Chủ động đối phó khi mùa mưa bão về

03:06, 19/06/2011

Tình hình thiên tai trong năm 2011 ở Lâm Đồng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sấm sét, lốc xoáy, mưa đá, lũ quét… có nguy cơ xảy ra thường xuyên, khốc liệt nhiều hơn.

Tình hình thiên tai trong năm 2011 ở Lâm Đồng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sấm sét, lốc xoáy, mưa đá, lũ quét… có nguy cơ xảy ra thường xuyên, khốc liệt nhiều hơn. Để chủ động đối phó với thiên tai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCHPCLB&TKCN) của tỉnh cũng đã nhanh chóng đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó giúp cho tất cả các địa phương trong toàn tỉnh có được sự chủ động trong công tác phòng chống.

Những nhiệm vụ cụ thể được đặt ra cho tất cả các địa phương đó là, phải kịp thời kiểm tra tất cả các công trình trọng điểm, vùng xung yếu, đồng thời chủ động xây dựng phương án PCLB cho tất cả các khu vực liên quan có nguy cơ xảy ra thiệt hại cao. Kiện toàn tổ chức, bộ máy BCHPCLB và TKCN; kiểm tra, rà soát lại các tổ, đội xung kích ứng cứu nhanh; lập kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương, các lực lượng khác để có thể đối phó kịp thời, hiệu quả với những tình huống bất lợi nhất có thể xảy ra.

Khi có sự cố, cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và triển khai thêm phương châm “tự quản tại chỗ”. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ trong suốt mùa mưa, lũ, bão. Kiểm tra sát sao diễn biến, kịp thời phát hiện và tổ chức xử lý ngay các sự cố xảy ra; theo dõi đầy đủ các thông tin về dự báo, cảnh báo, thời tiết, khí tượng. Các địa phương có thủy điện và các công trình thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan của tỉnh thống nhất các biện pháp cụ thể cho việc tích và điều tiết nước hợp lý, đảm bảo phục vụ sản xuất, đồng thời phòng ngừa hậu quả xấu do lũ lụt gây ra.

Đối với các địa phương thường bị ngập lụt trong mùa mưa lũ cần có kế hoạch chỉ đạo nhân dân chuẩn bị dự trữ lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác đảm bảo đủ để sử dụng từ 10-15 ngày khi xảy ra ngập lụt lớn. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện ứng cứu, cứu hộ để sử dụng khi cần thiết. Xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để di dời dân ở vùng trũng, thấp bị ngập lụt lên những triền cao an toàn, đồng thời cũng di dời dân ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở đất đá và các khu vực có thể xảy ra lũ quét. Tổ chức các điểm trông trẻ tập trung, bố trí phương tiện đảm bảo an toàn để đưa đón các cháu đi học trong thời gian xảy ra ngập lụt lớn; kiểm tra các bến đò ngang, các lạch ngầm qua suối, các tuyến đường giao thông có khả năng cây ngã đổ, sạt lở đất, nhất là các tuyến đường đèo. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cơ sở hạ tầng, làm dứt điểm các hạng mục cần thiết để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Sở NN&PTNT - cơ quan TT Ban chỉ đạo PCLB&TKCN của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với TT Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh cũng như tất cả các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để chỉ đạo công tác PCLB&TKCN. Đôn đốc các ngành, địa phương kiểm tra các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn có nguy cơ mất an toàn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phương án sửa chữa hoàn thành trước mùa mưa bão.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Cơ quan thường trực TKCN của BCHPCLBTKCN tỉnh cũng cần sớm lập phương án, kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết, tổ chức diễn tập, sẵn sàng hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng TKCN của các ngành, địa phương tham gia ứng cứu, cứu hộ kịp thời. Chỉ đạo thực hiện việc ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai.
 
Bên cạnh đó, các ban ngành như Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Giao thông, Y tế, Thông tin - Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, C.ty Điện lực, các nhà máy thủy điện, Báo và Đài PTTH Lâm Đồng… cũng cần phải có sự vào cuộc tích cực để cùng phối hợp chặt chẽ, qua đó có thể xử lý tình huống bất ngờ xảy ra một cách tốt nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Theo thống kê của BCHPCLB&TKCN tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2010 mặc dù đã có sự chuẩn bị chu đáo cũng như sự vào cuộc nỗ lực của các ban, ngành, địa phương nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn hết sức đáng kể: Có 4 người chết, 1 do sét đánh, lũ cuốn trôi 3 người. Tài sản thiệt hại khoảng 45,63 tỷ đồng, riêng lũ lụt đã chiếm khoảng 30 tỷ đồng.

ĐĂNG LỘ