Công trình nước sạch: Có phải là “cha chung”…?

03:06, 26/06/2011

Bằng nguồn vốn không dưới 25 tỷ đồng, trong những năm qua, huyện Di Linh đã xây dựng 6 công trình nước sạch tự chảy. Nhưng do quá buông lỏng khâu quản lý, nên các công trình cấp nước sạch tập trung đã nhanh chóng xuống cấp.

Bằng nguồn vốn không dưới 25 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước cấp, các tổ chức xã hội từ thiện tài trợ và nhân dân đóng góp…), trong những năm qua, huyện Di Linh đã xây dựng 6 công trình nước sạch tự chảy (tại các xã Sơn Điền, Bảo Thuận, Gia Bắc, Đinh Trang Thượng, Tam Bố và Hòa Bắc); gần 20 giếng khoan nước ngầm và trên 1.500 giếng đào (ở hầu hết các xã, thôn vùng DTTS, vùng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt). Lợi ích thiết thực của các công trình nước sạch nông thôn đã thỏa lòng mong đợi của người dân. Thế mà tiếc thay, do quá buông lỏng khâu quản lý, nên hầu hết các công trình cấp nước sạch tập trung đã nhanh chóng xuống cấp và không phát huy được hiệu quả.
 
Các trụ vòi cấp nước công cộng hiện còn rất ít.
Các trụ vòi cấp nước công cộng hiện còn rất ít.

MỘT THỰC TRẠNG ĐÁNG BUỒN

Năm 1996, được sự tài trợ của tổ chức Hội từ thiện L’Appel (Cộng hòa Pháp) cộng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh và nhân dân địa phương đóng góp công sức, hệ thống nước sạch tự chảy đầu tiên ở huyện Di Linh được xây dựng tại xã Sơn Điền. Con suối Đạ Nha từ núi cao được chặn lại, nước sạch theo 2 đường ống dẫn về 4 thôn: Bờ Nơm, Bo Cao, Đăng Gia và Con Sỏ phục vụ cho trên 200 hộ với 8 bể cấp nước. Nưới sạch về tới buôn làng, bà con mừng lắm! Nhưng chỉ được mấy năm thôi, hệ thống ống dẫn nước về thôn Con Sỏ bị “tê liệt” hoàn toàn. Ba thôn còn lại, nước chỉ “rỉ rả” lúc chảy, lúc không.

Vào cuối năm 2005, bằng nguồn vốn của Nhà nước (Chương trình 134), huyện Di Linh đã đầu tư 422 triệu đồng để tu sửa, khôi phục đưa cả hệ thống đi vào hoạt động. Đến tháng 7/2006, do lũ quét làm hư hỏng đường ống, huyện đã cấp tiếp kinh phí để sửa chữa, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, không ít bà con lại phải xuống suối lấy nước. Năm 2008, từ nguồn vốn 134, hệ thống nước tự chảy Sơn Điền được bổ sung 300 triệu đồng để tiếp tục… “nâng cấp”.

Cũng với nguồn vốn do L’Appel tài trợ, ngân sách tỉnh Lâm Đồng cấp và nhân dân đóng góp công lao động, những năm tiếp theo, huyện Di Linh triển khai xây dựng các công trình nước sạch tự chảy tại các xã Bảo Thuận (năm 1997, đầu tư vốn 1,2 tỷ đồng), Tam Bố (năm 1999, trên 1,1 tỷ đồng), Gia Bắc (năm 2001, trên 670 triệu đồng)… Những công trình này phát huy hiệu quả rất kém, cho dù đã sửa đi sửa lại nhiều lần.

Riêng công trình nước sạch Bảo Thuận phải trải qua 2 giai đoạn đầu tư thi công mới được hoàn thành, với qui mô 15 km đường ống, 3 bể chứa và 43 trụ cấp nước công cộng… Vài năm đầu, công trình này đủ nước phục vụ cả ngày đêm cho bà con trong xã. Nhưng đã lâu và cho đến hiện nay, theo anh K’Brổih - Phó Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thuận: “Chỉ còn 4 thôn: K’Rọt Dờng, K’Rọt Sớk, Ka La Tu Krềng và Ka La Tơng Gu có nước!”. Gọi là “có nước”, nhưng thực tế còn số gia đình sử dụng nước tự chảy rất ít. Đến dãy nhà từ số 61 đến 81 (thôn Ka La Tơng Gu), bắt gặp 1 trụ cấp nước công cộng, tôâi vặn vòi mà chẳng thấy nước chảy! Khi hỏi, bà cụ Ka Dài Tý (nhà số 65) nói với tôi: “Không nhớ năm nào, nhưng đã lâu lắm rồi, vòi không chảy nước, nhà tôi phải xài nước giếng!”.

Ngoài hệ thống nước tự chảy do L’Appel tài trợ, tại xã Bảo Thuận trước đây còn có một hệ thống nước tự chảy do Ngân hàng Thế giới tài trợ xây dựng, nhưng đã bị… “xóa sổ” từ nhiều năm nay.


Không thể mô tả hết từng xã và từng công trình, nhưng cũng không thể bỏ qua hiện trạng nước sạch nông thôn ở xã Đinh Trang Thượng. Vào năm 1997, Đinh Trang Thượng được ngân sách Nhà nước cấp trên 300 triệu đồng xây dựng hệ thống nước sạch tự chảy phục vụ thôn 4 và thôn 5. Do bị hư hỏng, năm 2005, từ nguồn vốn 134, huyện Di Linh đầu tư 445 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp. Nhưng. đâu lại vào đó, đường ống tiếp tục bế tắc, nước không chảy. Đáng tiếc hơn, Đinh Trang Thượng còn được đầu tư gần 1,2 tỷ đồng xây dựng thêm hệ thống khoan giếng nước ngầm phục vụ thôn 1 và thôn 3. Do giếng khoan không có nước, Đinh Trang Thượng được đầu tư làm hồ giữ nước để cung cấp cho bà con qua hệ thống bơm.

Duy trì hoạt động đã khó, thế nhưng, có lẽ do “cha chung”, một số bà con và ngay cả nhà trường đã san đổ đất, lấp mương thoát nước…, nước bẩn chảy tràn vào hồ, đã làm ô nhiễm nguồn nước. Trạm Quản lý các công trình cấp nước sạch Di Linh đã đề nghị nhiều lần, nhưng chưa được các đơn vị liên quan giải quyết. Ngoài ra, số lượng hệ thống các giếng khoan cung cấp nước ngầm phục vụ công cộng (ở rải rác các xã) đang hoạt động, thì chỉ đếm chưa hết trên đầu một bàn tay.

CÓ PHẢI LÀ “CHA CHUNG”?

“Một hiện tượng xảy ra phổ biến tại các công trình cấp nước sạch nông thôn ở Di Linh là một số người dân đã tự ý đục ống để dẫn nước vào vườn tưới cà phê cho riêng mình. Các trụ vòi cấp nước tập trung khi sử dụng xong không khóa, để nước chảy tràn lan. Tại mỗi hệ thống ống dẫn nước, trên cao không ai xả khí, dưới thấp không ai xả đáy (do lắng đọng đất, cát), nhưng lại có người sẵn sàng lấy cắp nắp cống bảo vệ, đập ra lấy sắt thép để bán phế liệu. Lúc bể chứa dơ, ống nước tắc nghẽn và khi công tắc, cầu chì điện hỏng… cũng chẳng ai lo!” - anh Nguyễn Thế Hùng, chuyên viên thủy lợi, nước sạch (Phòng NN - PTNT huyện Di Linh), không vui khi trao đổi với chúng tôi.

Khi xây dựng xong, các công trình được nghiệm thu và bàn giao cho chính quyền địa phương (các xã) có trách nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng. Nhưng thực tế đã khẳng định rằng, trách nhiệm này chưa được thể hiện rõ nét, thậm chí có khi còn bỏ quên. Các xã Tam Bố, Gia Bắc, Bảo Thuận, Sơn Điền… trước đây đã thành lập tổ quản lý, nhưng chưa có cách tổ chức hợp lý nên hoạt động chỉ được một thời gian rồi “bỏ ngỏ”, nước đi đường nước, ống đi đường ống.

Rất nhiều cuộc họp của Đảng bộ, HĐND và UBND của huyện và các xã cũng đã kiểm điểm, nhắc nhở, đề ra cách giải quyết, nhưng rốt cuộc vẫn chưa khắc phục được tình trạng “cha chung”, đã gây lãng phí nghiêm trọng.

“GIẢI MÔ ĐƯỢC “BÀI TOÁN” KHÓ!

Đã đến lúc cần có những giải pháp hữu hiệu để quản lý có hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn, tránh tình trạng “cha chung”. Giải pháp trước tiên, chúng tôi thiết nghĩ là nên chăng tạm thời ngưng xây dựng mới các công trình nước sạch nông thôn, mà chỉ tập trung các nguồn kinh phí (nếu có) và huy động sức dân để sửa chữa, nâng cấp để phát huy công suất các công trình hiện có. Giải pháp quan trọng tiếp theo là làm thế nào để quản lý có hiệu quả nhằm khắc phục tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Bước đầu, chúng tôi ghi nhận cách làm của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Lâm Đồng: Tại Di Linh, Trung tâm đã thành lập Trạm Quản lý các công trình cấp nước sạch. Trước mắt, Trạm chỉ mới nhận quản lý 4 công trình nước tự chảy: Sơn Điền, Hòa Bắc, Gia Bắc, Bảo Thuận và 2 trạm bơm Đinh Trang Thượng, Liên Đầm. Tại những xã này, Trạm đã tiến hành lắp đặït khoảng 1.400 đồng hồ và vòi nước vào từng nhà, hàng tháng thu lệ phí từ 500đ - 1.500 đồng/ 1m3 nước. Anh Hoàng Văn Sơn - Trạm trưởng, cho biết: Tùy theo từng công trình, với mức thu này cũng đủ để “lấy nó, nuôi nó”.

Hiện tại, Trạm có 14 nhân viên, là người dân địa phương đã được tập huấn nghiệp vụ, trực tiếp quản lý các công trình nước sạch; hằng ngày kiểm tra, kịp thời xử lý “sự cố” và ghi thu tiền nước. “Chỉ với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng, nhưng cách quản lý này thực tế đã có hiệu quả và mỗi người dân nâng dần ý thức trong việc sử dụng, tự bảo quản hệ thống nước” - anh Sơn nói thêm.

Tuy nhiên, trong số những công trình cấp nước, chỉ có hệ thống nước tự chảy xã Hòa Bắc hoạt động tốt nhất. Nhờ “sinh sau đẻ muộn” và rút kinh nghiệm từ những công trình trước, Hòa Bắc hiện đã lắp đặt 772 đồng hồ nước vào từng nhà. Từ ghi thu tiền nước, họ đã “nuôi” được 5 nhân viên. Và 5 nhân viên này, họ đã quản lý khá tốt công trình nước sạch của xã.

Còn các công trình khác, hiện chỉ mới có 1 - 2 nhân viên, vì số lượng đồng hồ nước đã lắp đặt còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con nông thôn. Nhưng dẫu sao, tín hiệu ban đầu đáng mừng là đã “giải mã” được “bài toán” khó.

Anh K’Xuyên - Trưởng thôn K’Rọt Dờng (xã Bảo Thuận), rất vui khi trao đổi với chúng tôi: “Sử dụng trụ cấp nước công cộng không hiệu quả, thôn tôi đã cho tháo hết cả 7 trụ rồi. Hiện nay đã có một nửa, thôn sẽ vận động một nửa số gia đình còn lại tiếp tục lắp đặt đồng hồ và vòi nước vào từng nhà”.

Phóng sự: BÙI TRƯỞNG