Bác sĩ về xã, câu chuyện còn dài

03:06, 28/06/2011

Mục tiêu 100% các trạm y tế xã có bác sĩ được đặt ra đã lâu nhưng thực tế hiện tại vẫn chưa hoàn thành do thiếu nguồn nhân lực.

C4 về khám bệnh kê toa cho người dân thôn Hang Hớt, xã Mê Linh.
C4 về khám bệnh kê toa cho người dân thôn Hang Hớt, xã Mê Linh.
Mục tiêu 100% các trạm y tế xã có bác sĩ được đặt ra đã lâu nhưng thực tế hiện tại vẫn chưa hoàn thành do thiếu nguồn nhân lực. Vấn đề bác sĩ về xã xem ra là câu chuyện còn dài nếu không có một giải pháp toàn diện đi kèm chính sách thực sự hấp dẫn.

Cách đây 5 năm, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% xã có bác sĩ, nhưng đến nay tổng kết lại chỉ đạt 71%. “Tỷ lệ xã có bác sĩ còn tiếp tục giảm mạnh xuống còn dưới 50%, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Đam Rông và 3 huyện phía Nam” - bác sĩ Đồng Sỹ Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho hay.

Nguyên nhân số bác sĩ tuyến xã không tăng mà có xu hướng giảm hơn trước đây được lý giải do các trung tâm y tế huyện mở rộng quy mô giường bệnh, dịch vụ điều trị và đưa các kỹ thuật mới vào điều trị nên phát sinh nhu cầu về con người tăng, do đó một số bác sĩ tuyến xã được điều động về trung tâm công tác theo yêu cầu mới đặt ra, trong khi ngành y tế thông báo tuyển dụng nhưng không bác sĩ nào mới ra trường chịu về công tác tại xã.

Việc thiếu hụt bác sĩ tại các trạm y tế xã đồng nghĩa với việc, dẫu ngành y tế có mạnh dạn đầu tư cung cấp trang thiết bị như máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm nhưng không có con người (bác sĩ) sử dụng dẫn đến thiếu hiệu quả trong hoạt động khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở.

Chính vì thế mà câu chuyện bác sĩ về bám trạm xá sẽ còn là câu chuyện dài, không thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai bởi ngay như tuyến huyện, tỉnh còn thiếu bác sĩ thì việc lấp đầy các trạm y tế xã khó có thể thực hiện theo chỉ tiêu đề ra.

Bác sĩ Đồng Sỹ Quang cho biết thêm: “Ngành y tế đã đặt ra nghĩa vụ đối với bác sỹ mới ra trường phải đi công tác tại cơ sở ít nhất 3 năm, sau đó mới luân chuyển, bố trí theo nguyện vọng. Tuy nhiên, trên thực tế cũng khó thực hiện vì bên cạnh bệnh viện công còn có hệ thống bệnh viện tư nên họ sẵn sàng nhảy qua các bệnh viện này làm hoặc sẵn sàng làm trái nghề để tìm kiếm cơ hội khác chứ không chịu về xã”.

Để giải quyết nguồn nhân lực cho tuyến cơ sở, tỉnh đã xây dựng đề án tạo nguồn tại chỗ thông qua hình thức cử tuyển gửi đi đào tạo theo địa chỉ. Đối tượng cử tuyển là các em thi vào các trường đại học y không đủ điểm đậu nhưng trên mức điểm sàn hay ưu tiên học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp cấp 3 tuyển thẳng đi học. Tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo trong thời gian đi học và phải cam kết sau khi ra trường về phục vụ tại địa phương. Qua đó hàng năm đều có triển khai nhưng nếu chỉ cử tuyển đối tượng lấy thấp hơn 1 điểm đậu vào các trường y hay học sinh tuyển thẳng là con em đồng bào dân tộc thiểu số phải có học lực 3 năm cấp III là học sinh tiên tiến cũng khó có nguồn.

Đề án nguồn nhân lực tại chỗ chỉ thực sự phát huy khi ngành y tế phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục & Đào tạo bắt tay vào công tác tuyển đầu vào. Và năm 2010 đã tiếp nhận hơn 10 bác sỹ mới ra trường đưa về công tác tại các địa phương. Để có được đội ngũ này, khi các em ra trường, Sở Y tế phải tiếp nhận văn bằng tốt nghiệp chứ không đưa cho các sinh viên, sau đó sắp xếp công tác tại các huyện. Bởi trước đây cũng có cử tuyển song ngành y tế không tham gia – kể cả việc sắp xếp công tác nên các sinh viên ra trường đều không về phục vụ tại cơ sở mà bỏ đi nơi khác làm.

Việc thiếu bác sỹ bám trạm thường xuyên được Sở Y tế giải quyết bằng việc đưa ra giải pháp tăng cường bác sỹ tuyến trên về cơ sở một số ngày trong tuần nhưng đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài cần có một chính sách tốt hơn, linh động trong công tác tạo nguồn nhân lực cho ngành y, nhất là đào tạo theo địa chỉ tuyến cơ sở. Chẳng hạn cử tuyển theo địa chỉ những học sinh thi vào trường y không đủ điểm đậu nhưng có số điểm thi cao từ 21 - 22 điểm trở lên. Đối với các thí sinh này nếu được cử tuyển còn tốt hơn tuyển các em phổ thông mới tốt nghiệp lớp 12. Hoặc các y tá, bác sỹ có nhu cầu được đào tạo nâng cao, học chuyên tu lấy bằng bác sỹ cũng là đối tượng cho giải pháp bác sỹ bám trạm xá.

XUÂN TRUNG