(LĐ online) - Ba năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV), tính đến 31/12/2010, tỉnh Lâm Đồng đạt dư nợ 446.026 triệu đồng/31.612 hộ gia đình vay vốn, với 38.596 HSSV được thụ hưởng chính sách này.
Những hiện thực sinh động và cảm động
Số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Lâm Đồng cho biết: sau 3 năm thực hiện Quyết định 157/QĐ-TTg của Chính phủ, tỉnh có doanh số cho vay 445.599 triệu đồng; doanh số thu nợ 20. 900 triệu đồng, đạt hơn 78% tổng số nợ đến hạn. Nợ quá hạn đến 31/12/2010 là 3.510 triệu đồng, chiếm 0,79%, tính cả nợ trực tiếp cho HSSV và thông qua hộ gia đình vay. Việc hỗ trợ lãi suất vay cho HSSV là 76.548 triệu đồng/15.773 khách hàng. Dư nợ từ chương trình này đến 31/12/2010 là 75.783 triệu đồng, trong đó số lãi tiền vay đã hỗ trợ là 1.150 triệu đồng.
Mức vay trước đây là 800 ngàn đồng/HSSV/tháng, hiện nay là 900 ngàn đồng, với lãi suất 0,5%/tháng. Từ khi vay theo học tại trường cho đến ra trường sau một năm HSSV chưa phải trả gốc và lãi; nếu trả nợ trước thời hạn được giảm tối đa 50% lãi suất vay. Để tạo điều kiện cho gia đình HSSV trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay, ngoài việc tuyên truyền, NHCSXH tỉnh tổ chức 141 điểm giao dịch tại xã, thông qua 3.200 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các ngân hàng phát hành được 10.640 thẻ ATM, chiếm 27,3% trên tổng số HSSV vay vốn. Doanh số giải ngân qua hệ thống thẻ này đạt 30.736 triệu đồng/7.150 thẻ.
Đối tượng được thụ hưởng vay bao gồm HSSV mồ côi, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất. Trong đó, tỷ trọng trên tổng dư nợ ở đại học chiếm cao nhất với 52,93%, cao đẳng 30,05%. Dự nợ theo đơn vị uỷ thác: hội Nông dân chiếm 40,23%, hội Phụ nữ 46,92%, hội Cựu chiến binh 9,71% và Đoàn thanh niên 3,13%.
Chương trình tín dụng đối với HSSV đã thực sự trở thành điểm tựa chắp cánh cho hàng ngàn HSSV tỉnh Lâm Đồng có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ theo học tại các trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Những kết quả đạt được cho thấy chủ trương của Chính phủ đã mang lại nhiều lợi ích lớn về kinh tế-xã hội của người dân nói riêng và cộng đồng nói chung. Trong quá trình triển khai thực hiện, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình cùng đồng hành với thế hệ trẻ để thực hiện ước mơ, hoài bão. Đó là, UBND phường 2, Bảo Lộc; Hội Liên hiệp phụ nữ Đà Lạt; Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà; Tổ tiết kiệm và vay vốn hội Phụ nữ thôn Lạc Xuân 2, Lạc Xuân, Đơn Dương…
Rất nhiều hộ gia đình đã sử dụng đồng tiền vay từ vốn ưu đãi này giúp con em mình thực hiện được bước ngoặt ý nghĩa của cuộc đời. Ví dụ, hộ bà Phù Chí Tuý Nga ở thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm vay cho 3 con đi học; hộ bà Cil K’srai ở xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương vay cho 2 con đi học; hộ ông Võ Thí ở xã Phước Cát 1, Cát Tiên vay cho 3 con đi học; hộ ông Lê Văn Mưa ở phường 5, Đà Lạt vay cho 4 con đi học; v.v…Bà Tuý Nga xúc động nói: “NHCSXH huyện Bảo Lâm trở thành ân nhân và người bạn đồng hành của gia đình tôi trong suốt những năm qua. Bản thân các con tôi cũng ý thức được rằng, số tiền vay đó có ý nghĩa rất lớn và vô cùng quan trọng, nếu không có số tiền vay này thì không biết tương lai của các con sẽ đi tới đâu…”. Bà Trần Thị Hà ở xã Lộc Nga, Bảo Lộc có 3 con học đại học, cao đẳng thì nói: “May mắn là trong khoảng thời gian các con tôi theo học đã được NHCSXH giúp đỡ được vay tiền đóng học phí. Số tiền đó đã giúp gia đình tôi qua cơn hoạn nạn, giúp các con tôi không thất học. Mẹ con tôi sẽ cố gắng, các cháu ra trường bằng mọi cách kiếm việc làm để trả nợ cái ơn nghĩa này với Nhà nước”.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng thực tập tại BV đa khoa tỉnh |
Giai đoạn tiếp theo
Giám đốc NHCSXH chi nhánh Lâm Đồng Huỳnh Thanh Lân cho biết, kế hoạch tăng trưởng dư nợ 2011-2013 bình quân 25%/năm, trong đó, cuối năm 2011 là 560 tỷ đồng, cuối 2012 là 680 tỷ đồng và cuối năm 2013 đạt 800 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch thu nợ cho vay quay vòng hàng năm đạt 80%, dự kiến trong 3 năm (2011-2013) thu nợ đạt 153 tỷ đồng. Từ năm 2014 trở đi, Chi nhánh thu nợ để cho vay quay vòng đối với thế hệ HSSV tiếp theo.
Để đạt được kế hoạch này, phải tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai 3 năm qua. Đó là, ở một số địa phương UBND xã còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí và cách tính toán; công tác điều tra và bình xét, phê duyệt chưa chặt chẽ, còn nể nang; xác định tiêu chí hộ cận nghèo còn chưa thống nhất. Tỷ lệ HS học nghề mới chiếm chưa đến 1% người vay…
Theo ông Ngô Hữu Hay-Phó Giám đốc Sở TB&XH Lâm Đồng, nếu so với 21.322 hộ cận nghèo hiện nay (tính từ năm 2007 trở lại đây) có vay vốn tương đương trên 80%. Tỷ lệ hộ cận nghèo có con em học đại học, cao đẳng như vậy là quá lớn. Ông đề nghị Ngân hàng tiếp tục cho vay đối với những hộ không thuộc danh sách cận nghèo nữa nếu họ có nhu cầu vay tiếp; nên mở rộng đối tượng cho vay, trước hết là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở các xã, thôn nghèo có từ 2 con học cao đẳng, đại học và các trường hợp không được hỗ trợ học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ.
Thực hiện chính sách tín dụng đối với HSSV là nhằm trực tiếp nâng chất lượng vốn nhân lực và giảm nghèo bền vững cho các hộ dân. Để đạt hiệu quả cao hơn, chủ trương và quy trình thực hiện chương trình này cần tiếp tục quán triệt sâu rộng trong xã hội, từ các ngành, các đơn vị liên quan đến các cấp chính quyền địa phương, người dân nói chung và HSSV nói riêng. Trong đó, những tiêu chí đặt ra là: chính xác, đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả thiết thực…