Phòng chống sốt rét hiệu quả dựa vào cộng đồng

03:05, 08/05/2011

Dự án tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng, tập trung vào những vùng sốt rét lưu hành nặng và nhóm đối tượng nguy cơ cao, tăng cường giám sát và nâng cao năng lực của chương trình quốc gia phòng chống sốt rét.

Lâm Đồng là 1 trong 29 tỉnh thụ hưởng Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống sốt rét (vòng 7) năm 2009-2013, với tổng kinh phí tài trợ cho địa phương trong cả giai đoạn hơn 15 tỷ đồng. Diện bao phủ của dự án tại 10 huyện (không có 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc), 116 xã, 1.015 thôn bản. Dự án tăng cường phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng, tập trung vào những vùng sốt rét lưu hành nặng và nhóm đối tượng nguy cơ cao, tăng cường giám sát và nâng cao năng lực của chương trình quốc gia phòng chống sốt rét.

Đánh giá kết quả thực hiện dự án năm 2010 vào ngày 5/5 cho thấy, việc kiểm soát khống chế không để dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn là nỗ lực của cả mạng lưới làm công tác phòng chống sốt rét từ tỉnh đến thôn, bản triển khai đồng bộ các hoạt động dự án cùng với sự hợp sức của chính quyền và người dân. Hoạt động nhằm nâng cao việc tiếp cận và sử dụng các biện pháp phòng chống sốt rét có hiệu quả đã hướng tới đối tượng trực tiếp là người dân  sống trong vùng sốt rét lưu hành, những người thường xuyên ngủ qua đêm ở rừng, nương. Chiến dịch phun tồn lưu và tẩm màn hóa chất thực hiện ở các xã có dự án, dân số được bảo vệ bằng hóa chất hơn 322.000 người. Tiến hành tẩm màn mới và màn cũ 180.126 chiếc cho các đối tượng này, cấp phát 30.000 chiếc màn tuyn đôi và 35.000 màn tồn lưu dài. Hoạt động cung cấp màn đơn tẩm hóa chất tồn lưu dài nhằm bảo vệ cho dân di cư  khỏi bị sốt rét. Mỗi năm tổ chức 2 đợt chiến dịch phòng chống sốt rét, đi kèm các hoạt động chuyên môn là hoạt động truyền thông được đẩy mạnh để nâng cao kiến thức cộng đồng về phòng tránh sốt rét, 17.000 tờ rơi phòng chống sốt rét được cấp phát cho dân sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Đặc biệt, cán bộ y tế thôn bản tuyên truyền và phát hiện ca bệnh tại hộ gia đình, vận động trực tiếp nhằm thay đổi hành vi của người dân khi bị mắc sốt rét sử dụng tốt các dịch vụ y tế. Để nâng cao việc chẩn đoán và điều trị sốt rét hiệu quả cho cán bộ y tế tại tất cả các tuyến, dự án cung cấp dụng cụ chẩn đoán sốt rét như: 20 kính hiển vi hai mắt cho các xã, huyện; cấp 40.000 test chẩn đoán nhanh cho các xã, thôn, bản không có kính hiển vi. Cứ 2 lần hàng năm kiểm tra chất lượng chẩn đoán xét nghiệm bằng kính hiển vi với hoạt động giám sát của cán bộ xét nghiệm tuyến tỉnh đã giám sát 70 điểm kính hiển vi tuyến huyện và xã. Cung cấp đầy đủ vật tư, thiết bị chẩn đoán và thuốc điều trị sốt rét cần thiết tới tất cả các cơ sở y tế và y tế thôn bản giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ chẩn đoán và điều trị sốt rét một cách hiệu quả.

Tăng cường giám sát và hiện đại hóa hệ thống thông tin quản lý chương trình phòng chống sốt rét, cung cấp 11 máy vi tính, máy in, 10 máy Fax, cài đặt hệ thống internet, hệ thống phát hiện dịch sớm được tăng cường từ việc phối hợp giữa đào tạo, tập huấn và giám sát. Đồng thời, một hệ thống dự báo dịch sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Dự án đã tổ chức tập huấn chẩn đoán điều trị sốt rét cho 356 học viên, tập huấn cho cán bộ xét nghiệm mới và cũ  tuyến xã, kỹ năng quản lý, giám sát cho cán bộ y tế các tuyến. Năm 2010, tại 1.015 thôn bản có 100% nhân viên y tế thôn bản hàng tháng đến từng hộ gia đình để phát hiện ca bệnh, lấy hơn 27.000 lam máu và truyền thông trực tiếp cho hộ gia đình phòng chống sốt rét. Nhờ vậy, 97% người dân di cư có sốt được xét nghiệm chẩn đoán sốt rét. Tổ chức hoạt động và hỗ trợ phụ cấp cho 8 nhóm chăm sóc y tế thôn bản được cấp 8 túi y tế thôn bản, thành lập mới và duy trì hoạt động hiệu quả 16 nhóm phòng chống sốt rét dựa vào cộng đồng (CBM). Hoạt động CBM đầu tiên được thí điểm tại 6 xã của huyện Đạ Tẻh qua 4 năm thực hiện cho kết quả tốt, từ  năm 2009 được nhân rộng ra 10 xã đã giúp cho cả hệ thống chính trị cũng như người dân quan tâm hơn đến công tác phòng chống sốt rét. Tuyến y tế cơ sở nâng cao khả năng phân tích, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Tại 10 huyện triển khai dự án trong 2 năm qua không có vụ dịch sốt rét, không có ca tử vong do sốt rét. Năm 2010 có 505 bệnh nhân sốt rét, giảm 96 ca so với năm 2009 và 467 trường hợp có ký sinh trùng sốt rét giảm được 96 trường hợp. Tuy nhiên, so sánh theo từng huyện, năm 2010 sốt rét gia tăng tại 6 huyện: Lâm Hà,  Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên, riêng Lạc Dương năm 2010 mới có 6 bệnh nhân mắc sốt rét mà năm 2009 địa bàn này không có ca bệnh sốt rét nào. Sốt rét ác tính năm 2009 toàn tỉnh có 2 ca ở Đơn Dương, năm 2010 giảm còn 1 ca sốt rét ác tính ở Đức Trọng. Theo nhận định của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Lâm Đồng: tình hình sốt rét năm 2010 giảm so với năm 2009. Những tháng đầu năm 2011 sốt rét tiếp tục giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp ở một số xã. Lâm Đồng nằm trong 29 tỉnh có tình hình sốt rét nặng nhất trong toàn quốc, nếu hệ thống phòng dịch chủ quan, lơ là thì sốt rét sẽ tăng mạnh và gây dịch (như bài học ở xã Bảo Thuận - Di Linh trước đây). Nguy cơ sốt rét quay trở lại là rất lớn nếu các địa phương không tăng cường sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ chất lượng các biện pháp phòng chống sốt rét.
AN NHIÊN