Gánh đời mưu sinh

03:06, 08/06/2011

Trong khi vật giá đều leo thang đến chóng mặt, đời sống của người lao động còn gặp bao nỗi khó khăn với cộng sống thường ngày.

Trong khi vật giá đều leo thang đến chóng mặt, đời sống của người lao động còn gặp bao nỗi khó khăn với cộng sống thường ngày. Nhưng để nói hết được những nỗi khó khăn của những người đánh vật với màn đêm mong chờ trời sáng. Họ là những người tứ xứ từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Thanh Hóa… đã bước chân lên thành phố cao nguyên này để mong tìm được những cơ hội cho cuộc sống mưu sinh của mình. Song trong số họ không ai cũng được may mắn để tìm được những công việc tốt và có thu nhập cao. Họ đành làm những công việc mà chúng tôi gọi là gánh đời… mưu sinh.

Mới một hai giờ sáng tại khu chợ rau củ Đà Lạt đã trở nên náo nhiệt, tiếng người bốc vác thuê, tiếng máy xe, tiếng người đi chợ sớm, cùng những tiếng í ới chào nhau của những người mà chúng tôi gọi là những người gánh miếng mưu sinh. Đây là những người bốc vác, gánh hàng thuê cho các tiểu thương, các chủ hàng ở chợ Đà Lạt đang ngày ngày đánh vật với bóng đêm để giành lấy những chuyến hàng mong kiếm được chút tiền kiếm miếng mưu sinh.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cái lạnh tê người của màn đêm trên cao nguyên này cũng không thấm gì đối với những con người đang cặm cụi bốc dỡ hàng lên những gánh để chuyển cho các tiểu thương trong khu chợ Đà Lạt. Chẳng phải những con người ấy không muốn có một giấc ngủ ngon sau một ngày mệt nhọc, nhưng họ cố gắng tranh thủ từng giờ từng phút để kiếm thêm những đồng tiền cho cuộc sống gia đình. Hơn nữa, thời gian nghỉ hè khách du lịch lên nhiều lại là những ngày có thể kiếm thêm được chút ít so với những ngày thường.

Vậy nhưng, mới gánh được vài chuyến mà trời đã bắt đầu hửng sáng, những tia sáng yếu ớt của ban mai Đà Lạt không đủ xua đi khối sương mù lạnh đến tê người nơi đây. Song, vẫn giọng sang sảng í ới, vẫn những bước chân vội vã và những lời chào hỏi thân tình đang cố tìm thêm vài chuyến nữa để đủ mưu sinh qua ngày.

Họ gần như thức trắng để đợi những chuyến xe hàng từ các huyện về chợ, những người bốc vác gánh thuê ấy lại tất tả, đon đả để giành lấy những gánh hàng. Người khỏe thì gánh nhanh còn kiếm được, nhưng những phụ nữ yếu, những người cao niên sức khỏe có hạn thì mỗi ngày cũng chỉ mong kiếm vài chục ngàn đồng mà thôi. So với cuộc sống lúc này cũng chẳng thấm tháp gì, nhưng để có một công việc như vậy, cũng chẳng dễ dàng kiếm được lúc này. Bởi bốc vác, gánh hàng cũng cần có mối có lái, có người quen bảo đảm, rồi những người gánh hàng bốc hàng đó phải có số không khắc với những tiểu thương để tiện làm ăn. Vì vậy mà công việc dù nặng nhọc nhưng cũng không dễ để được chủ hàng lựa chọn.

Sáng sớm trên Đà Lạt thường đến muộn hơn so với các nơi khác cho dù đó là ngày hè đi nữa, nhưng cái lạnh vẫn bao trùm cả thành phố, những con phố không náo nhiệt như ở các thành phố du lịch khác, lạnh đến nỗi những gia đình no đủ thì còn say trong giấc ngủ. Thế mà những thân phận gánh thuê đang từng ngày tất bật trên vai đôi gánh mưu sinh ở chợ Đà Lạt. Một ngày mới bắt đầu với những con người ấy từ lúc canh hai. Họ ngồi với nhau để chờ đợi một ánh sáng của đèn pha xe tải về chợ. Ánh sáng ấy có lẽ là thứ mà họ cần nhất cho một ngày mới bắt đầu, và đó là ánh sáng của hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn chăng?

Mỗi một người gánh hàng, mỗi người bốc vác họ đều mang một số phận, và họ đến từ một vùng quê khác nhau, nhưng tất cả đều chung một cái nghèo, vì thế mà họ tập trung về cái chợ này để gánh thuê kiếm tiền mưu sinh cho cả gia đình. Thế nhưng số tiền kiếm được mỗi ngày từ đôi vai trong cái giá lạnh của Đà Lạt chẳng thấm được bao nhiêu. Bởi tất cả những người gánh thuê ở đây đều phải mướn nhà trọ mà mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng vài chục ngàn đồng.

Lặng lẽ theo chân những người gánh hàng, tôi đã thấy tất cả sự vất vả nhọc nhằn khi những giọt mồ hôi lăn vội trên những khuôn mặt hốc hác ấy. Đà Lạt lạnh thế mà vẫn khiến những giọt mồ hôi rơi thì đủ thấy sự vất vả ấy như thế nào. Trên đôi vai của những con người ấy là cả 50 - 60 kg, lỉnh kỉnh nào là rau, hoa, củ, quả đủ loại. Để có tiền, mỗi người gánh hàng đều phải cố gắng gánh hàng càng nhanh càng tốt và đảm bảo cho gánh hàng được an toàn. Mỗi chuyến gánh hàng tùy theo khối lượng, xa, gần người ta sẽ trả công. Có gánh được 20 ngàn, có gánh cũng chỉ dăm ba mười ngàn. Biết là như vậy nhưng không bám vào nghề này thì họ không biết phải làm gì, trong khi ruộng đất không có, vốn liếng cũng không. Họ phải bán sức khỏe để kiếm miếng mưu sinh. Mỗi một gánh hàng như chất chứa những nỗi buồn của họ, vì cuộc sống ngày càng khó khăn vì cuộc sống họ phải lặn lội thân cò kiếm miếng mưu sinh.

Thế nhưng, họ vẫn phải làm vì những chuyến hàng đó là gánh mưu sinh của cả gia đình. Những số phận đó như gánh cả cuộc đời không biết đi đâu và đến bao giờ mới được nghỉ. Họ vẫn mải miết khi một ngày mới như đến sớm hơn với những con người này. Một ngày mới lại bắt đầu trên những đôi vai của những gánh hàng đang inh ỏi nơi góc chợ, và đằng sau những tiếng còi xe, những cái vồn vã náo nhiệt của phố thị là những khoảng lặng của cuộc sống mưu sinh. Tôi vẫn thường đi chợ sớm để mua những bó rau cùng những đồ ăn cho gia đình, vì đi chợ sớm thực phẩm sẽ mua được rẻ hơn, cũng vì ứng phó với cảnh bão giá leo thang và lần nào tôi cũng thấy những người gánh hàng vẫn kĩu kịt trên vai niềm hy vọng của cuộc sống thường ngày. Những đôi vai như chai sạn và những bước chân quen lối trên nẻo đường gánh miếng mưu sinh.

Mới gánh được vài chuyến mà trời đã bắt đầu hửng sáng, những tia sáng yếu ớt của ban mai Đà Lạt không đủ xua đi khối sương mù lạnh đến tê người nơi đây. Song, vẫn giọng sang sảng í ới, vẫn những bước chân vội vã và những lời chào hỏi thân tình, họ đang cố gánh thêm vài chuyến nữa để đủ mưu sinh qua ngày. Họ vẫn ngồi đó dưới những mái hiên của những gian hàng để chờ đợi những tiếng còi xe, những ánh đèn pha xe tải, bởi đó là niềm vui, là cuộc sống của những người gánh miếng mưu sinh.
NGUYỄN HUY KHUYẾN