Để luật an toàn thực phẩm đi vào đời sống

04:06, 29/06/2011

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) là bộ luật đầu tiên về một trong những lĩnh vực nóng nhất của đời sống ở nước ta. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Luật An toàn thực phẩm (ATTP) là bộ luật đầu tiên về một trong những lĩnh vực nóng nhất của đời sống ở nước ta. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Tìm hiểu về luật này, PV có cuộc trao đổi với BS Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Lâm Đồng.

- Thưa bác sĩ! Ưu điểm và sự khác biệt của Luật ATTP so với Pháp lệnh VSATTP năm 2003 như thế nào?

+ Luật ATTP xây dựng trên cơ sở phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh VSATTP. Nghị định hướng dẫn việc thực hiện Pháp lệnh giao nhiệm vụ đảm bảo VSATTP cho 8 Bộ là quá rộng. Luật ATTP thu gọn địa chỉ chịu trách nhiệm về 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp & PTNT, Công thương. Để quản lý tốt về VSATTP trong thời kỳ mới và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, Luật ATTP quy định việc tiến hành các hoạt động phân tích nguy cơ đối với ATTP bao gồm: đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ. Luật quy định về cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP phải đảm bảo các yêu cầu chính xác, kịp thời, rõ ràng, đơn giản, thiết thực, phù hợp với truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo, đạo đức xã hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán, phù hợp với từng đối tượng được tuyên truyền. Về quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm, Luật ATTP quy định cả trách nhiệm của người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Thời hạn của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP là 3 năm, còn của Pháp lệnh thì không có thời hạn. Luật ATTP tiến bộ ở chỗ khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tham gia kiểm nghiệm ATTP.

- Sự phân cấp của các ngành chức năng như thế nào để quy trách nhiệm rõ ràng, tránh được chồng chéo trong quản lý ATTP, thưa bác sĩ?

+ Để giải quyết chồng chéo và giảm bớt gánh nặng cho cán bộ trong quản lý nhà nước về VSATTP, Luật ATTP giao nhiệm vụ cho 3 Bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp &PTNT) theo quy trình từ sản xuất đến bàn ăn. Thực phẩm ở khâu sản xuất là Bộ Nông nghiệp & PTNT, quá trình lưu thông là Bộ Công thương, khi sử dụng là Bộ Y tế. Luật đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước theo nguyên tắc từ A đến Z theo các nhóm thực phẩm, ngành hàng cho 3 Bộ; đồng thời, quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP cho UBND các cấp. Trong đó, Bộ Y tế đóng vai trò “nhạc trưởng’ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về VSATTP. Bộ Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi cần thiết.

- Trước đây, nói về ATTP khẩu hiệu hay đưa ra kêu gọi “Nhà sản xuất phải có lương tâm” và “Người tiêu dùng thông thái”, bây giờ có Luật ATTP quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và quyền của người tiêu dùng như thế nào?

+ Luật ATTP quy định người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp, quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ để đảm bảo ATTP. Chính vì vậy, nhà sản xuất không có lương tâm thì nguy hại tới sức khỏe và tính mạng của người dân không lường hết được.

Về phía người tiêu dùng thì Pháp lệnh VSATTP năm 2003 không có điều nào quy định quyền của người tiêu dùng. Khắc phục điều này, Luật ATTP quy định người tiêu dùng có 5 quyền, người tiêu dùng nên biết tận dụng những quyền lợi của mình được hưởng. Việc bồi dưỡng kiến thức cho người tiêu dùng để họ hiểu đúng Luật ATTP, người tiêu dùng nên tự biết cách phòng vệ cho bản thân, trang bị kiến thức mua sắm như: mua hàng hóa phải rõ thương hiệu, đọc kỹ nhãn mác, xem có nguồn gốc, xuất sứ, đảm bảo chất lượng VSATTP hay không. Mỗi người tiêu dùng sẽ là giám sát viên phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và phản ánh ngay với cơ quan có thẩm quyền khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Để Luật ATTP và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng chủ động, hiểu biết và thông thái.

- Bác sĩ cho biết việc xử phạt về các hành vi vi phạm ATTP có thay đổi gì không để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật?

+ Luật ATTP còn quy định chi tiết 13 nhóm hành vi vi phạm bị cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Khi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Đối với xử phạt vi phạm hành chính: ngoài việc áp dụng mức phạt theo hành vi vi phạm, còn áp dụng theo giá trị thực phẩm trong trường hợp mức quy định xử phạt hành vi còn thấp hơn giá trị của thực phẩm vi phạm (mức phạt không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm). Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.
 

5 QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

-Được cung cấp thông tin trung thực về ATTP, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm.

-Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

-Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

-Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

-Được bồi thường thiệt hại do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra theo quy định của pháp luật.

(Trích khoản 1, điều 9, Luật ATTP)


DIỆU HIỀN (thực hiện)