10 năm giữ thác Voi

02:06, 21/06/2011

Có một người đàn ông quá lục tuần, đã hơn 10 năm lặng thầm gắn mình với dòng thác này mỗi ngày 24/24 vì tình yêu thiên nhiên và niềm tự hào với thắng cảnh của quê hương. Ông là Vũ Quang Điện ở thị trấn Nam Ban - Lâm Hà.

Khi nhắc đến thác Voi, người ta thường kể huyền thoại về nàng sơn nữ “vọng phu” mà tiếng hát đã hóa dòng thác vang vọng vào núi rừng để ngàn năm gọi chồng; hoặc mô tả sự hùng vĩ đến mức linh thiêng của ngọn thác với những tảng đá kỳ thú như đàn Voi phủ phục khoác trên mình tấm áo choàng cỏ rêu xanh mướt. Chưa ai biết có một người đàn ông quá lục tuần, đã hơn 10 năm lặng thầm gắn mình với dòng thác này mỗi ngày 24/24 vì tình yêu thiên nhiên và niềm tự hào với thắng cảnh của quê hương. Ông là Vũ Quang Điện ở thị trấn Nam Ban - Lâm Hà.

Ông Vũ Quang Điện 10 năm giữ thác Voi
Ông Vũ Quang Điện 10 năm giữ thác Voi
Đến thác Voi lần nào, khi trời chiều xuống bóng, chúng tôi cũng chỉ thấy còn lại một người đàn ông quá lục tuần, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, khi thì tận tình hướng dẫn khách tham quan, lúc chăm sóc cỏ cây. Dừng chân hỏi thăm để tìm hiểu thông tin về thác Voi thì nhận được câu trả lời hóm hỉnh: “Là tôi đây. Quản lý thác cũng là tôi, bảo vệ cũng là tôi, công nhân vệ sinh môi trường cũng là tôi, hướng dẫn viên du lịch cũng là tôi”. Câu chuyện trở nên cởi mở.

Giữa chốn rừng núi tĩnh mịch này, 4 giờ chiều đã vắng vẻ, ai cũng muốn trở về nhà, sau một ngày được tắm gội trong bầu không khí trong lành của núi rừng, thác rừng thác nước, được ngắm vẻ đẹp hoang sơ, nhưng ông Điện đã coi dòng thác này là nhà của mình. Hơn 10 năm rồi, thời gian ở nhà của ông Điện chỉ là những bữa cơm ăn vội cho qua bữa, có khi ông mang theo cơm lên thác đển ăn cho tiện việc trông nom. Phụ cấp không đủ cho công sức của một người làm việc 24/24, nhưng vì tình yêu thiên nhiên, tự hào với thắng cảnh quê hương, ông đã làm hết sức mình.

Đêm đến, một mình giữa bốn bề mênh mông núi rừng, sự tĩnh lặng, vắng vẻ những đêm mưa rừng, tiếng gió hú gào, ào ào, dữ dội, nghe tiếng thác gầm giữa rừng già nguyên sinh, sự hùng vĩ đến mức linh thiêng khiến người nhát gan yếu bóng vía chắc không khỏi rợn người. Nhưng chúng tôi cảm nhận sự gan góc, dũng cảm ở ông. Thì ra người lính già này đã từng vào sinh ra tử trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1965, gác lại ước mơ vào đại học, từ quê hương Kinh Bắc, ông đã có mặt ở chiến trường miền Nam. Là sĩ quan đặc công, ông chiến đấu quả cảm trên khắp các chiến trường từ Phước Long, vào Sài Gòn cho đến ngày đất nước được thống nhất. Ăn cùng thác, ngủ cùng thác nên ông hiểu từng ngóc ngách hang đá, luồng lạch những dòng nước thác đổ xuống rồi hòa vào sông vào suối.

Ngay khi xe dừng, ngang tầm mắt là con thác dữ dội có chiều rộng 45 mét tung bọt trắng xóa. Đến gần, nhìn xuống chân thác sâu 30 mét là những suối nguồn ầm ào tuôn chảy, những tảng đá giống như những tấm lưng của bầy “Voi” như đang chen nhau tắm suối. Ai cũng mong đến được nơi chân thác ấy.

Đường xuống chân thác là một hành trình chinh phục thiên nhiên, phải trải qua 150 bậc đá, du khách như đi trong rừng già nguyên sinh, chỉ có tiếng thác đổ ầm ào. Du khách phải níu cây rừng, vịn vách núi mà đi. Tình yêu với dòng thác ngày một lớn, ông Điện thuộc từng bậc đá, bờ rêu cây cỏ, hướng dẫn du khách để tránh nguy hiểm.

Cũng không ai hiểu rõ con thác hùng vĩ này như ông, sự dữ dội khiến nhiều người quẫn trí tìm đến nảy sinh ý nghĩ dại dột. Bằng kinh nghiệm vào sinh ra tử trên chiến trường của mình, ông đã ngăn chặn rất nhiều người, giải giảng thiệt hơn về giá trị của cuộc sống và đã cứu nhiều người từ cõi chết trở về giữa những đêm rừng tĩnh mịch. Đó cũng là một lý do thôi thúc ông phải có mặt ở đây cả ngày lẫn đêm.

Những năm gần đây, khi đường xã Tà Nung (Đà Lạt) nối thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) được làm hoàn thiện đã rút ngắn quãng đường Đà Lạt đi thác Voi đến hơn một nửa (từ gần 70km  đi theo đường xuống ngã ba Liên Khương - Đinh Văn – Nam Ban xuống còn 30km), thác Voi trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đặc biệt với những người thích du thám cùng thiên nhiên. Càng nhiều khách du lịch đến với thác Voi, ông Điện tự thấy trách nhiệm của mình cũng ngày một lớn. Ông luôn nghĩ phải làm sao để thác Voi luôn đọng lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách đã từng đến đây, để đã một lần đến rồi sẽ có ngày trở lại. Ngoài việc bảo vệ môi trường giữ cho dòng thác luôn trong sạch, xử lý rác thải từ thượng nguồn, còn là việc giữ cho dòng thác và cảnh quan nơi đây luôn giữ vẻ đẹp nguyên sinh như một sơn nữ, đó mới là vẻ đẹp có sức hấp dẫn du khách.

Quỳnh Uyển