 và hai em lớp 2. Hỏi My, con học có giỏi không? Em nhoẻn miệng, cũng kha khá! Nhưng chỉ buồn trên đảo chỉ có lớp 4 là hết, không có lớp 5 nên con phải xa đảo để vào bờ học.
   
Ở thị trấn Trường Sa lớn, hay “Thủ đô” của Trường Sa như cách gọi ví von khác của nhiều người, đám trẻ hồn nhiên lớn lên trong sự yêu thương không chỉ của mỗi mình ba mẹ chúng. Trên đảo, mọi người đều thuộc lòng từng cái tên của đám nhỏ, hiểu từng yêu thương, giận ghét của mỗi đứa. Thằng Đức học lớp 2, chuyên gia đầu trò cho đám trẻ những trò nghịch ngợm và nó cũng thường xuyên mặc chiếc áo lính Hải quân, bởi nó khẳng định lớn lên sẽ làm lính đảo, Viết Hiền thì hiền lành như con gái, Quỳnh Hương cô bé mới chỉ sáu tuổi nhưng rất lém lỉnh và thường ra dáng “đàn chị”…
   
Các em lớn lên trong sự bảo bọc của tất cả mọi người, từ những các chú, các bác chỉ huy lớn tuổi đến những anh lính trẻ vừa mới nhập ngũ và bằng tất cả những gì đảo có. Các em cũng được đến trường, được học con chữ, được học những yêu thương của cuộc sống, học sự sẻ chia, đùm bọc khi hoạn nạn. Dẫu rằng, chẳng có nhiều những nho mỹ, quýt, xoài Thái Lan, những trò chơi hiện đại đắt tiền, những cuốn truyện mới … như đám trẻ thành phố thường được nhấm nháp, thư giãn mỗi khi tan trường. Nhưng ở đó, tuổi thơ các em có sự trong sáng của những bài đồng dao, những trò chơi đồng quê hồn nhiên sáng tạo. Tuổi thơ các em còn được nuôi nấng trong ngọt ngào, chát đắng hay chua dịu của những trái tra, trái bàng và cả sự bao dung đôi khi giận hờn của biển. Ở đó cũng đã là quê hương của bọn trẻ, khi mỗi sáng hay chiều xuống, cha thì dong thúng ra biển giăng lưới, thả câu kiếm cá mưu sinh, mẹ ngày ngày lên bếp cơm nước cho các chú bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo rồi lại trở về chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho chúng khỏe mạnh lớn lên.
   
Bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân chỉ vừa mới hơn tháng tuổi, em bụ bẫm, khỏe mạnh sau ca sinh mổ khó được cầu truyền hình từ Bệnh viện 175 nối với Trường Sa. Vợ chồng anh Thi, chị Thúy nói với tôi, anh muốn xin ở lại vài năm nữa để cho Trường Xuân lớn lên biết được nơi “chôn nhau, cắt rốn” của bé. Anh nói, Trường Xuân có nghĩa là mùa xuân dài lâu và cũng là mùa xuân của Trường Sa, vợ chồng anh sẽ luôn nhắc nhở bé điều đó khi nó lớn lên. Dù hay lo xa, nhưng tôi tin cuộc đời bé sẽ bình yên. Bởi ngay từ thưở ấu thơ, em đã được nuôi nấng bằng lời ru của biển, của “đất mẹ” Trường Sa, của nắng gió trên hòn đảo thiêng liêng ngoài khơi xa này.
   
Ở Trường Sa, hoa muống biển tím biếc nở thao thiết phủ đầy những dải cát phía trên triền san hô. Hoa đẹp đến nao lòng và hồn nhiên giữa sóng gió như tiếng trẻ trên đảo. Chẳng hiểu sao, tôi thấy màu tím của loài hoa dại mọc trên sự bỏng rát của cát biển lại giống đến kỳ lạ sắc mỏng manh của phượng tím Đà Lạt.
 
Bút ký: Đặng Tuấn Linh
(còn nữa)